Đừng để đòi nợ thuê thành vấn nạn của xã hội
Nếu các cơ quan thực thi pháp luật làm hết trách nhiệm và bảo vệ tốt quyền lợi của người cho vay thì người dân đã không phải dựa nhiều vào dịch vụ đòi nợ thuê.
Mạng xã hội những ngày qua lan truyền một đoạn clip dài hơn 4 phút quay lại cảnh 3 người bị một nhóm người đánh sấp mặt và bắt nằm rạp xuống nền trong một nhà xưởng cơ khí được cho là ở thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Sự việc này một lần nữa làm dấy lên những ý kiến trái chiều trong dư luận về cái gọi là “đòi nợ thuê”, “tín dụng đen” vốn đã tồn tại bấy lâu gây bức xúc xã hội.
Được biết, Công an thị xã Đông Triều đã xác định: Công ty Cổ phần dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh được ủy quyền của một Công ty có địa chỉ tại TP HCM đòi nợ số tiền 400 triệu đồng của một gia đình tại xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Phía Công ty Cổ phần dịch vụ Hưng Thịnh cũng đã có thông báo gửi đến Công an xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều. Và cấp cho ba nhân viên một “Giấy phép đi đòi nợ thuê” để tiện làm việc với phía chính quyền và “con nợ”.
Có thể bạn quan tâm
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê: Sao cứ không quản được thì cấm?
05:00, 03/10/2018
Kiến nghị cấm kinh doanh đòi nợ thuê có khả thi?
07:09, 01/10/2018
TP HCM kiến nghị cấm loại hình kinh doanh đòi nợ thuê
16:04, 27/09/2018
Giám đốc mượn cớ đòi nợ thuê để chiếm đoạt tiền tỷ
00:00, 26/08/2012
“Dịch vụ” đòi nợ thuê: Những giao dịch ngoài luồng
00:00, 22/05/2012
“Dịch vụ” đòi nợ thuê qua lời kể của “đại ca giang hồ”
00:00, 21/05/2012
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê: Cần đúng luật!
00:00, 10/06/2007
Nói đến đòi nợ thuê, chúng ta thấy một thực tế không thể phủ nhận đó là, cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông và tính lưu động của các băng nhóm liên quan đến tín dụng đen, hoạt động của các đối tượng hình sự gốc Bắc di chuyển vào Nam, Tây Nguyên và những nơi có chủ trương thành lập đặc khu kinh tế, “tín dụng đen” đang len lỏi đến cả vùng nông thôn và được ví như “cướp ngày” gây bất ổn trong xã hội.
Các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” thường gắn với tội phạm có tổ chức và có xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động.
Thậm chí, để dễ bề tổ chức các hoạt động che mắt những hành vi phi pháp, một số tổ chức, cá nhân lôi kéo mời các cán bộ từng làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật (công an, viện kiểm sát, tòa án…) thoái hóa, biến chất, đã nghỉ hưu tham gia tư vấn hoạt động cho vay và đòi nợ. Không ít các đối tượng còn ăn mặc lịch sự mang giấy giới thiệu đến công an cấp cơ sở đề nghị phối hợp để thực hiện hành vi đòi nợ, nhưng khi thực hiện hành vi đòi nợ thì lại sử dụng đối tượng lưu manh, côn đồ để thực hiện.
Song song, đây là ngành đặc thù dễ vướng phải các khiếu kiện, sai phạm về pháp lý. Việc buông lỏng quản lý hoạt động đòi nợ như hiện nay đang và sẽ làm tăng bạo lực và tội phạm. Nó cũng tạo ra một cơ chế khuyến khích ngược nguy hiểm cho nền kinh tế khi các tổ chức tín dụng cho vay tràn lan và thu nợ dựa trên bạo lực, thay vì đánh giá chặt chẽ khả năng trả nợ và mục đích sử dụng vốn của người vay.
Khách quan mà nói, trong quan hệ tín dụng, người cho vay luôn thường xuyên gặp phải các vấn đề trong việc thu hồi nợ, xuất phát từ sự chây ỳ và thiếu hợp tác của người vay. Việc thưa kiện người vay ra tòa để thu hồi nợ tiêu tốn của bên cho vay nhiều chi phí về pháp lý, nhân sự và thời gian.
Trong khi đó, các tổ chức đòi nợ chuyên nghiệp có thể giúp việc thu nợ trở nên hiệu quả hơn, tiết kiệm về mặt chi phí và tránh các rủi ro pháp lý với người cho vay. Điều này là điều kiện để thúc đẩy các dịch vụ cho vay phát triển, giảm chi phí cho vay.
Pháp luật đã xác định “đòi nợ thuê” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cũng đã quy định điều gì không được làm trong quá trình đòi nợ. Nói như Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basicco thì “Chỉ có cái gì là mặt trái, là bất hợp pháp thì mới cấm, chứ bản thân dịch vụ đòi nợ thuê không có “tội”.”
Thế nhưng, “đòi nợ thuê” như đã nói ở trên, chắc chắn là một dịch vụ nhạy cảm, rất dễ biến tướng trở thành việc hợp thức hóa các hoạt động mang tính chất xã hội đen nên cần được quản lý chặt chẽ ở mọi nền kinh tế. Đã có không ít hành vi đòi nợ bằng bạo lực hoặc những sự việc mang tính chất khủng bố tinh thần người thân của “con nợ”, đi ngược lại với các tiêu chí của một xã hội văn minh và thượng tôn pháp luật.
Sự việc “hy hữu” phía “đòi nợ” bị “con nợ” đánh cho sấp mặt ở Quảng Ninh càng minh chứng rõ vấn đề rằng: Nếu các cơ quan thực thi pháp luật làm hết trách nhiệm và bảo vệ tốt quyền lợi của người cho vay thì người dân đã không phải dựa nhiều vào dịch vụ đòi nợ thuê.
Điều này cũng có nghĩa, các cơ quan hữu quan có trách nhiệm cần phải quản lý một cách chặt chẽ hơn những vấn đề liên quan đến tín dụng đen, và cái gọi là dịch vụ “đòi nợ thuê”, đừng để nó thành vấn nạn bức bối xã hội, ảnh hưởng đến chiến dịch “an sinh xã hội” nói chung mà Đảng, Nhà nước đang nỗ lực thực hiện thời gian qua.