Lát đá vỉa hè Hà Nội: Yếu tố con người vẫn quan trọng nhất
Yếu tố con người vẫn là mấu chốt cho việc thành - bại của chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị. Đặc biệt, cần có sự chia sẻ, chung sức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Trước đó, hàng loạt tuyến đường nhiều quận nội thành Hà Nội đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm song mặt đá lát sau vài tháng đã bong tróc, gãy nát nhiều vị trí.
Mới đây, TP Hà Nội đã ban hành quyết định “thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn”. Theo đó, tổng hợp đề xuất của 15 quận, huyện, thị xã kèm theo quyết định này đưa ra danh sách gần 300 tuyến đường nằm trong khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố, với 3 loại vật liệu là: Đá tự nhiên; Gạch tezarro hoặc Gạch bê tông vân đá; Gạch block.
Vậy là, chủ trương sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường mang tính thống nhất của Chính quyền Hà Nội tiếp tục nhận được nhiều phản hồi từ dư luận trong bối cảnh bài học “đá vỉa hè bền 70 năm” vẫn còn nóng hổi. Chính điều này đã để lại những ấn tượng không tốt trong nỗ lực chỉnh trang đô thị của Chính quyền, cũng như những hoài nghi về năng lực thi công, lợi ích nhóm xung quanh câu chuyện “đá vỉa hè”.
Có thể bạn quan tâm
Lát đá vỉa hè hồ Gươm: Có thực sự cần thiết?
05:30, 12/03/2018
Chuyện lát đá vỉa hè Hà Nội: Sẽ hết kiểu “làm thì láo, báo cáo thì hay”?
05:36, 10/01/2018
Vụ đá vỉa hè "bền 70 năm” vừa lát đã vỡ: Bí thư Hà Nội yêu cầu truy trách nhiệm!
09:31, 14/12/2017
Vỉa hè lát đá tự nhiên tại Hà Nội: Vì sao vừa lát đã nứt?
09:00, 23/11/2017
Lát đá vỉa hè Hà Nội: “Lãng mạn” trong cảnh nghèo?
05:15, 19/09/2017
Trước đó, hàng loạt tuyến đường nhiều quận nội thành Hà Nội đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm. Tuyến phố đầu tiên là Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), rồi tới Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng..., song mặt đá lát sau vài tháng đã bong tróc, gãy nát nhiều vị trí.
Một phần cái vỉa hè xuất phát từ tư tưởng “của chung” nên mới vậy. Nói vậy bởi, những vỉa hè trước cửa nhà dân vừa lát xong đều được họ che chắn bảo quản, giữ gìn, không cho ai dẫm lên. Còn khu vực bị hư hỏng thường là những nơi công cộng. Lát xong, chưa kịp khô, người đi bộ và xe máy cứ thế phi lên, không bong tróc mới lạ.
Hơn nữa, nếu chủ đầu tư coi những sản phẩm này như những công trình của gia đình mình thì họ tất phải biết cần nâng niu, che chắn thế nào để gia tăng độ bền và tuổi thọ của công trình. Đừng quên những công trình đó gắn với tên tuổi của các chủ đầu tư.
Thực tế cho thấy, dù là “rắn như đá” nhưng cái lớp bê tông tạo móng mà không chắc thì việc sụt lún, vỡ vụn là tất nhiên. Còn liên quan tới trạm điện, gốc cây… khiến cho nền móng vỉa hè không ổn định thì chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công phải có phương án xử lý để đảm bảo chất lượng. Việc này nó tương tự như việc chúng ta muốn cái nhà vững thì nền móng phải vững chắc.
Vì thế, dư luận vẫn lo ngại đợt chỉnh trang vỉa hè lần này không mang lại hiệu quả cao. Tức là, lớp bê tông nền có đảm bảo đủ độ dày cần thiết hay không? Độ cứng bê tông có đảm bảo chất lượng không? Nếu không đủ thì do đâu, thi công hay thiết kế? Về đá lát, cũng tương tự, có đủ độ dày và có đúng chủng loại không? Có bị “ăn bớt”, độ dày hay không?..v..v. Những hoài nghi đó vẫn quẩn quanh trong suy nghĩ khá nhiều người.
Có lẽ rút kinh nghiệm từ những sai phạm, những chưa được của chiến dịch “lát vỉa hè” đợt trước. Đợt chỉnh trang lần này, thành phố quy định chỉ thực hiện thực hiện lát đá vỉa hè với điều kiện đã hạ ngầm hệ thống dây nổi, đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, các công trình kiến trúc hai bên đường đã được xây dựng ổn định; đồng bộ với việc cải tạo chỉnh trang mặt tiền các tuyến phố.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia vẫn cho rằng: “Dù sử dụng đá tự nhiên hay gạch terazzo, cốt nền và phần gắn kết giữa nền với đá/gạch phải được xử lý đúng tiêu chuẩn thì mới đảm bảo độ chịu lực cho đá/gạch lát ở trên. Khi thi công các tuyến phố, nhiều chỗ phải đào đất lên rồi mới lát. Nguyên tắc là nơi nào đào đất thì phải đầm nền, sau đó đổ bê tông dày 4-5 phân, cán xi cát vàng rồi lát đá hay gạch lên. Nếu chỉ lu những chỗ đào bới, không đầm nền tốt thì đất vẫn có độ lún, đá/gạch sẽ vỡ”.
Phải nói rằng, nhu cầu “làm đẹp” cho đô thị của mình thì Chính quyền địa phương nào cũng muốn. Đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường bỏ ra một khoản ngân sách cho việc chỉnh trang đô thị. Chắc hẳn, khoản chi này không hề nhỏ và nó vẫn là nhu cầu bức thiết trong quá trình phát triển, quy hoạch đô thị.
Nếu mọi người đều có trách nhiệm giữ gìn không gian công cộng thì đô thị sẽ ngày càng văn minh, lịch sự. Ngược lại, ai cũng chỉ nghĩ đến sự tiện lợi cho mình, nghĩ rằng, “cha chung không ai khóc” thì đô thị sẽ ngày càng xấu xí. Khi đó, ngân sách đổ ra bao nhiêu cũng không thể đủ!
Song song, điều quan trọng nhất vẫn là người tiến hành, chỉ đạo thực hiện kế hoạch chỉnh trang ấy như thế nào. Điều này cũng có nghĩa, người “cầm cân” phải có sức đủ, lực đầy” thì mới thành công. Theo đó, yếu tố con người sẽ vẫn là mấu chốt cho việc thành – bại của cả một chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị. Đặc biệt, cần có sự chia sẻ, chung sức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Chẳng có đất nước nào toàn bộ người dân tự giác, cán bộ tự nguyện. Tất cả nhờ luật pháp trong sự thi hành chuẩn mực mới sinh ra tự giác, một số tự giác không phải vì đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng, mà vì cái lợi ích riêng không đáng khi xâm phạm cái lợi chung.
Chỉ mong, những công trình mang ý nghĩa dân sinh, cộng đồng như “lát vỉa hè” ở Hà Nội, chủ đầu tư và đơn vị thi công sẽ hài hòa được “cái riêng trong cái chung, cái chung trong cái riêng” thì người dân mới thật sự được hưởng cái gọi là lợi ích từ những chính sách an sinh xã hội.