Trả lại tài sản cho du khách: Một kiểu làm du lịch bền vững

Sông Hàn 13/04/2019 05:00

Trong hoàn cảnh không có nhiều tiền để làm quảng bá và tiếp thị cho du lịch Việt Nam, thì những câu chuyện “nhặt được của rơi tìm người để trả lại” như trường hợp này rất đáng nói.

Gần đây, câu chuyện về ông Trần Văn Thành (54 tuổi, ngụ xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định) trao trả tài sản có giá trị khoảng 40 triệu đồng cho nhóm du khách trẻ quốc tịch Anh đang nhận được nhiều sự tán dương của dư luận.

Anh Rupert Toms cùng bạn chụp ảnh lưu niệm với gia đình ông Thành sau khi nhận lại toàn bộ tài sản đánh rơi.

Anh Rupert Toms cùng bạn chụp ảnh lưu niệm với gia đình ông Thành sau khi nhận lại toàn bộ tài sản đánh rơi.

Theo đó, ngày 6/4, ông Thành nhặt được một chiếc túi bên trong có 23 triệu đồng, 1 máy quay phim mini và nhiều giấy tờ như passport, visa… Sau đó, ông Thành về nhà nhờ con gái đăng lên mạng xã hội Facebook thông báo tìm người đánh rơi để trả. Sau khi thông tin được đưa lên Facebook, qua nhiều kênh, anh Rupert Toms cùng 4 người bạn, đều mang quốc tịch Anh liên hệ với ông Thành và được trả lại tài sản.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp văn hóa, kinh tế, chính trị. Để phát triển ngành du lịch, bấy lâu nay các cơ quan chức năng cũng như mọi người kỳ vọng quá lớn vào các cá nhân để thực hiện các công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam, mong họ phải làm nhiều thứ cho du lịch nước nhà, thế mới có chuyện sinh ra cái gọi là “đại sứ du lịch”.

Trong nỗ lực đó, ngành du lịch từng bổ nhiệm đạo diễn phim “Kong: Skull Island” Jordan Vogt-Roberts  làm “đại sứ du lịch”. Mới đây là ông Lee Chang Kun, tên Việt là Lý Xương Căn được Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch bổ nhiệm “đại sứ du lịch” Việt Nam, nhiệm kỳ 12/2017 đến tháng 12/2020. .v..v.

Tuy nhiên, sử dụng một người nước ngoài làm “đại sứ du lịch” là ấn tượng, nhưng cũng sẽ bị động và phụ thuộc vào lịch làm việc của họ. Vậy thì tại sao từng người Việt Nam không trở thành “đại sứ du lịch” cho nước mình? Tư duy nhanh nhạy thời kinh tế thị trường bây giờ phải thế. Không thể tư duy bật bài hát “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi…” rồi hy vọng du khách nước ngoài sẽ hiểu và đổ tới du ngoạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần chính sách bù đắp khoảng trống của du lịch mùa vụ

    05:00, 11/04/2019

  • Du lịch chất lượng cao bắt đầu từ đâu?

    14:00, 10/04/2019

  • “Mở rộng thành phố sẽ mang cơ hội lớn cho du lịch Hạ Long”

    00:12, 06/04/2019

  • Du lịch nông thôn - hướng đi của tương lai

    15:40, 05/04/2019

  • Bất động sản du lịch 'khát' nhân lực

    06:29, 02/04/2019

  • Kích cầu du lịch phải từ chính sản phẩm chất lượng, đẳng cấp

    12:00, 01/04/2019

  • “Bà Nà Hills không chỉ là một biểu tượng du lịch”

    17:32, 28/03/2019

Mặt khác, câu chuyện của du lịch Việt Nam thời gian qua là lượng du khách quay trở lại quá ít. Đừng nói gì cao xa, sang trọng hãy quay lại tập trung làm thật tốt những thứ mà ai cũng tự bảo là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như: Kiểu làm du lịch bắt chẹt, “chặt chém”, môi trường ô nhiễm, kẹt xe, cướp giật, khó khăn trong việc cấp visa (thị thực)... Chỉ khi tự du khách thấy tốt, họ sẽ quay lại.

Để làm được điều đó, có lẽ nhiều địa phương phải học hỏi Hội An rất nhiều. Điều khiến Hội An trở thành nơi đáng sống là bởi đây là mảnh đất đẹp lạ kỳ, yên tĩnh và quan trọng nhất là con người thân thiện. Du khách quốc tế luôn cảm thấy bình an và yêu đời khi đặt chân đến xứ sở này.

Và cũng chỉ có ở Hội An thì những loại hình du lịch làng nghề, du lịch sông nước, một ngày làm cư dân phố cổ, khu phố không có tiếng động cơ… mới được thực hiện thành công và trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An. Đó là vì những sản phẩm này có sự tham gia tự giác, nhiệt tình đầy tự hào của người dân, điều mà nhiều nơi khác chưa làm được.

Điều này cũng có nghĩa, nếu chúng ta chỉ chú tâm vào khai thác di sản du lịch hiện có mà không lo trùng tu cũng như chú ý đến lợi ích của những chủ nhân đích thực của di sản là chúng ta đang thực dụng kiểu “ăn xổi ở thì”. Chỉ biết khai thác quá khứ, tận dụng cái hiện có, lâu dài sẽ làm biến dạng và biến mất di sản là có lỗi với cha ông. Còn đe dọa đến tương lai của di sản là có lỗi với các thế hệ con cháu sau này.

Phải rõ ràng quan điểm, ngành du lịch không giống như thương mại, bỏ tiền ra là mang hàng về. Đây là những lĩnh vực định tính, không rõ định lượng, kết quả sẽ đến sau dăm bảy năm vận động, kết nối, xúc tiến. Trong hoàn cảnh không có nhiều tiền để làm quảng bá và tiếp thị cho du lịch Việt Nam, thì những câu chuyện “nhặt được của rơi tìm người để trả lại” như trường hợp nói trên là rất đáng nói.

Tức là, bên cạnh nỗ lực công tác xúc tiến du lịch của ngành du lịch thì các cơ quan chức năng đừng quên mỗi người dân chính là một cách quảng bá du lịch hiệu quả nhất khi họ biết thể hiện lòng tự trọng, sự thật thà, thân thiện, mến khách của mình… ở mỗi điểm đến của du khách. 

Sông Hàn