Vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy: Bao giờ đến ngày… khởi tố?
Bao giờ khởi tố vụ nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy là câu hỏi dư luận quan tâm trong những ngày gần đây.
Sự việc ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy ở chung cư tại quận 4 (TP.HCM) không phức tạp nhưng tới nay đã gần hết thời gian 20 ngày theo quy định, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra quyết định có khởi tố.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội truy Bộ Công an cho biết: Vụ ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP.Đà Nẵng có hành vi sàm sỡ bé gái trong thang máy của chung cư quận 4, TP. HCM diễn ra vào ngày 1/4/2019 nhưng cho đến nay chưa có quyết định nào của cơ quan cảnh sát điều tra.
Thậm chí, dư luận bức xúc đến nỗi, đã có hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một số người dân đã dán hình nghi phạm dâm ô trẻ em Nguyễn Hữu Linh lên xe ô tô cùng dòng chữ “Thành phố đáng sống phải nhốt sạch ấu dâm” để gây sức ép, buộc đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Tội ấu dâm và “công lý 200 nghìn”
11:05, 04/04/2019
Ấu dâm: Ai bảo vệ an toàn cho trẻ em?
00:00, 04/04/2019
Ấu dâm: Đừng đấu tranh cho công lý bằng tội ác
22:11, 14/03/2017
Nhân phẩm của con người đáng giá 200 nghìn?
11:00, 19/03/2019
Oái ăm ở chỗ, cũng hành vi tương tự, mới đây TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Đinh Văn Kiểu 4 tháng tù giam về hành vi xoa bụng, ngực bé gái 15 tuổi, không cho hưởng án treo. Việc này khiến cho không ít người đặt câu hỏi: Thường dân có hành vi dâm ô trẻ em bị phạt tù, chẳng lẽ nguyên Phó Viện trưởng VKSNA kia lại không?
Suy rộng vấn đề một chút, một con số báo cáo của Bộ Công an, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2017 phát hiện 1.592 vụ, giảm 49 vụ so với năm trước. Năm 2018 phát hiện 1.547 vụ, giảm 45 vụ so với năm trước. Còn theo báo cáo của TAND Tối cao thì từ ngày 1/10/2017 đến ngày 28/2/2019, TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm 2.719 vụ với 2.894 bị cáo phạm tội xâm hại tình dục. Các tòa án đã xét xử, giải quyết 2.437 vụ với 2.577 bị cáo.
Những con số thống kê ấy càng minh chứng cho công tác bảo vệ trẻ em và xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em đang có vấn đề. Tại sao những tội ác như thế lại không được ngăn chặn, xử lý triệt để, tại sao những hành động ấy lại cứ diễn ra và không ngừng tăng?
Dường như, 15 tổ chức bảo vệ trẻ em thuộc các cấp ngành khác nhau, hệ thống luật lệ và những khẩu hiệu về bảo vệ trẻ em của chúng ta chưa thực sự hiệu quả và chưa đáp ứng được bất cứ yêu cầu nào của xã hội đang đề ra. Phải chăng 15 tổ chức ấy, những luật lệ, khẩu hiệu ấy chỉ mang tính biểu tượng, hình thức mà không có bất kỳ giá trị nào?
Nói thẳng ra, nhiều trẻ em bị xâm hại một phần là do pháp luật không nghiêm. Đang có một khoảng trống quá lớn trong pháp luật hình sự hiện hành quy định và thực thi đối với loại tội phạm nguy hiểm, để lại hậu quả lâu dài cho trẻ và xã hội. Phải chăng, trong trường hợp này có sự bao che, dung túng, và thiếu trách nhiệm của chính những cơ quan này và hệ thống pháp luật?
Song song, khi đề cập tới hai chữ “trách nhiệm”, chúng ta cứ hay nói trách nhiệm chung chung. Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhận định: “Việc áp dụng pháp luật có vấn đề. Mỗi cán bộ tiến hành tố tụng hãy đặt mình vào vị trí bố mẹ của đối tượng bị xâm hại thì chúng ta nghĩ gì. Không thể nói không có chứng cứ nên phải phạt 200.000 đồng cho hành vi cưỡng hôn trong thang máy. Nói thế là vô cảm trước nỗi đau của người dân… Rõ ràng dư luận bức xúc trong một số vụ việc vừa qua là sự bức xúc đối với sự không nghiêm minh trong thực thi pháp luật”.
Và phải chăng chúng ta đang quá nhân nhượng, đã quá từ bi với những kẻ không đáng nhận được sự khoan hồng, khoan nhượng? Liệu rằng, chế tài nhẹ như vậy và buông lỏng khi thực thi pháp luật đã thực sự đủ sức răn đe hay chưa? Thật tình, không ai muốn ai phải lâm vào tù tội, nhưng luật thì phải nghiêm để bảo đảm tính răn đe.
Thế nên mới nói, chuyện của cựu Viện phó VKSND TP.Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh, dư luận đang rất băn khoăn và lo lắng, không hiểu vấn đề đang nằm ở đâu, ở chế tài xử lý hay ở những cơ quan đang làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của con trẻ? Và bao giờ cho đến ngày… khởi tố!