Để nông sản Việt trụ vững ở thị trường EU
Những bài học đắng ngắt từ thị trường Trung Quốc và những cơn khủng hoảng thừa trong nước buộc nông sản Việt phải tìm hướng đi bền vững...
Báo nói Diễn đàn Doanh nghiệp: |
Con đường đưa nông sản Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) với tư cách là món hàng hảo hạng đầy gian nan. Nhưng để những mặt hàng ấy trụ lại vững bền còn khó khăn gấp bội.
Những năm qua Việt Nam thu hái nhiều thành công khi xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu - cả về số lượng lẫn giá trị gia tăng. Nhưng mức tăng trưởng đó tỷ lệ thuận với số vụ bị cảnh báo.
Đó là tình trạng nông sản Việt Nam bị châu Âu trả về, cả năm 2017 tính riêng ngành thực phẩm đã ghi nhận 90 trường hợp, hết tháng 8/2018 là 40 trường hợp bị trả về. Nguyên nhân chính vẫn là khâu chất lượng, chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh và dư lượng hóa chất vượt mức cho phép.
Trong số đó, bài học đắt giá nhất là tấm “thẻ vàng” mà EU dành cho hải sản Việt Nam. Đang ăn nên làm ra tại EU với tổng giá trị thu về mỗi năm 350 - 400 triệu USD, những bất cập trong khai thác, chứng minh nguồn gốc khiến EU “tuýt còi” vào tháng 10/2017.
Từ đó, xuất khẩu hải sản sang thị trường cao cấp này liên tục giảm sâu, chiếc “thẻ vàng” tai hại đã kéo thị trường EU từ vị trí là nhà tiêu thụ thủy sản số 1 năm 2017 xuống thứ 4 trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ đạt 584 triệu USD.
Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có cách nào “gỡ” thẻ. Tác hại không chỉ đối với thủy sản mà còn ảnh hưởng đến uy tín toàn ngành nông nghiệp, EU sẽ “soi” kỹ hàng Việt Nam từ lần vi phạm này.
Nguy cơ với nông sản Việt Nam không chỉ là bị trả về, mà còn là sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ mạnh như Thái Lan, Ấn Độ, New Zealand. Cho nên, không những phải đảm bảo chất lượng mà còn nâng cao chất lượng theo thời gian.
EU và Mỹ là một trong những thị trường có xu hướng tiêu dùng biến đổi nhanh nhất, ngoài hình thức mẫu mã, liên tục nâng chuẩn chất lượng là một đặc tính mà mọi doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với EU phải lưu tâm.
Tại “Hội thảo xúc tiến xuất khẩu nông sản và thực phẩm sang châu Âu” diễn ra cách đây chưa lâu, một dại diện doanh nghiệp xuất khẩu mật ong kể lại: “Doanh nghiệp dự hội nghị nhiều nhưng chưa bao giờ nghĩ tới tổ chức gian hàng riêng cho ngành ong Việt Nam. Đi hội chợ chỉ xách vali, khi có gian hàng thì đơn giản, ai đến thì đến... “Thật tủi thân khi nhìn gian hàng các nước bạn”.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Đối mặt khúc quanh hiểm nghèo
13:30, 19/04/2019
Xoài Việt "bay" sang Mỹ và cơ hội nâng giá nông sản Việt
10:16, 18/04/2019
Thách thức từ Trung Quốc với nông sản Việt
05:02, 15/04/2019
Nông sản ngoại “đội lốt” hàng Việt: Xin đừng buông lỏng quản lý...
05:00, 10/04/2019
Vì sao nông sản Việt khó tìm được chỗ đứng tại Singapore?
12:28, 25/03/2019
Nông sản Nhật: Khi khan hiếm là một đặc quyền!
06:32, 25/03/2019
“Xây chuỗi” xuất khẩu nông sản Việt
05:00, 10/03/2019
Công nghệ bảo quản quyết định thành bại nông sản Việt
22:57, 24/02/2019
Nông sản Việt và bài toán “thị trường mới”!
05:00, 18/02/2019
Lời “cảnh báo” cho nông sản Việt!
05:00, 12/02/2019
Từ câu chuyện này, có thể thấy rằng, để duy trì hàng hóa trên thị trường không chỉ mỗi việc sản xuất thật tốt, mà phải có chiến lược Marketing bài bản, thậm chí cả một “hệ sinh thái” đi kèm. Với EU, hàng hóa không đơn giản chỉ thỏa mãn nhu cầu vật chất mà còn hướng đến giá trị tinh thần, “sản phẩm phải có cảm xúc và hình ảnh mang đến trải nghiệm cho khách hàng” như khuyến cáo của ông Dekker - chuyên gia tư vấn cao cấp CBI Hà Lan.
Một thực tế khác, khả năng nhận diện thương hiệu của nông sản Việt Nam tại EU chưa cao. Xây dựng thương hiệu là một quá trình, dĩ nhiên rất khó đối với những mặt hàng đã dính “phốt”. Cà phê Tây Nguyên, gạo Cần Thơ, nhãn Ido, xoài Cát Chu, tiêu Phú Quốc, chôm chôm Java, chè Shan Tuyết, Ô Long, Tân Cương,… là những tên tuổi đã được định hình có thể lấy làm “giáo trình”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chuyến công du quan trọng tại Rumani, Chính phủ Rumani đang là Chủ tịch luân phiên EU cam kết nỗ lực để Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhanh chóng được ký kết, điều đó có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam “rộng cửa” làm ăn với đối tác châu Âu.
Tuy nhiên, thách thức không hề nhỏ, Hiệp định quy định khắt khe kiểm dịch động, thực vật vệ sinh an toàn thực phẩm; quy tắc xuất xứ Hải quan; sở hữu trí tuệ bao gồm cả chỉ dẫn địa lý; phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế. Hiệp định cũng bao gồm cách tiếp cận mới, tiến bộ hơn về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư.
Chỉ khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% và còn phụ thuộc vào cơ chế GSP, tức là đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, nếu thực hiện tốt số lượng hàng hóa miễn thuế nhập khẩu vào EU sẽ tăng lên.
Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi toàn diện phương thức sản xuất, kinh doanh và vấn đề hiện tại không phải thiếu số lượng mà là chất lượng; không phải thiếu quá trình mà thiếu quy trình chuẩn.
Trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới đạt khoảng 0,75% tổng giá trị nhập khẩu của EU, dư địa thị trường rất lớn, nếu kịp thời thích ứng có thể giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đồng thời tăng giá trị thặng dư.
Chung quy lại, cái mà đối tác EU hướng đến là kiếm tìm đối tác tin cậy, trong sáng minh bạch và thiện chí trong thương mại. Hay nói cách khác đó là đạo đức, văn hóa kinh doanh trên cơ sở tôn trọng khách hàng và tôn trọng lẫn nhau theo nguyên tắc “win - win”.