Cần gỡ "nút thắt" cho ngành thủy sản

Đại Dương 05/05/2019 05:07

Để thúc đẩy phát triển ngành thủy sản, cần nhanh chóng gỡ "nút thắt" đối với ngành này, bởi hiện có tới 24 nút thắt, trong đó có 8 nút thắt khiến cho sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Thủy sản năm 2018 xuất khẩu được 8,8 tỷ USD. Đây có thể là kết quả của một quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi không chỉ riêng trong năm 2018 của ngành này. Bởi xét các chỉ số của thủy sản trong năm nay, từ sản lượng cho đến diện tích, khai thác đều tăng, có chỉ số tăng tới hơn 8% so với năm 2017. Nên nhớ rằng, năm 2018, nhiều vấn nạn đối với thủy sản đã xảy ra và quá trình giải quyết cũng khiến ngành này có lúc lâm vào khó khăn.

Thủy sản vượt dầu thô

Nhưng nhìn về quá khứ, có lẽ người lạc quan nhất thời điểm mà thủy sản Việt Nam bắt đầu đi ra thị trường quốc tế cũng khó có thể tin rằng đến nay thủy sản thậm chí đang đóng góp vào nền kinh tế với tỷ lệ lớn hơn cả dầu thô. TS Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản mấy năm trước đây vẫn còn nhớ như in cảm giác “đất trời sụp đổ” khi Nhật Bản đưa cho ông xem tấm phim X-quang chụp tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam có nhét đinh trong đó.

Theo lời TS Dũng kể một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gian lận nhét đinh vào tôm hoặc dư lượng thuốc trừ sâu trong tôm còn nhiều, khi phát hiện ra những gian lận này, phía Nhật hủy luôn cả lô hàng. Chi phí tiêu hủy thời đó tương đương khoảng 60.000 USD hiện nay. Lúc trao đổi, TS Dũng vẫn sống lại cảm xúc năm nào: “Nhục lắm. Khi phía Nhật đưa cho tôi bản X-quang chụp một khối tôm đông lạnh hiện lên hình những cây đinh trong mỗi con tôm, tôi chỉ muốn độn thổ! Tôi không thể tưởng tượng được!”.

Nhưng có thể cũng qua những “nỗi nhục” ấy mà xuất khẩu tôm nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung cho đến nay đã có vị trí trên thị trường quốc tế. Chỉ riêng với tôm, hiện nay tôm đông lạnh của VN luôn giữ vị trí thứ ba, thứ tư tại thị trường Nhật. Điều ấy cũng có nghĩa rằng: từ chỗ “không biết gì” về tôm đông lạnh, thì nhờ có những cuộc “xuất ngoại” và những bài học đau đớn, Việt Nam chẳng những xuất khẩu được sản phẩm của mình, mà còn mua được trang thiết bị về thành lập các nhà máy đông lạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • “Visa vip” cho thủy sản Việt

    11:00, 07/04/2019

  • Bấp bênh “phận” khai thác thủy sản

    06:21, 07/04/2019

  • Khi doanh nghiệp thủy sản tìm 'rể ngoại'

    10:04, 05/04/2019

  • Tham vọng vượt lên dẫn đầu ngành thủy sản có quá sức với Nam Việt?

    05:00, 15/03/2019

  • Nghe giá điện tăng... doanh nghiệp thuỷ sản "sốc"

    15:18, 12/03/2019

  • Xuất khẩu 10 tỷ USD quá sức với thủy sản?

    06:00, 24/02/2019

  • Thần may mắn đã “mỉm cười” với thủy sản Hùng Vương?

    05:00, 24/02/2019

Lợi thế biết phát huy

Tổng cục thống kê cuối năm 2018 công bố số liệu sau: Sản lượng thuỷ sản cả năm ước tính đạt 7.756,5 nghìn tấn, tăng 6,1% so với năm trước (quý IV đạt 2.106.400 tấn, tăng 6,4%), trong đó cá đạt 5.602.800 tấn, tăng 6,7%; tôm đạt 966.100 tấn, tăng 7%. Sức tăng trưởng này là rất tốt cho một ngành mà Việt Nam có lợi thế bởi bờ biển dài và sông ngòi chằng chịt.

Thế nhưng, có lẽ những lợi thế tự nhiên ấy sẽ còn phát huy được tác dụng tốt nếu những vấn đề của thể chế đối với nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng được xây dựng theo hướng thị trường và triển khai thông thoáng, minh bạch. Trải qua nhiều chục năm từ khi đổi mới đến nay, rõ ràng không chỉ thủy sản, mà cả ngành nông nghiệp đều vươn lên, đạt được những “thành tích” có thật.

  Những quy định phi thị trường và phi thực tế đã khiến cho hàng chục nghìn tấn thủy sản bị ách tắc tại các cảng trong nhiều tháng.

Ấy vậy mà đầu tháng 4 năm nay, Chính phủ vẫn phải bàn về việc tháo cởi những nút thắt cho nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng. Đối với ngành thủy sản, có tới 24 nút thắt, trong đó có 8 nút thắt khiến cho sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Đơn giản như những vướng mắc lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh, XK hải sản khai thác như quy định về kiểm soát nguồn gốc thủy sản nhập khẩu tại Thông tư số 36/2018 của Bộ NN&PTNT và quy định về công bố cảng cá chỉ định xác nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác theo Thông tư số 21/2018 cũng của bộ này. Hai vướng quy định phi thị trường và phi thực tế ấy khiến cho hàng chục nghìn tấn thủy sản bị ách tắc tại các cảng và những doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu thủy sản gặp phải những khó khăn không đáng có.

Đương nhiên, trong đó còn có cả những khó khăn do cơ chế liên thông giữa các cơ quan hữu quan, chính sách thuế và những “khó khăn ngầm” nữa. Những khó khăn ngầm đôi khi lại đến từ những văn bản pháp luật rất tường minh. Chẳng hạn Nghị định 43/2017 về ghi nhãn hàng hóa liên quan đến các dòng hàng đặc thù của thủy sản. Dù các doanh nghiệp và hiệp hội đã kiến nghị rất nhiều lần, nhưng Bộ KH&CN vẫn đang trong quá trình xin ý kiến các bên liên quan. Nhưng cuộc sống thì cứ trôi đi chứ không chờ đợi đến lúc Bộ KH&CN tập hợp được tất cả các ý kiến.

Trong khi hội nhập và các vấn đề vĩ mô vẫn đang được bàn luận sôi nổi thì có lẽ trong bất kể ngành nào, lĩnh vực nào cũng còn những dư địa để cải cách và phát triển. Chẳng vậy mà Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Từ góc độ thể chế, mặc dù chúng ta đã có những bước tiến đáng kể, nhưng so với mục tiêu trở thành các nền kinh tế Top3, Top 4 trong ASEAN thì hành trình vẫn còn xa”. 

Đại Dương