Phát triển du lịch: Trông người để... ngẫm đến ta

Quế Lan 08/05/2019 11:00

Mặc dù có nhiều lợi thế về tiềm năng song du lịch Việt Nam hiện lại đang ở vị trí thấp so với các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan.

Nhóm công tác du lịch tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, Việt Nam đã có nhiều bước đi đúng đắn trong việc phát triển ngành du lịch. Tuy vậy, điều quan trọng cần phải nhớ rằng Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước khác và đặc biệt với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Chúng ta hãy cùng điểm lại một chút về bức tranh du lịch của các nước “liền kề” để thấy được điều đó.

Thái Lan - chính sách thị thực thông thoáng

Thái Lan hiện là quốc gia có doanh thu lẫn lượt khách dẫn đầu Đông Nam Á. Năm 2018, Thái Lan đã đón 38,27 triệu khách du lịch tới nước này, tăng 7,5% so với năm 2017. Với kết quả khả quan trong năm 2018, Thái Lan đặt mục tiêu sẽ đón khoảng 41,1 triệu lượt du khách trong năm 2019, tăng khoảng 7,5% so với năm 2018 và mức doanh thu hơn 70 tỷ USD.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ, lượng khách du lịch đến với Thái Lan đông thì một trong những nguyên nhân chính là chính sách thị thực thông thoáng, cởi mở với các nước.

Nếu tính ở khối ASEAN, số lượng các quốc gia được miễn thị thực của Việt Nam chỉ đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar và bị bỏ rất xa bởi những cái tên khác. Trong khi các du khách đến từ 24 quốc gia được miễn thị thực khi vào Việt Nam, con số này của Brunei là 54, Thái Lan là 55 và có thành viên ASEAN thậm chí đạt trên 150.

Thái Lan đã áp dụng quy chế miễn thị thực với mức phí 2.000 Baht (khoảng 60 USD) cho công dân của 20 nước…

Có sản phẩm tốt, nhưng bán được hàng hay không lại là chuyện khác. Người làm kinh doanh phải là marketing thật tốt. Người Thái rất giỏi điều này. Họ quảng bá du lịch khắp nơi, từ nước giàu cho đến nước nghèo, nhiều lĩnh vực như phim ảnh, ca nhạc, ẩm thực…, với nhiều đối tượng khách hàng, từ du lịch tâm linh cho đến du lịch giải trí.

Gần đây nhất, để thu hút khách du lịch, từ ngày 15/2/2019, Thái Lan đã triển khai cấp visa điện tử cho khách du lịch Trung Quốc, sau đó là các nước khác. Theo kế hoạch, sau 3 năm, tất cả khách du lịch tại các quốc gia đến Thái Lan đều có thể sử dụng dịch vụ này.

Thái Lan áp dụng công nghệ số trong quảng bá du lịch với hàng trăm triệu USD chi cho quảng bá, xúc tiến du lịch hàng năm. Chiến dịch cực kỳ thành công “Amazing Thailand”, sau này là “Discover Thainess”… đã giúp số lượng khách du lịch đến quốc gia này gia tăng “phi mã” qua mỗi năm.

Xét về yếu tố sân bay, Việt Nam là quốc gia có số hãng hàng không ít nhất. Thái Lan mặc dù chỉ sở hữu dân số bằng khoảng 70% của Việt Nam lại có tới gấp 3 số lượng hãng hàng không được phê duyệt.

Sự thiếu cạnh tranh này đã phản ánh thực tế ở Việt Nam là chi phí một số tour du lịch nội địa thậm chí cao hơn chi phí của các tour du lịch quốc tế có cùng một khoảng cách di chuyển và thời gian lưu trú.

Malaysia - châu Á đích thực

Malaysia là quốc gia có ngành công nghiệp du lịch phát triển nhất trong khu vực ASEAN, đồng thời cũng là đất nước rất thành công trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, đặc biệt là thương hiệu “Malaysia - Châu Á đích thực”.

Một trong những lý do khiến Malaysia trở thành thị trường du lịch phát triển mạnh trong khối ASEAN là vì đất nước này có vị trí chiến lược tốt, nằm trong trung tâm khu vực châu Á. Do vậy quãng đường mà du khách các nước đến với Malaysia tương đối gần, không mất nhiều thời gian và không bị mệt mỏi bởi quãng đường dài.

Thứ hai, Malaysia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tuyệt đẹp như rừng nguyên sinh được bảo tồn tốt, hệ thống biển đảo đẹp, khu quần thể động thực vật dưới đáy biển được bảo tổn rất kỹ…

Thứ ba, Chính phủ Malaysia rất quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ du lịch. Thường xuyên cải tiến, đổi mới bằng cách xây dựng những công trình, cơ sở hạ tầng vật chất hiện đại và tốt nhất để phục vụ du khách.

Hiện Việt Nam có 21 sân bay, nhưng công suất toàn bộ các sân bay của Việt Nam cộng lại mới bằng một sân bay lớn nhất ở Kuala Lumpur (Malaysia).

Singapore - thiên đường du lịch văn minh

Tận dụng được địa danh ít hỏi hơn so với Việt Nam để tạo dựng được thành phố xanh- sạch-đẹp, thành điểm du lịch văn minh, hiện đại, an toàn. Cũng là một trong những đất nước có tội phạm ít nhất thế giới, Singapore vì đã xây dựng hệ thống quy định, luật, quy tắc ứng xử và kiểm soát khá chặt chẽ.

Malaysia có rất nhiều lễ hội được tổ chức quanh năm, mang đặc Trưng nền Văn hóa của mỗi Dân Tộc, Tôn giáo như: lễ hội DeepaVali, hari raya pua- sa, Thaipusam, giáng sinh…

Điều này cũng dễ hiểu khi Singapore được ví như thiên đường du lịch văn minh, hiện đại và luôn thu hút hành triệu lượt du khách ghé thăm mỗi năm.

Tổng cục Du lịch Singapore cho biết, từ năm 2019, đất nước này sẽ đăng cai tổ chức hàng loạt sự kiện quy mô lớn và đa dạng trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ chuyên nghiệp, công nghệ thông
tin, thực phẩm và đồ uống.

Ngoài việc Singapore mong muốn khẳng định hình ảnh của mình như một điểm đến hàng đầu dành cho các hoạt động doanh nghiệp, các sự kiện thu hút hàng nghìn đại biểu quốc tế tham dự này cũng là dịp để thúc đẩy ngành du lịch đảo quốc sử tử phát triển.

Ở Singapore, việc khạc nhổ hay nhả bã kẹo cao su, vứt rác bừa bãi bị phạt bao nhiêu tiền đều có quy định cụ thể, và họ thực hiện rất nghiêm khắc.

Ở Singapore, việc khạc nhổ hay nhả bã kẹo cao su, vứt rác bừa bãi bị phạt bao nhiêu tiền đều có quy định cụ thể, và họ thực hiện rất nghiêm khắc.

Việt Nam cần yếu tố bản sắc trong phát triển du lịch

Khách quan mà nói, thời gian qua, ngành du lịch đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Thế nhưng, những người làm du lịch ở nước ta còn phải nỗ lực hơn rất nhiều để xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Bởi, xét tổng thể, du lịch Việt Nam còn mất cân đối, thiếu sâu sắc, nhạt bản sắc hoặc sắc thái chưa ấn tượng.

Có thể nói, việc nhiều tài nguyên du lịch đôi khi cũng là bất lợi. Chúng khiến chúng ta khó tìm được một bản sắc, sự nhận diện thương hiệu, lưỡng lự trong lựa chọn ưu tiên. Có thực tế là lâu nay chúng ta chỉ tư duy phát triển du lịch như là một ngành duy nhất, thay vì phát triển theo cụm ngành. Chúng ta chỉ tập trung vào khai thác tài nguyên mà thiếu chú trọng đầu tư những yếu tố khác. Do vậy cần quan tâm cả đến những yếu tố mang tính hỗ trợ nhưng không kém phần quan trọng để phát huy cao nhất các giá trị của tài nguyên.

Cùng với đó, sự xuống cấp của không ít danh lam thắng cảnh (do người ta chỉ khai thác mà không gắn với bảo tồn, tái tạo) khiến cho sản phẩm du lịch của Việt Nam không còn sự hấp dẫn.

Tài nguyên du lịch của Việt Nam nhìn chung vẫn như “viên ngọc thô” chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ dũa xứng đáng. Muốn vậy, các nhà quản lý, cơ quan có liên quan cần phải làm thế nào đó để có người quản trị giỏi, phải tạo nên cho du lịch Việt Nam một bản sắc riêng để tạo sự đột phá, phát triển theo hướng bền vững.

Quế Lan