Kinh tế số: Doanh nghiệp Việt đủ sức chuyển đổi
"Việc chuyển đổi sang nền kinh tế số với hàng loạt ứng dụng công nghệ sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh".
Điều này đã được các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khẳng định tại “Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam” diễn ra mới đây.
Thực tế, kinh tế số sẽ giúp kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nên đây không phải lần đầu tiên thuật ngữ “kinh tế số” được khơi gợi, mà Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 trước đó, vấn đề “làm thế nào để Việt Nam phát triển kinh tế số” là nội dung quan trọng được các chuyên gia tập trung thảo luận.
Nói về nền kinh tế số, tức là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số. Mọi lĩnh vực, mọi cá nhân, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ số làm tốt hơn công việc của mình như dùng camera để giảm số lượng người bảo vệ, hay dùng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy… Đó là số hóa nền kinh tế.
Một con số thống kê cho thấy, có 40% trong tổng số doanh nghiệp hiện chưa có bộ máy kế toán. Xu hướng 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tài chính kế toán, chi phí sẽ tăng. Để giải quyết vấn đề này chỉ có công nghệ mới đáp ứng được.
Có thể bạn quan tâm
“Đặc khu” cho các mô hình kinh tế mới
14:12, 11/05/2019
Điểm nghẽn tư duy cũ "kìm chân" doanh nghiệp phát triển công nghệ
11:30, 09/05/2019
Chiến lược "Make in Vietnam" sẽ được ban hành trong tháng 6/2019
11:22, 09/05/2019
Phát triển doanh nghiệp công nghệ giúp “thoát bẫy thu nhập trung bình” nhìn từ Hàn Quốc
11:15, 09/05/2019
Thủ tướng dự diễn đàn thúc đẩy ngành công nghiệp 100 tỷ USD
19:49, 08/05/2019
Theo tính toán của ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty MISA, hiện những ứng dụng kế toán có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí từ 8 triệu xuống còn 2 triệu đồng mỗi tháng. 700.000 doanh nghiệp phải trả 8 triệu đồng cho công tác kế toán hàng tháng mỗi năm sẽ tốn 26.880 tỷ đồng. Nếu sử dụng ứng dụng kế toán với 2 triệu đồng/tháng thì mỗi năm chỉ hết 6.720 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 20.000 tỷ đồng.
"Chỉ lấy ví dụ về việc chuyển đổi từ hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử sẽ thấy rõ: Chi phí cho một hóa đơn giấy có giá 15.000 đồng, với 700.000 doanh nghiệp hiện nay sẽ cần tới 10.500 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng chuyển sang hóa đơn điện tử, chi phí giảm xuống 500 đồng và 700.000 doanh nghiệp chỉ tiêu tốn 350 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm” – ông Long tiếp lời.
Có thể nói, hiện mọi thứ đang được số hóa từ thương mại, thanh toán, vận chuyển, giáo dục, sức khỏe… Đối với doanh nghiệp, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tăng khả năng mở rộng thị trường, giảm chi phí tiếp thị, bán hàng và cung ứng, giúp cải thiện hệ thống phân phối của doanh nghiệp, giảm chi phí thông tin, chi phí quản lý và thời gian xử lý giấy tờ, tăng cường mối liên hệ với khách hàng dễ dàng hơn thông qua việc giao tiếp thuận tiện trên mạng Internet,…
Còn đối với người tiêu dùng, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ, giảm thiểu thời gian mua hàng và chi phí đi lại, tạo cơ hội mua được sản phẩm với giá bán thấp hơn, tiếp cận được nhiều thông tin hơn,…
Đối với xã hội, thương mại điện tử kích thích phát triển công nghệ thông tin góp phần vào sự chuyển dịch và hội nhập kinh tế của đất nước.
Minh chứng rõ hơn đó là khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2018 cho thấy, 85% doanh nghiệp nhỏ và vừa khẳng định bán hàng trên Facebook giúp thu hút nhiều khách hàng hơn và 74% cho biết doanh số tăng nhờ vào nền tảng này.
Và để chuyển đổi tốt sang nền kinh tế số thì dữ liệu khách hàng chính là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải làm chủ tài nguyên này. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay lại chính là nguồn dữ liệu. Muốn ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào kinh doanh, phải có lượng thông tin dữ liệu đủ lớn làm yếu tố đầu vào để nó tự học, tương tác với môi trường và ra quyết định.
Dù sẽ có những thách thức nhất định, nhưng đã đến lúc các doanh nghiệp không thể chậm trễ trong việc tìm tòi, học hỏi, áp dụng công nghệ cho sự phát triển tồn vong của chính mình. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người tham gia thị trường lao động này cũng cần phải có chí tiến thủ, có những đòi hỏi nhất định về cái gọi là “hiện đại hóa thời 4.0” để thúc doanh nghiệp có thêm động lực, nâng tầm phát triển.
Bởi, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cơ hội đến và không bao giờ quay lại, cái chúng ta cần làm là hành động, hành động và hành động kịp thời. Phát triển công nghệ Việt đưa đất nước đến thịnh vượng Việt. Các doanh nghiệp công nghệ chính là người đưa động lực đổi mới sáng tạo, thực hiện thành công đổi mới sáng tạo quốc gia”.
Chính, cộng đồng doanh nghiệp Việt sẽ giúp nền kinh tế nước nhà chuyển đổi thành công sang kinh tế số. Vì bản thân doanh nghiệp Việt không thiếu sự sáng tạo và người Việt cũng không hề thiếu tài năng.