Quản lý thuế và bài học “kinh tế ngầm”

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú 17/05/2019 02:00

Mấy ngày nay, báo chí đã nêu khá rõ về một số hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Nhật Cường, Giám đốc đã bị khởi tố với nhiều bị can khác.

Ông Bùi Quang Huy - chủ của chuỗi Nhật Cường Mobile bị khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam với cáo buộc buôn lậu xuyên quốc gia, giấu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Bùi Quang Huy - chủ chuỗi cửa hàng Nhật Cường Mobile bị khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam với cáo buộc buôn lậu xuyên quốc gia, giấu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể ra sao sẽ chờ những kết luật chính thức của cơ quan điều tra và Tòa án xét xử. Tuy nhiên qua sự việc này chúng ta thấy bộc lộ rõ công tác quản lý doanh nghiệp của một số bộ phận được phân công theo dõi mảng kinh doanh bán buôn bán lẻ dịch vụ có vấn đề.

Doanh nghiệp Nhật Cường đã tổ chức 2 loại sổ sách kế toán để che đậy doanh thu thực của mình, doanh số hàng năm bình quân là 340 tỷ nhưng lợi nhuận bình quân chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Họ đã để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu. Doanh nghiệp là một tổ chức buôn lậu xuyên quốc gia, các loại điện thoại di động, phụ kiện điện tử các loại hoạt động đã 19 năm song bây giờ doanh nghiệp mới bị lộ diện. 

Có thể bạn quan tâm

  • Khởi tố, bắt tạm giam Tổng Giám đốc Nhật Cường Mobile

    22:30, 14/05/2019

  • Nhật Cường Mobile: Vì sao doanh thu 340 tỉ, lợi nhuận chỉ 1 tỉ?

    06:00, 10/05/2019

  • Nhật Cường Mobile: Từ số 1 về số 0

    17:44, 09/05/2019

  • Công an khám xét hàng loạt cửa hàng điện thoại Nhật Cường

    15:20, 09/05/2019

Cả một quãng thời gian dài như vậy, có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật kinh doanh mà các cơ quan như: Công an kinh tế, quản lý thị trường, phòng kinh tế các quận huyện nơi đơn vị có cửa hàng kinh doanh lại không biết sao? Riêng đối với cơ quan thuế vụ chuyên theo dõi doanh nghiệp thì các bản quyết toán hàng năm doanh thu, nộp ngân sách đã được xác lập như thế nào khi quyết toán? Trái lại với việc quản lý lỏng lẻo trên với Nhật Cường thì thật trớ trêu, nhiều đơn vị doanh nghiệp nghiêm túc, kể cả nhà nước và ngoài nhà nước thì lại làm ăn nghiêm chỉnh, hạch toán đầy đủ, doanh thu nộp ngân sách đều được công khai và minh bạch.

Một vài năm trước, đã có một số tờ báo nêu lên câu chuyện những mỏ thuế lộ thiên chưa được khai thác, không biết mà khai thác hoặc “không muốn” khai thác để nêu lên tình trạng quản lý lỏng lẻo hoặc bảo kê tiêu cực cho vấn đề trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại của các đơn vị ăn uống dịch vụ và thương mại ở các thành phần kinh tế. Tất cả những tình hình trên đã diễn ra từ trước tới nay như Khaisilk, Nhật Cường...

Thực trạng này làm cho dư luận phải đặt ra một số câu hỏi: Việc sai trái kéo dài liên tục với quy mô lớn, các cơ quan quản lý được phân công giám sát có biết không? Những số liệu khập khiễng, mâu thuẫn như đã nêu ở trên thì các cơ quan có đặt dấu hỏi và phúc tra lại đầy đủ và có kết luận cụ thể không?

Đối với các doanh nghiệp buôn bán dịch vụ sầm uất, mở thêm hàng loạt chuỗi bán lẻ dịch vụ nhưng vẫn kêu lỗ hoặc thực hiện nghĩa vụ ngân sách rất thấp với nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, phát hiện được những vấn đề gì? Có những hiện tượng bảo kê tiêu cực, lơ là thiếu trách nhiệm với những sự việc rõ ràng mà đến phóng viên các tờ báo còn biết được, tại sao những cơ quan quản lý lại không biết?

Cấn phải nhắc lại rằng, Bộ Tài Chính gần đây đã có những chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp nhằm giảm bớt việc nợ đọng thuế hàng nghìn tỷ, thất thu thuế khá nhiều, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Những hiện tượng đã nêu ở trên, hiện nay ở thị trường nội địa Việt Nam không phải là cá biệt, có những nhóm hàng, mặt hàng và một số địa phương, việc xẩy ra tương đối là phổ biến nhưng chưa ngăn chặn được một cách cơ bản. Ngân sách bị thất thu, tổ chức và cá nhân làm ăn nghiêm túc bị thua thiệt trong sự cạnh tranh không cân sức. Ngày nay, ranh giới giữa gian thương và nhà buôn chân chính hết sức mỏng manh.

Nhằm đem lại sự minh bạch công khai, công bằng xã hội trong sản xuất kinh doanh, bộc lộ một cách đầy đủ ai là người thực chất kinh doanh nghiêm túc, ai là người làm ăn vi phạm pháp luật. Đó là nhiệm vụ rất phức tạp, khó khăn nhưng rất có ích cho xã hội. Niềm tin của doanh nghiệp chân chính sẽ được hun đúc mạnh mẽ hơn bằng những cố gắng trong công tác quản lý thuế và chống kinh tế ngầm bất hợp pháp hiện nay ở thị trường Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú