Từ bao giờ người thầy không được trách phạt học trò?

Sông Hàn 17/05/2019 15:24

Nếu chúng ta chạy theo số đông phản đối cho rằng thầy cô phạt học sinh quỳ gối là sỉ nhục các em, một nền giáo dục không được dùng bạo lực như thế thì chúng ta đã nhầm.

Hình ảnh nam sinh lớp 9 bị cô giáo phạt quỳ gối ở huyện Thường Tín, Hà Nội làm nảy sinh những ý kiến trái chiều về phương pháp giáo dục học sinh.

Hình ảnh nam sinh lớp 9 bị cô giáo phạt quỳ gối ở huyện Thường Tín, Hà Nội làm nảy sinh những ý kiến trái chiều về phương pháp giáo dục học sinh.

Sự việc cô giáo Lê Thị Quy -  giáo viên dạy Toán, chủ nhiệm lớp 9B, Trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ trước bảng lớp đang khiến dư luận xôn xao, tranh luận những ngày qua. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cô phạt trò khi trò mắc lỗi là chuyện bình thường, “trò hư thì nên phạt”. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ lại có ý kiến trái ngược. Họ cho rằng việc phạt học sinh quỳ như vậy là xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh.

Trước lùm xùm trên của ngành giáo dục địa phương, Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín đã ra quyết định tạm đình chỉ dạy 1 tuần đối với cô giáo Lê Thị Quy. Vấn đề ở chỗ, việc xử lý giáo viên trong trường hợp này rất cần phải có sự cân nhắc thận trọng, khách quan, phù hợp với thực tế xã hội Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • 'Nói giáo dục Việt Nam trong top 10 nền giáo dục tệ nhất còn hiểu được'

    21:32, 02/05/2019

  • Khá “bảnh” và giáo dục

    05:00, 09/04/2019

  • Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng: Bộ Giáo dục thừa nhận thực hiện quy định chưa nghiêm!

    16:03, 02/04/2019

  • Nữ sinh bị đánh hội đồng: Tận cùng của… lệch lạc giáo dục

    05:00, 01/04/2019

Bởi, bất kỳ trong một xã hội nào thì người thầy cũng mang nặng trách nhiệm “trồng người” mà xã hội đã giao phó. Người thầy chính là đại diện cho xã hội với cái đúng của luân thường, đạo lý; luôn luôn đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu. Thậm chí là phải bất chấp đánh đổi nhiều thứ để có thể giáo dục học trò cho nên người, thành danh.

Sinh thời, cụ Chu Văn An đã từng đã nói: “Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Tư tưởng của Chu Văn An – một người đặt nền móng cho việc đào tạo những con người trung với nước, hiếu với dân đã thể hiện rõ tầm quan trọng của giáo dục đối với sự thịnh suy, hưng vong của mỗi quốc gia.

Ngày xưa, không ít những trường hợp người thầy phạt học trò của mình quỳ bằng xơ mít, úp mặt lên bảng,… Nhờ những người thầy cô nghiêm khắc, hết mình dạy bảo mà nhiều người mới trưởng thành như hôm nay. Giờ nếu chúng ta chạy theo số đông phản đối cho rằng thầy cô phạt học sinh quỳ gối là sỉ nhục các em, một nền giáo dục không được dùng bạo lực như thế thì chúng ta đã nhầm.

 Ở một số nước tiên tiên hiện nay không có chuyện thầy cô không có những biện pháp giáo dục nghiêm khắc như phạt quỳ gối để giáo dục học sinh. Nhìn sang những quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… cũng không bỏ hẳn việc kỷ luật học sinh bằng roi vọt, nhưng áp dụng theo những điều kiện và tình hình khác nhau.

Từ năm 1947, Nhật Bản bắt đầu áp dụng quy định cấm sử dụng các hình thức xử phạt thể xác với học sinh. Tuy nhiên, sau hàng loạt các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, tới năm 1997, tòa án tối cao Tokyo sửa đổi lại quy định này, cho phép các giáo viên được phạt học sinh đứng trong lớp, quỳ gối hay chép phạt.

Bộ Giáo dục của Hàn Quốc năm 2010 ban hành quy định cấm thầy cô đánh học sinh sau khi đoạn video ghi lại cảnh một em bị đánh đập dã man lan truyền trên mạng. Lệnh cấm này bị phản đối kịch liệt ở Hàn Quốc, quốc gia từ lâu đã ăn sâu tư tưởng dùng đòn roi dạy dỗ học sinh. Hiện nay, luật này cũng chỉ còn được áp dụng ở Seoul và Gyeonggi.

Có thể nói, giáo viên là người truyền bá tri thức, đạo đức cho con trẻ, chứ không phải là cái máy chỉ biết “đóng dấu” kiến thức cho con trẻ như cách “gà công nghiệp” đẻ trứng. Thay vào đó, phụ huynh nên cùng với giáo viên để gần gũi với con hơn, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của con, giúp đỡ con cái giải quyết những tình huống khó khăn trong học tập, trong cuộc sống.

Ấy thế mà, từ bao giờ học sinh lại được sự “hậu thuẫn” của gia đình quá mức, khiến tình cảnh giáo viên bắt học sinh quỳ gối vì sai quy định của lớp, thì đăng tải lên mạng xã hội nói rằng phi giáo dục, bạo lực. Khi giáo viên phạt học sinh quỳ gối, thì phụ huynh “nổi cơn lôi đình” đến tận trường để bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi..v..v.

Trong khi, có một bộ phận phụ huynh không chịu tỏ tường một điều là: Một thế hệ học sinh nếu quá được bao bọc, nếu quá được nuông chiều sẽ rất tai hại. Chỉ có áp lực mới giúp con người ta trưởng thành, nuông chiều sẽ khiến đứa trẻ bất cần và ảo tưởng.

Chẳng biết, từ khi nào những người thầy, người cô lại cảm thấy sợ chính học sinh của mình? Quả thực không sợ sao được khi có những trường hợp phụ huynh 1 câu đòi kiện, 2 câu đòi kiện. Cũng chẳng biết từ bao giờ, nền giáo dục của Việt Nam mà giáo viên lại phải “lép vế” trước cả học sinh của mình? Từ bao giờ người thầy lại không được quyền trách phạt học trò của mình? Một trong những cái quyền giúp cho không ít con trẻ có tri thức, có đạo đức, có nhân cách sau này.

Sông Hàn