Chuyện đau lòng ở Auchan!
Trước ngày Auchan rời khỏi Việt Nam, rất nhiều người lục lọi, tranh giành những sản phẩm còn lại trên kệ, tạo ra khung cảnh như một trận cướp...
5 năm làm ăn tại Việt Nam, chuỗi bán lẻ Auchan (Pháp) do “không tìm được mô hình kinh tế đạt lợi nhuận” - khẳng định của Giám đốc truyền thông Antonie Pernod - nên rũ áo ra đi.
Tên gọi đầy đủ là Groupe Auchan SA, phục vụ toàn thế giới với gần 338 ngàn nhân viên. Ở châu Âu rất phổ biến tại những nước Ý, Luxembourg, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha…
Trong đầu tư quốc tế, chuyện đến và đi, thành công hay thất bại là điều bình thường. Nhưng một khi đã ra đi vì “khó làm ăn” chắc không bao giờ quay trở lại. Nhưng đáng nói hơn, ngày Auchan thất bại cũng là lức một bộ phận người Việt để lại hình ảnh quá xấu.
Rất nhiều hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 22/5 trong siêu thị của Auchan ở Quận 5 - TP HCM. Những hộp bánh kẹo, sữa, đồ đạc đã bị một số người đi siêu thị tự ý mở và cho con uống tại chỗ. Những quả táo tươi bị cắn dở rồi bỏ lại tại quầy. Thậm chí nhiều người khác còn ăn ngay trong siêu thị rồi tìm cách nhét, giấu những món đồ đó ở một góc khác.
Có nhiều sản phẩm bị người đi siêu thị bóc vỏ ăn luôn rồi bỏ lại vỏ tại chỗ. Thậm chí một số bánh kẹo, nước giải khát bị bóc tách vỏ và không còn phần ruột, bỏ lăn lóc trên quầy.
Chứng kiến khung cảnh đó, quản lý siêu thị nói với thanhnien.vn: “Khi phát hiện khách sử dụng sản phẩn nhân viên cũng đã có nhắc nhở vì khách đông, khách khát nước uống nước tại chỗ hay, cha mẹ có con cái khát sữa thì siêu thị cũng phải chấp nhận thôi. Những ai đã uống ở bên trong mà có mang vỏ ra ngoài tính tiền thì siêu thị rất cảm ơn. Còn khách bỏ lại dưới gầm, kệ thì chúng tôi chỉ biết chấp nhận thôi”.
Không biết nói gì hơn với một bộ phận người Việt ở thị thành được cho là chốn văn minh nhất. Đó là thói cơ hội, ăn cướp phơi bày tất cả trước nhà đầu tư nước ngoài.
Người Pháp sẽ nghĩ gì? Nhà đầu tư ngoại quốc “cảm thấy” như thế nào khi biết được ở Việt Nam luôn có một bộ phận sẵn sàng “hả hê hưởng thụ” trên sự mất mát của người khác.
Đó là sự kém cỏi trong nhận thức và văn hóa, tham lam, theo đóm ăn tàn, thích hùa theo đám đông. Sao lại đối xử tệ với một nhà đầu tư mà trước đây chúng ta từng “trải thảm đỏ” mời họ vào?
Có ai đã tính đến yếu tố văn hóa, tập tính con người trong nỗ lực làm trong sạch môi trường kinh doanh hay chưa? Chúng ta có thể ưu đãi cho họ vô vàn điều kiện “vàng” nhưng chỉ một vài hình ảnh ở Auchan phát đi sẽ làm nản lòng nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Auchan để lại bài học gì sau khi rút chân khỏi VIệt Nam?
06:00, 22/05/2019
Vì sao “gã khổng lồ” Auchan rút lui khỏi Việt Nam?
11:30, 17/05/2019
Thật ra, môi trường kinh doanh không chỉ là chuyện thể chế thông thoáng, ít tham nhũng vặt vòi, mà đó còn là môi trường xã hội lành mạnh để doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung với cộng đồng; để người dân thấy được lợi ích của họ gắn liền với doanh nghiệp.
Thay vì ở Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài có thể đến các nước văn minh hơn như Singapore, Thái Lan, Maylaysia. Khi một nhà đầu tư rũ áo ra đi - bất kể vì lý do gì, đó cũng là thất bại của chính sách thu hút, giữ chân nguồn vốn FDI.
Sự việc này làm nhớ lại người dân Nhật Bản xếp hàng trật tự nhận lương thực sau thảm họa kép kinh hoàng năm 2016. Vì sao trong cơn bấn loạn người Nhật không chen lấn xô đẩy? Vì sao trong không khí êm dịu mát mẻ một bộ phận người Việt nảy lòng tham vô độ?
Người dân nhiều nước châu Phi đói nghèo triền miên nhưng tìm không thấy cảnh cướp bóc lương thực thực phẩm. Đó là châu lục được ví như “thế giới thứ ba”, nghèo nàn về kinh tế, nhưng không thui chột bản sắc văn hóa.
Hóa ra, cướp bóc giành giật đâu phải vì đói kém, mà nó phát sinh từ tập tục văn hóa vị kỷ sẵn có. Rồi lại phải nói đến giáo dục, bởi vì bản chất con người sinh ra đâu ác độc, gian xảo “nhân chi sơ tính bổn thiện”.
Những người đến từ châu Âu, vốn khác biệt về văn hóa - họ rất coi trọng sở hữu cá nhân của người khác, xem sự xâm phạm là thứ khó chấp nhận. 28 nước Âu châu họ sẽ coi thường người Việt Nam, vì tất nhiên họ biết đến Việt Nam nhiều hơn và sẽ ồn ào nói điều không hay khi kinh doanh ở Việt Nam, và nhất là những ngày cuối cùng họ rời khỏi đất nước chúng ta.