Từ ông Đoàn Ngọc Hải đến “khoa học tổ chức”

Trương Khắc Trà 07/06/2019 06:30

Giữa mệnh lệnh của tổ chức và ý chí nguyện vọng của người lao động cần phải êm thấm trước khi ra quyết định.

Là người lao động gắn liền với một tổ chức nào đó bạn phải “phục tùng nhiệm vụ được giao” - một sự mặc định mà xưa nay ít ai bàn cãi về nó cho đến lần từ chức thứ 2 của ông Đoàn Ngọc Hải.

Bề nổi của quy định trên sẽ phát huy công năng giữ cho tổ chức có kỷ cương trật tự, tránh người toàn “thịt bò xào, rau cải để giành phần ai”. Nhưng sẽ thế nào nếu ai đó bị buộc ăn… toàn rau cải?

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, ông Hải từ chức là “không tôn trọng tổ chức, không phục tùng tổ chức” hẳn có phần đúng, vì ông Hải là người của Đảng, của nhà nước.

Có thể, quan điểm này xuất phát từ lịch sử dân tộc, trải qua bề dày chiến tranh giữ nước, thường xuyên chống chọi với thiên tai dịch họa nên cha ông ta cần có những xây dựng con người nhất nhất tuân lệnh tổ chức.

Hoặc, cũng có thể đây là quan điểm còn sót lại từ thời phong kiến, Khổng Tử nói rằng: “Vua bảo thần tử, thần bất tử bất trung, Phụ bảo tử tử, tử bất tử bất hiếu”. Sau này, xã hội hiện đại đã nhìn nhận lại đó là “ngu trung, ngu hiếu”.

Sự cố như ông Hải - nếu xảy ra trong thời chiến thì đó là một trọng tội, không ai đứng về phía ông. Nhưng đây là thời bình, cán bộ dù sao vẫn có đặc quyền đặc lợi, việc ai đó không nhận chức vụ cần nhìn nhận kỹ ở nhiều phương diện lý, tình, lao động và khoa hoc tổ chức.

Vấn đề của ông Hải không chỉ là chuyện tôn trọng hay không tôn trọng tổ chức

Vấn đề của ông Hải không chỉ là chuyện tôn trọng hay không tôn trọng tổ chức

Mc. Gregor đưa ra hai giả thuyết về lao động: Một là, con người thiên bẩm không thích lao động và sẽ trốn việc nếu có thể. Vì bản tính không thích làm việc nên họ đều phải bị ép buộc, điều khiển, hướng dẫn và đe dọa bằng các hình phạt để buộc họ phải hết sức cố gắng đạt được những mục tiêu của tổ chức.

Từ đó, những nhà quản lý theo thuyết này chủ trương dùng quyền lực để điều khiển thông qua việc giám sát chặt chẽ. Chỉ có tiền bạc, lợi nhuận và bằng đe dọa mới thúc đẩy được người lao động làm việc.

Hai là, làm việc cũng cần sự cố gắng về thể xác và tinh thần cũng như khi vui chơi, nghỉ ngơi. Điều khiển từ bên ngoài hoặc đe dọa bằng hình phạt không phải là cách duy nhất để buộc con người phải cố gắng đạt mục tiêu của tổ chức.

Con người sẽ tự chủ và tự lãnh đạo bản thân để đạt được những mục tiêu của tổ chức mà họ được giao phó; các phần thưởng liên quan tới những kết quả công việc của họ đóng vai trò quan trọng; trong những điều kiện thích hợp, người bình thường không chỉ học cách chấp nhận trách nhiệm mà còn học cách nhận trách nhiệm về mình.

Không ít người có khả năng khá tốt về trí tưởng tượng, tài năng và sức sáng tạo; trong điều kiện công nghiệp hiện đại chỉ có một phần tri thức của con người bình thường được sử dụng.

Thuyết này là một khoa học quản lý thông qua tự giác và tự chủ. Những người quản lý chủ trương sử dụng biện pháp quản lý phát huy tính tự chủ của người lao động ở mức cao nhất trong điều kiện có thể.

Có thể bạn quan tâm

  • Thành ủy TP HCM đang xử lý đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải

    14:45, 06/06/2019

  • Đọc đơn ông Đoàn Ngọc Hải: Nhớ tiền nhân

    05:00, 05/06/2019

  • Chủ tịch TP HCM nói gì về “chức mới” của ông Đoàn Ngọc Hải?

    03:21, 05/06/2019

  • Vừa nhận quyết định bổ nhiệm, ông Đoàn Ngọc Hải liền nộp đơn xin từ chức

    14:59, 04/06/2019

  • Ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn

    10:09, 04/06/2019

Từ hai lý thuyết này Mc. Gregor rút ra hai kết luận quan trọng trong khoa học tổ chức “cá nhân nỗ lực cao nhất khi họ được trọng dụng” và “không có con người trung bình/bình quân”.

Vậy, “phục tùng tổ chức” - như một số đại biểu Quốc hội dẫn ra hiện nay dường như đang rơi vào thuyết thứ nhất, nếu thoái thác trách nhiệm có thể vi phạm quy định và xử lý bằng kỷ luật!

Thông thường trước khi bố trí công tác mới người làm tổ chức phải thực hiện công tác tư tưởng với người được bố trí. Giữa mệnh lệnh của tổ chức và ý chí nguyện vọng của người lao động cần phải êm thấm trước khi ra quyết định.

Thật nặng nề nếu “văn hóa từ chức” bị quy vào khuôn khổ “không tôn trọng tổ chức”. Vậy thử hỏi, những người làm công tác tổ chức đã thật sự tôn trọng chuyên môn sở trường của ông Hải hay chưa?.

Vì sao Bộ trưởng quốc phòng Mỹ từ chức không bị coi là “mất tôn trọng Tổng thống Trump”? và kể cả Tổng thống, Thủ tướng nhiều nước trên thế giới từ chức không bị kết tội “không tôn trọng Hiến pháp, nhân dân?”

Từ chức khi nhận thấy không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ là người có văn hóa cao, rất đáng hoan nghênh - còn là sự may mắn với những người làm tổ chức, diễm phúc của nhân dân, là liêm sĩ của những người có lương tâm.

Tổ chức con người là một ngành khoa học phức tạp, vì con người là thứ “khó hiểu” nhất trên hành tinh, đâu phải chỉ một quyết định là êm xuôi tất cả, có phải ai cũng như nhau?

Không cần biết động cơ thật sự của ông Đoàn Ngọc Hải là gì khi từ chức, nhưng xét ở phương diện khoa học tổ chức đó là thất bại của những người làm quản lý, và tạo ra tiền lệ cho “văn hóa từ chức” ở nước ta.

Trương Khắc Trà