Kinh doanh xăng giả: Truy trách nhiệm từ đâu?
Từ những vụ cháy nổ xe thời gian qua, đặc biệt là phá đường dây sản xuất, kinh doanh xăng giả mới đây cho thấy báo động trong công tác quản lý ngành dọc về xăng dầu.
Bộ Công an phát đi thông báo về việc vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả có quy mô đặc biệt lớn trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố như Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng... với các phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi có liên quan đến đại gia Trịnh Sướng, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng (thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).
Sự việc này ít nhiều cũng khiến cho dư luận cảm thấy bất ngờ, trong đó có người dân ở khu vực miền Tây, bởi trong mắt họ vị đại gia này khá phóng khoáng và hay làm từ thiện.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp "hưởng ứng" bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu
00:00, 31/05/2019
Tiếp tục cắt giấy phép để thêm doanh nghiệp xăng dầu
10:51, 22/05/2019
Quỹ bình ổn xăng dầu đã "cạn" khiến giá giảm nhỏ giọt
14:50, 17/05/2019
Đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu để 'đòi' quyền lợi cho xăng E5 ?
10:20, 14/05/2019
Phân phối xăng dầu, “sân chơi” của số ít “ông lớn”
11:30, 13/05/2019
Chuyên gia chỉ ra doanh nghiệp xăng dầu "móc túi" người tiêu dùng
16:15, 10/05/2019
Theo như nhiều nguồn tin đã đưa, sau khi sản xuất xăng E5 RON 92 và RON 95 giả bằng cách pha trộn chất dung môi, xăng kém chất lượng cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu, đường dây sản xuất xăng giả liên quan đại gia Trịnh Sướng đã đem bán trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố với số lượng gần 19,5 triệu lít xăng giả, thu lời bất chính khoảng 135 tỷ đồng.
Thông thường, việc pha chế phụ gia vào xăng dầu là cần thiết. Hiện nay chúng ta đã thực hiện pha tới 5% ethanol - cồn sinh học vào xăng để làm xăng E5, thân thiện với môi trường. Với các loại phụ gia là acetone và methanol, chỉ có thể pha trộn ở tỉ lệ rất nhỏ dưới 2%, ở mức độ này sẽ không gây ảnh hưởng tới chất lượng xăng và từ đó không làm ảnh hưởng xấu tới động cơ. Mục đích của việc pha trộn này là nhằm làm tăng trị số Octan.
Nhưng nếu không kiểm soát được số lượng thì sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng xăng dầu. Và nếu lợi dụng quá thì cũng trở thành người buôn hàng, sản xuất hàng giả. Ở đây, vì hám lợi mà vị đại gia này nói riêng và nhiều thương nhân hoặc các chủ cây xăng đã cố tình làm giả mặt hàng xăng dầu, bỏ qua lợi ích số đông.
Theo các chuyên gia, hành vi pha tạp chất vào xăng dầu đã có từ lâu và việc kiểm soát hành vi này rất khó. Đáng chú ý, các hành vi pha trộn phụ gia, tạp chất vào xăng, dầu không chỉ gây tổn hại tới môi trường, phá hoại động cơ – là tài sản của người tiêu dùng mà còn có nguy cơ gây ra những tai nạn cháy nổ thương tâm cho người sử dụng.
Là người từng đưa ra nhận định “chất lượng xăng dầu kém là một trong những nguyên nhân gây ra cháy, nổ xe”, TS Hoàng Mạnh Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định dân sự, phân tích: “Dung môi là chất dùng trong công nghiệp, được sử dụng chủ yếu trong làm sạch, pha loãng sơn, chất tẩy… Việc sử dụng dung môi pha chế vào xăng làm tăng thêm chỉ số octan. Khi pha dung môi vào xăng sẽ tạo ra hỗn hợp khí dễ cháy nổ. Hỗn hợp đến giới hạn tỷ lệ cháy sẽ bốc cháy khi có nguồn nhiệt”.
Bước đầu, cơ quan điều tra nhận định Trịnh Sướng chỉ là một mắt xích nhỏ và chuyên án đang được mở rộng nên có thể còn nhiều “đại gia xăng dầu” khác ở nhiều tỉnh thành có liên quan đến đường dây xăng dầu giả này. Rõ ràng, không chỉ là các đại gia xăng dầu, bởi vì họ không thể sản xuất kinh doanh gần 20 triệu lít xăng nếu như không có sự hỗ trợ, bảo kê của những lực lượng khác.
Qua những vụ này mới thấy công tác quản lý nói chung và quản lý thị trường nói riêng đang rất lỏng lẻo, đang còn rất nhiều kẻ hở. “Từ những vụ cháy nổ xe thời gian qua, đặc biệt là phá đường dây sản xuất, kinh doanh xăng giả mới đây cho thấy báo động trong công tác quản lý ngành dọc về xăng dầu. Chính phủ cần giao Bộ Công thương xây dựng danh mục quản lý hóa chất pha trộn xăng, không thể để việc mua hóa chất dễ như… “mua rau” như hiện nay” - ông Hoàng Mạnh Hùng kiến nghị.
Như vậy cũng có nghĩa, chúng ta phải làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực này là ai? Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm soát chất lượng. Chất lượng xăng như thế nào thì phải tới Bộ Khoa học và Công nghệ, phải hỏi Tổng Cục đo lường chất lượng, dưới mỗi địa phương cũng có 1 Chi cục Quản lý chất lượng, trách nhiệm của người ta có các cơ sở giám định chất lượng đảm bảo hay không và khi xảy ra sự cố phải về chỗ đấy…
Đấy, suy ra thì khá nhiều ban bệ, cơ quan chức năng liên quan đến sự tồn tại của mặt hàng này. Nên người dân lo lắng, hoài nghi về cái gọi là “chung chung trách nhiệm”. Nhân sự việc này, liệu có cần kiểm tra lại tất cả cây xăng trên cả nước, để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho người dân?