Những “con sâu” tham nhũng
Thật bi hài khi cá nhân thuộc cơ quan được trao nhiệm vụ “thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật” (Điều 5 Luật Thanh tra) lại là kẻ tham nhũng.
Liên quan đến việc đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản hành vi đòi "chung chi" tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 13/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết:
“Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra của bộ trong sạch cũng như nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả thanh tra theo quy định của pháp luật". Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói "rất đáng tiếc khi xảy ra sự việc trên. Đồng thời, sẽ kiên quyết xử lý sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, cam kết sẽ có giải pháp chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm soát chặt hơn công việc của thanh tra Bộ để hạn chế tối đa việc vi phạm”.
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tham nhũng khủng bị phanh phui, hàng loạt cán bộ “hóa củi” nhờ những nỗ lực phi thường của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vừa mới cuối tháng 4 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam cả 5 thành viên của đoàn thanh tra thuộc Thanh tra tỉnh Thanh Hóa về tội nhận hối lộ. Ngoài ra, còn có vô số đại án tham nhũng đã được báo chí, dư luận phanh phui.
Có thể bạn quan tâm
Cần sửa Luật để nâng cao hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng
18:22, 23/05/2019
Xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng
14:30, 21/05/2019
“Lò chống tham nhũng” lại nóng sau Hội nghị 10
05:00, 20/05/2019
Chưa khắc phục được nhũng nhiễu, tham nhũng vặt
16:24, 09/05/2019
Cử tri bức xúc tình trạng "tham nhũng vặt" và chạy chức, chạy quyền
15:00, 09/05/2019
PAPI 2018: Nhiều quan ngại về đói nghèo và tham nhũng
14:32, 02/04/2019
Chính phủ kiến tạo và “rào” “tham nhũng vặt”
15:44, 19/03/2019
Văn phòng không giấy tờ “gỡ” tham nhũng vặt
17:00, 16/03/2019
Có thể nói, “sâu” tham nhũng giờ đã hóa bầy, kéo thành bè; tham nhũng theo kiểu “tập thể, đồng thuận”, “đúng quy trình”. Và càng nguy hiểm hơn khi “bầy sâu” lại nằm ngay trong lực lượng bảo vệ pháp luật, thậm chí lực lượng phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”; Hoặc “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”. Nên, đáng buồn cho những sự việc này ở chỗ, đối tượng tham nhũng lại nằm trong cơ quan được cho là đáng tin cậy nhất trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Thật bi hài khi những cá nhân thuộc cơ quan được trao nhiệm vụ “thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật” (Điều 5 Luật Thanh tra) lại chính là đối tượng tiêu cực, tham nhũng.
Với bản thân là cán bộ thanh tra, họ không thể không hiểu pháp luật nói chung, càng không thể không nắm vững Luật Thanh tra, đặc biệt là điều Điều 13, nghiêm cấm các hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra” và “Đưa, nhận, môi giới hối lộ”.
Khách quan mà nói, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Dường như nó chỉ diễn ra ở mặt “thượng tầng”, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh” khiến cho nhân dân bức xúc, mất dần niềm tin vào sự công tâm, trong sạch của các vị “công bộc của dân”.
Có nhiều nguyên nhân để nói lên tại sao tham nhũng vẫn còn phổ biến và nó là thách thức lớn nhất trong công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước, hội nhập với quốc tế. Nhưng một nguyên nhân chính mà người viết quan tâm ở đây chính là bản thân của mỗi cán bộ công chức của chúng ta.
Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm.
Không ít trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp, trong đó có trường hợp là thanh tra giao thông, hải quan, cảnh sát, tòa án… Và mới nhất chính là trường hợp của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng.
Từ đó cho thấy, một khi những lãnh đạo có vai trò chủ chốt nhưng tha hóa ở các cơ quan cấp trên thì dễ cấu kết cơ quan cấp dưới, với doanh nghiệp hình thành “nhóm lợi ích”. Từ đó đồng tiền bất minh cộng với quyền lực được sử dụng vào mục đích bất chính tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình phát triển chung của đất nước.
Cuối cùng, xin được viện dẫn lời nói của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần tiếp xúc cử tri khi nói về nạn tham nhũng: “Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”.