Để hệ thống e-Cabinet thành công: Quan trọng là người đứng đầu!

Sông Hàn 17/06/2019 05:30

Vẫn còn một số địa phương ì ạch trong công tác triển khai chủ trương “Chính phủ số”. Vì sao?

“Ngày 24/6 Thủ tướng sẽ triển khai hệ thống e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) để kết nối các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng. Hệ thống này sẽ tiến tới Chính phủ phi giấy tờ, giảm bớt thời gian họp hành, bởi thay vì phải thảo luận hay lấy phiếu của các thành viên Chính phủ, chúng ta sẽ thực hiện trên điện tử hoàn toàn”.

Đó là thông điệp của Thủ tướng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát đi trong buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 10 bộ, cơ quan để đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử ngày 13/6 vừa qua.

Hệ thống e-Cabinet sẽ được triển khai từ ngày 24/6 tới.

Trong Nghị quyết 02/NQ-CP 2019 về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh năm 2019, Chính phủ cũng nêu rõ, hệ thống thể chế phải thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo. Tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Và kể từ khi Chính phủ khai trương trục liên thông gửi, nhận văn bản quốc gia vào ngày 12/3, sau 3 tháng hoạt động đã có hơn 46.200 văn bản gửi và gần 131.000 văn bản nhận bằng điện tử của các bộ, ngành, địa phương tới Văn phòng Chính phủ.  Theo đó, đã có 95/95 cơ quan trung ương và địa phương, gồm Văn phòng Trung ương Đảng, 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên trục liên thông văn bản quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam sẽ “tạo bứt phá” về Chính phủ điện tử trong năm 2019

    21:07, 30/05/2019

  • Bốn "sếp lớn" ngành viễn thông tham gia Ủy ban Chính phủ điện tử

    17:30, 28/05/2019

  • Chuyển đổi số trong Chính phủ điện tử: Mô hình nào phù hợp với Việt Nam?

    11:39, 11/04/2019

  • Chính phủ điện tử cần phản biện từ dân

    11:00, 28/03/2019

  • Xây dựng Chính phủ điện tử: Thách thức lớn ở yếu tố con người

    01:05, 25/03/2019

Có thể nói, tiện ích của ứng dụng công nghệ vào giải quyết các thủ tục hành chính nhìn thấy rõ nét. Như việc làm công khai, minh bạch này sẽ giảm tiêu cực, nhanh hơn và tiết kiệm thời gian. Doanh nghiệp sẽ sớm được cấp phép, phê duyệt để triển khai phát triển, môi trường đầu tư sẽ được cản thiện, lòng tin của nhân dân được nâng cao. Ngoài ra, trong chính cơ quan của Chính phủ với ứng dụng điện tử thì thay vì trước đây họp 3 ngày, thì sử dụng công nghệ thông tin sẽ giúp giảm xuống 1 ngày..v..v.

Vấn đề cần cân nhắc ở chỗ là, vẫn còn một số địa phương ì ạch trong công tác triển khai chủ trương “Chính phủ số”. Đúng như lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng  nhắc đến câu chuyện “ở một số địa phương khi đấu thầu nói không dám mua một chiếc iPad. Trong khi đó, tỉnh khác người ta mua hẳn ô tô. Như vậy để thấy cùng một việc nhưng mỗi địa phương làm một cách khác nhau và việc đó đều do người chỉ đạo, người đứng đầu”.

Một bất cập nữa mà ai cũng thấy đó là, đất nước chỉ có một Thủ tướng, một Chủ tịch nước, nhưng lại có 63 tỉnh thành và 22 cơ quan cấp bộ, dưới đó còn hàng nghìn các phòng ban, cơ sở khác. Vậy tại sao những việc thuộc thẩm quyền ở địa phương và các Bộ, nhưng vẫn phải một mình Thủ tướng đưa ra chỉ đạo?

Mà việc gì cũng đến tay Thủ tướng đã cho thấy 2 điều tồn tại đặc biệt nguy hiểm ở cơ quan nhà nước hiện nay. Thứ nhất, đó là một hệ thống hành chính liệu có đang làm việc hay không? Thứ hai, đó là năng lực của hệ thống hành chính đó liệu rằng nó có vấn đề hay không?

Nói đến vấn đề này, xin dẫn ra một ví dụ điển hình, hồi tháng 10/2018, 45/48 đại biểu tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng đã bỏ phiếu miễn nhiễm chức Phó trưởng ban Kinh tế – Ngân sách với ông Lê Văn Quang. Lý do mà ông Quang xin nghỉ hưu trước tuổi này là tự nhận thấy mình “đã lớn tuổi và sức khỏe không còn, tư duy thì 0.4 còn các công chức trẻ bây giờ đã là 4.0”

Mà tư duy 0.4 tư duy của bàn giấy, ký tay, mọi thủ tục được giải quyết bằng việc “đặt lên bàn” những người cán bộ, lãnh đạo họ đã quá quen trong suốt hơn 20, 30 năm làm việc. Để thay đổi sang một hướng mới, một nền công nghệ và bộ máy 4.0 thì đối với họ là một điều có thể xem là khó khăn.

Điều này cũng có nghĩa, việc chuyển đổi từ nền hành chính giấy tờ sang nền hành chính không giấy tờ, từ Chính phủ bàn giấy sang Chính phủ 4.0 cũng sẽ gặp nhiều những khó khăn trong chuyển đổi. Như việc nhân sự có thể tiếp ứng và đón nhận được công nghệ này cũng không phải dễ dàng và tư duy tiếp nhận, nhất là những cán bộ lớn tuổi.

Dẫu sao đi nữa, các tiện ích mà Chính phủ điện tử mang lại là quá rõ ràng, hợp với xu thế thời đại. Sự minh bạch trong vận hành Chính phủ điện tử sẽ giảm mạnh tình trạng xin - cho trong cấp phép đầu tư nói riêng và các thủ tục hành chính nói chung khác, tạo niềm tin lớn cho doanh nghiệp, người dân. Vì thế, để  hệ thống e-Cabinet thành công, thì cần lắm vai trò, chỉ đạo của người đứng đầu – từ Chính phủ đến Bộ, ban/ngành và địa phương.

Sông Hàn