Vỡ quy hoạch công viên: Ai chịu trách nhiệm?

Sông Hàn 19/06/2019 11:00

Phải chăng, những lỗ hổng trong quy hoạch là nguyên nhân khiến diện tích cây xanh không tăng lên mà còn bị cắt giảm, gây bức xúc cho cộng đồng, xã hội?

Một công viên tại TP Hồ Chí Minh bị "xẻ thịt" cho mục đích kinh doanh. Ảnh: PLDS.

“Các đồng chí không chấp hành chỉ đạo là sao? Các đồng chí làm ăn như thế ai chấp nhận được, làm việc mà không có kỷ cương, phép tắc gì hết. Nói để hài lòng nhau mà không có kết quả, làm việc như thế thì nói gì đến cải cách hành chính, đến thành phố thông minh!” – Đó là lời của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh khi nói về tình trạng “xẻ thịt” đất công viên để phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Sở dĩ, vị Chủ tịch TP Hồ Chí Minh tỏ thái độ gay gắt như vậy là ông đã từng trực tiếp thị sát tại công viên 23/9 năm ngoái, ông rất bức xúc trước tình trạng “xẻ thịt” với toàn cà phê, quán nhậu, ca nhạc. Cũng chính ông từng yêu cầu phải chấm dứt tình trạng bát nháo, chiếm dụng này càng sớm càng tốt. Nhưng 1 năm đã qua đi, đến hôm qua, Sở Xây dựng vẫn tiếp tục báo cáo “đang lên kế hoạch”.

Có thể bạn quan tâm

  • Đăk Hà, Kon Tum: Cho thuê đất công viên có đúng luật?

    04:06, 16/05/2019

  • Kon Tum: Biến đất công viên thành khu thương mại, dịch vụ

    11:05, 13/05/2019

  • Gia Lai: "Xẻ thịt" công viên xây nhà hàng trái phép

    15:10, 23/04/2019

  • Xử lý kiến nghị về xây bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Cầu Giấy

    19:32, 12/04/2019

  • Xây bãi đỗ xe ngầm tại công viên Cầu Giấy: Dấu hỏi về tính hợp lý

    16:58, 10/04/2019

Thực tế cho thấy, không chỉ người đứng đầu TP Hồ Chí Minh đau đầu về chuyện quy hoạch công viên của cấp dưới, mà nó đang diễn ra khá phổ biến ở hầu hết đô thị thuộc các tỉnh/thành trên cả nước.

Còn nhớ, tại Hà Nội, mới đây chủ trương lấy đất Công viên Cầu Giấy làm trung tâm thương mại, tiệc cưới kiêm bãi đỗ xe ngầm làm cho dư luận bức xúc, không đồng tình. Không chỉ có Công viên Cầu Giấy, Hà Nội cũng đã có chủ trương làm bãi đỗ xe ngầm ở Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ. Điều này khiến các chuyên gia lo lắng.

Tại công viên 29-3 (TP Đà Nẵng), vào năm 2003 và 2009, UBND TP Đà Nẵng xẻ 2 lô đất ở công viên 29-3 (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) chuyển nhượng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Công ty cổ phần đại lý Jean Desjoyaux. Sau đó sự việc bị dư luận phản ứng. Đến năm 2015 Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề nghị hoán đổi đất cho chủ đầu tư để lấy lại 2 khu đất nhằm mở rộng công viên.

Hoặc trường hợp mới nhất là Ban Thường vụ Huyện uỷ Đắk Hà (Kon Tum) bị kiểm tra trách nhiệm vì liên quan đến việc Công viên Đắk Hà và Công viên 24/3 trên địa bàn được “phù phép” để thay đổi mục đích cho tư nhân thuê dài hạn nhằm kinh doanh.

Một con số thống kê chỉ rõ công viên bị “xẻ thịt” đó là, tại TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 540.000 diện tích công viên cây xanh. Đáng lẽ mỗi người dân, từ trẻ đến già phải có khoảng 7m2.. Nhưng thực tế người dân chỉ được hưởng 1/10 so với tiêu chuẩn, quá thấp so với quy hoạch, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của người dân trong việc hưởng thụ, thư giãn không gian xanh sau mỗi giờ làm việc.

Còn tại Hà Nội, tổng diện tích vườn hoa, công viên của Thủ đô chỉ chưa đầy 1,92% diện tích đất, tức chỉ 2,08m2/người. Trong khi đó, mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Và mật độ dân số trung bình hiện lên tới 2.100 người/km2.

Thực tế trên cho thấy, Công viên nói chung và trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nói riêng đang bị xâm chiếm một cách vô tội vạ. Điều đó không chỉ dẫn đến tình trạng quy hoạch hạ tầng đô thị thiếu đồng đều mà còn khiến không gian xanh ngày càng thiếu hụt. Phải chăng, những lỗ hổng trong quy hoạch là nguyên nhân khiến diện tích cây xanh không tăng lên mà còn bị cắt giảm, gây bức xúc cho cộng đồng, xã hội?

Nói cách khác, tình trạng các công viên bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, sai công năng vì lợi ích nhóm và năng lực quản lý yếu kém thời gian qua, khiến mảng xanh của đô thị ngày càng thu hẹp. Thay vì những lợi nhuận trước mắt, việc thiếu mảng xanh trầm trọng hiện nay sẽ gây nguy hại lâu dài đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đô thị.

Theo khoản 2, Điều 10, Luật Đất đai 2013, quy định về đất sử dụng vào mục đích công cộng như khu vui chơi giải trí công cộng, khu sinh hoạt cộng đồng...không được xây dựng các công trình kinh doanh khách sạn, nhà hàng, cửa hàng ăn uống. Như vậy việc xây dựng các cơ sở kinh doanh kiên cố trên diện tích các khu đất này là trái luật.

Trong khi, công viên là nơi người dân đến vui chơi, thư giãn. Vì vậy để tình trạng lấn chiếm, đơn vị được giao đem cho thuê lại là do cấp quản lý không nghiêm, xử lý không tới nơi tới chốn. Có lẽ vì thế mà ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch TP Hồ Chí Minh đã có phản ứng khá nghiêm khắc khi nói về vấn đề này.

Có thể nói, không gian xanh là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt con người, tạo sự hài hòa trong phát triển đô thị, cũng như thu hút khách du lịch đến thưởng ngoạn tại các công viên xanh hiện đại. Với dân số có chiều hướng ngày càng gia tăng hiện nay, việc đầu tư thêm mảng xanh là yêu cầu hết sức cần thiết. 

Thế nên, dù trách nhiệm thuộc về ai trong việc quy hoạch công viên bị phá vỡ đi nữa thì việc trước mắt dư luận mong muốn là cơ quan chức năng tiến hành kiểm điểm cá nhân, đơn vị vi phạm, và thu hồi, quy hoạch lại toàn bộ công viên để lấy lại không gian xanh, hướng đến xây dựng đô thị xanh và bền vững.

Sông Hàn