[Hà Tĩnh - góc khuất sau đại công trường] Kỳ I: Tiêu điều làng biển ở Kỳ Lợi

Trương Khắc Trà - Ngọc Thái 17/07/2019 07:00

Công nghiệp hóa mang đến cho Hà Tĩnh bộ mặt mới, nhưng cũng lấy đi không ít và để lại nhiều nỗi buồn khôn tả.

Từ khi có làn sóng công nghiệp tràn qua, đất và người Hà Tĩnh nói chung và thị xã Kỳ Anh nói riêng như trở mình đổi mới. Nhưng đằng sau đó không ít chuyện khó lý giải!

Vùng đất “rục rịch” chuyển đổi

Chúng tôi đến Kỳ Anh - Hà Tĩnh vào ngày giữa tháng bảy, ấn tượng đầu tiên đó là vùng đất sơn thủy hữu tình. Phía Tây là rặng núi chồm ngổm như muốn trỗi dậy, giữa là vùng đồng bằng, cách đó không xa về hướng Đông là dải biển ranh rì, điểm tô là những nhà máy công nghiệp năng động như muốn làm thay đổi bức tranh của một vùng quê nghèo khó lâu nay.

Nét đổi thay ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh (Ảnh: Khắc Trà)

Nét đổi thay ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh (Ảnh: Khắc Trà)

Con đường ghồ ghề quanh co dẫn chúng tôi đến với thôn Đông Yên xã Kỳ Lợi, triền đất giáp biển với những khối nhà kiên cố xếp chồng xếp lớp dài hàng cây số. Nhưng khi đến gần, một khung cảnh hiu hắt, xơ xác đến lạnh sống lưng hiện ra. Thật lạ!

Gần hơn nữa, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà bỏ hoang, nhiều mảng tường loang lỗ, toang hoác vì bị phá lỡ dở, những mái nhà bằng bê tông đứt gãy, nền nhà trơ trọi vẫn còn vết tích sinh hoạt hàng ngày.

Một góc làng biển Đông Yên - Kỳ Lợi (Ảnh: Khắc Trà

Một góc làng biển Đông Yên - Kỳ Lợi. Ảnh: Khắc Trà

Không ai nghĩ đây là một làng biển lâu đời, đặc trưng bởi nếp sống nhộn nhịp, san sát nhau, Đông Hưng hôm nay đã “lột xác”… trở thành bãi “chiến trường” của đập phá, giải tỏa, người ở, kẻ đi và nhiều uẩn khúc chực trào…

Vì đâu nên nỗi?

Ngôi nhà cấp 4, chừng 30 mét vuông chênh vênh bên mép nước biển là nơi trú ngụ của 4 nhân khẩu gia đình trẻ của anh Phạm Văn Trung, năm nay chưa đầy 30 tuổi. Bắt chuyện với chúng tôi anh kể: “Dân ở đây di dời gần hết, nhưng tôi vẫn bám trụ lại vì mức giá đền bù 80 triệu đồng không đủ xây nhà mới”.

Dù trẻ, nhưng Trung vẫn muốn bám biển, không bằng cấp, không có chuyên môn nên không thể kiếm được một suất trong nhà máy Formosa - giờ đây, biển là nơi níu vấu duy nhất giúp gia đình anh tồn tại nơi vùng đất đang rung chuyển vì “quy hoạch”, “dự án”...

Căn nhà chênh vênh của vợ chồng anh Trung (Ảnh: Khắc Trà)

Căn nhà chênh vênh của vợ chồng anh Trung. Ảnh: Khắc Trà

Lòng vòng quanh thôn, chúng tôi thi thoảng bắt gặp vài người đàn ông đang thoăn thoắt vá lưới, một vài nhóm thanh niên rảnh rỗi tụ họp, dưới kia hàng loạt con thuyền nằm phơi lưng, khô khốc vì lâu ngày không được sử dụng.

Ông Đậu Minh Nguyên, năm nay 60 tuổi, cùng gia đình còn “sót” lại sau cuộc di dân, cũng với một nỗi lấn cấn “số tiền đền bù 400 triệu đồng không thể giúp gia đình ông xây dựng lại ngôi nhà như hiện tại”.

Ông Đậu Minh Nguyên trao đổi với phóng viên (Ảnh: Khắc Trà)

Ông Đậu Minh Nguyên trao đổi với phóng viên. Ảnh: Khắc Trà

Nơi ông Nguyên sinh sống là ngôi nhà khá khang trang, rộng rãi, mái bằng kiên cố, nhưng có vẻ hoang lạnh như khung cảnh xung quanh, tứ bề hàng xóm nhà ông đều đã phá dỡ, bên hiên là đống ngư cụ phủ bạt đã lâu ngày, chuồng gà, lợn rêu phủ, bệ rạc. Tất cả không cho thấy mầm sống nào đủ để hy vọng bám víu.

Anh Mai Xuân Tình - người đàn ông trung niên có dáng vẻ rắn rỏi rất biển, nói với ánh mắt bất lực: “Hải sản giờ đây không dễ đánh bắt vì cạn kiệt, giải tỏa dân nhưng ai đồng ý thì đi (!?)” Anh không quên đặt nghi vấn với chúng tôi: “Phải chăng có nhóm người nào đó tìm đến mua bất động sản?”

Chúng tôi tự hỏi chính mình và cả những người dân trong ngôi làng này, nguyên cớ gì biến một ngôi làng từng sung túc đề huề nay trở thành hoang tàn đổ nát như vậy?

Không ít những con thuyền nằm phơi nắng như thế này (Ảnh: Khắc Trà)

Không ít những con thuyền nằm phơi nắng như thế này. Ảnh: Khắc Trà

Có lẽ là một dự án nào đó sắp triển khai, hay giải tỏa dân vì lý do khó hiểu nào đó? Tất cả không ai có câu trả lời chính xác, vì chính những người trong cuộc mà chúng tôi gặp đều không ai biết người ta định làm gì với ngôi làng này sau khi di hết dân!

Khoảng 200 hộ dân với hàng trăm con người còn ở lại vẫn cố gắng đánh bắt gần bờ kiếm con tôm con cá sống qua ngày, nhưng biển không còn dễ như trước, nhất là khi họ giống như bị cô lập ngay chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn.

Di dân ở xã Kỳ Lợi để làm gì? Có chủ trương của chính quyền hay không? Và đặc biệt là cuộc sống của 1.000 hộ dân đã di dời lên vùng đất mới liệu hanh thông hơn trước? Chúng tôi sẽ cố gắng tìm câu trả lời.

Kỳ II: Tái định cư không sổ đỏ!

Trương Khắc Trà - Ngọc Thái