[Hà Tĩnh - Góc khuất sau đại công trường] Kỳ II: Tái định cư không sổ đỏ!
Di dân và tái định cư là "mốt" ở những địa phương mới nổi về công nghiệp, nhưng câu chuyện ở Hà Tĩnh đặc biệt vì chuyện khác.
Dọc theo hướng vào Nam cách xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) khoảng 20km là khu tái định cư của 1.000 hộ gia đình đã chuyển đến, thuộc địa phận xã Kỳ Phương. Nơi chúng tôi tìm đến là xóm Ba Đồng.
Đó là vùng đất bằng phẳng nằm nép mình vào rặng núi dài phía sau lưng, nơi tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình, mặc dù đã hình thành được 5 năm, hàng chục con đường nhựa nhỏ nhắn đan thành ô bàn cờ, nhưng khu tái định cư Kỳ Phương vẫn còn nét hoang sơ.
Xóm Ba Đồng khá rộng, những ngôi nhà mới xây nằm trơ trọi xen kẽ giữa những ô đất trống, có lẽ để dành cho những gia đình chưa chịu chuyển đến? Vẫn là không khí tĩnh lặng, không dễ để tìm thấy người lớn, đặc biệt là đàn ông, quán sá hiếm hoi, tìm mua bao thuốc lá không dễ chút nào.
Gõ cửa nhiều nhà chúng tôi mới gặp được một phụ nữ trẻ, chị có vẻ mêt mỏi, tiều tụy, không muốn… lên báo và kiệm lời, gặng hỏi mới biết được chị có một gia đình rất trẻ, 2 con nhỏ chưa đi học, chuyển lên đây 3 năm trước.
Cũng giống với đa số di dân khác, số tiền đền bù giải tỏa là 70 triệu đồng, trong khi đó căn nhà đang ở được xây với tổng chi phí 550 triệu đồng, ngoài tiền tích góp, hai vợ chồng phải vay thêm ngân hàng một khoản khá lớn, vừa chuyển đến nơi ở mới, vừa mang nợ và phải nuôi hai con nhỏ, chỉ có mỗi mình chồng chị làm nghề biển nên cuộc sống khá chật vật.
Nhưng chuyện khó hiểu nhất là đã định cư nhiều năm nhưng không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngôi nhà trên mảnh đất 400 mét vuông, chị cho biết “cái giá làm sổ đỏ mà chính quyền đưa ra là 120 triệu đồng”. Gia đình chị không thể xoay xở ra số tiền như thế, dự định vay vốn làm ăn không thành.
Cách đó mấy ô đất trống, chúng tôi tiếp tục gặp một phụ nữ đang chăm con nhỏ, gia đình chị đã chuyển đến đây 5 năm, cũng với mức đền bù là 70 triệu đồng, nhưng chi phí xây nhà mới hết 400 triệu đồng - cũng với một khoản nợ ngân hàng không hề ít.
Cũng giống những gia đình khác, để có được tấm sổ đỏ phải mất 120 triệu đồng chi phí - là món tiền quá lớn đối với những người đang sống nhờ vào nguồn tài nguyên biển gần bờ đã cạn kiệt.
Căn cứ vào văn bản nào, hướng dẫn gì để chính quyền ra mức giá 120 triệu đồng sổ đỏ cho mảnh đất 400 mét vuông ở vùng đất mới - lẽ ra nên được hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều hơn thế? Chưa ai trả lời cho chúng tôi câu hỏi này vì Chủ tịch xã Kỳ Lợi… bận đi họp, máy bận!
Có thể bạn quan tâm
Gia đình ông Mai Xuân Vỹ (trưởng thôn I, Kỳ Phương) là trường hợp hiếm hoi nhận được số tiền đền bù 2 tỷ đồng, do căn cứ vào diện tích đất, tài sản bị giải tỏa. Nhưng căn nhà mới vẫn chưa làm sổ đỏ vì cái giá 120 triệu đồng là quá nhiều, ông hy vọng chính quyền sẽ… giảm giá, ông cho biết: “Khoảng 90% cư dân ở đây chưa làm được sổ đỏ”.
Ngôi nhà ông xây trị giá hơn 1 tỷ đồng khá khang trang, 8 người con đều thành đạt, ổn định, nhưng không một ai làm được điều đó tại quê hương, đa phần đi xuất khẩu lao động và lập nghiệp ở nơi xa.
Khi được hỏi vì sao có tình trạng kẻ ở người đi giữa hai vùng đất đều làm ngư nghiệp, ông Vỹ cho biết: “Một bộ phận không muốn di cư vì họ không muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn; thêm một bộ phận còn đấu tranh để được hưởng mức đền bù giải tỏa cao hơn; bộ phận còn lại có tư tưởng mông lung chưa quyết định nên đi hay ở…”
Là người sống chết với biển từ khi lọt lòng, giờ đã an nhàn tuổi già, nhưng ông Vỹ vẫn không hết tình yêu với nghề biển, ông chỉ đề đạt duy nhất một điều “nhà nước nên giảm lệ phí làm sổ đỏ (kể cả trường hợp cho nợ phí 5 năm và đóng trước 15 triệu đồng), tạo điều kiện cho nhân dân buôn bán, làm ăn, nhất là gắn bó với biển”.
Trước lúc chia tay và mời chúng tôi thưởng thức ly nước chè đậm đặc, ông Vỹ không quên nhắn nhủ “mong sao cơ quan chức năng kiểm soát vùng biển gần bờ, ngăn chặn đánh bắt bằng xung điện, vì đó là nguồn sống của ngư dân nghèo, không đủ tiềm lực để vươn khơi xa”.
Tái định cư không sổ đỏ cũng giống như sống trong ngôi nhà chưa có đầy đủ chủ quyền pháp lý, không thể nào vay vốn làm ăn, mở rộng sản xuất. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Kỳ III: Chính quyền nói gì?