[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Hội nhập ngay trên “sân nhà”

TS. Huỳnh Trung Minh 19/07/2019 14:14

“Chúng ta luôn nghĩ rằng hội nhập là đi ra biển lớn - hướng ra bên ngoài, mà quên nghĩ đến chiều ngược lại – bên ngoài cũng sẽ hướng về phía chúng ta”...

Hội nhập là nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong nhiều năm qua. Sự nỗ lực này đã có những đền đáp nhất định khi độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, các FTAs song phương, đa phương có hiệu lực ngày càng dày hơn và hứa hẹn mở rộng thị trường cho doanh nghiệp ngày càng rộng hơn. Nhưng một nguyên tắc của hội nhập – giao thương bao giờ cũng xuất phát từ hai phía, và đi về 2 chiều. 

p/Doanh nghiệp may mặc phản đối quyết định ngừng nhập hàng của BigC

Doanh nghiệp may mặc phản đối quyết định ngừng nhập hàng của BigC

Bị động trên “sân nhà”

Ở cấp độ giao thương, Việt Nam có thể quan hệ thương mại phụ thuộc nhập khẩu hoặc xuất khẩu từ một vài nền kinh tế lớn. Ở cấp độ hội nhập, mức độ lan tỏa - hòa nhập theo vòng sóng tròn phần lớn sẽ tác động hai chiều nhiều hơn. Và khi Việt Nam mải mê đi hội nhập quốc tế, thì thị trường trong nước cũng sẽ đón những làn sóng hội nhập từ phía bên ngoài.

Có thể bạn quan tâm

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Công nghệ - Điểm tựa "bẩy" nền kinh tế

    05:06, 16/07/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đường sắt cao tốc: Kinh tế và an dân

    09:15, 12/07/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đấu thầu quốc tế và giải pháp của Việt Nam

    11:00, 11/07/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Bàn về mô hình phát triển kinh tế (Bài 2)

    06:31, 10/07/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Bàn về mô hình phát triển kinh tế (Bài 1)

    05:12, 09/07/2019

Câu chuyện Big C và các doanh nghiệp dệt may căng biển ngữ phản đối Big C “cắt hợp đồng” đột ngột mới đây là một minh chứng rõ cho thấy cả phía doanh nghiệp sản xuất lẫn các nhà bán lẻ nội địa, chưa thực sự sẵn sàng hay nói cách khác còn thiếu chủ động, bỏ quên sân nhà.

Điều đó xét thực tế cũng là vấn đề dễ hiểu bởi Việt Nam vốn có nền kinh tế mới thực sự mở cửa trong hơn 20 năm qua. Và chúng ta đi sau, đến sau trên con đường hội nhập. Trong khi các nền kinh tế lớn, các doanh nghiệp quốc tế đã quen thuộc thông thạo, tiệm cận mọi chuẩn mực, luật lệ kinh doanh quốc tế, chúng ta vẫn đang còn từ chỗ “ao làng” đi ra, phải nỗ lực nhiều hơn để tiếp cận, tiệm cận và dần dần tuân thủ, áp dụng được các chuẩn mực đó. Tiếp cận luật làm ăn, kinh doanh là vậy. Tiếp cận các chuẩn mực quản trị, chuẩn sản xuất-kinh doanh, xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi phân phối bán hàng… tương tự cũng là vậy.

Sự bị động không thể không xảy ra, đặc biệt khi các nhà kinh doanh quốc tế lớn một khi đã nhắm đến Việt Nam, không chỉ mang đến Việt Nam mô hình kinh doanh theo chuẩn quốc tế, theo luật lệ (chỉ nói lý không nói tình), và có sẵn thương hiệu lớn, được chính người Việt mong đợi tin dùng cũng như, mang theo cả nguồn lực lớn tài chính, thậm chí là nhân sự quản lý cấp cao.

Việc so kè của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc việc gắn vào chuỗi phân phối, bán hàng, cung ứng giá trị của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vào các doanh nghiệp lớn quốc tế tại nội địa, theo đó, đôi khi rơi vào tình trạng lép vế, phụ thuộc, thiếu tính cộng sinh. Hoặc nói ngắn gọn là yếu tố phòng thủ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, từ tâm thế “ao nhà” đi ra, hay ngay trên chính sân nhà, trước các doanh nghiệp lớn quốc tế trở nên mong manh, dễ vỡ.

Lật ngược thế cờ từ đâu?

Tiếp cận và chuẩn hóa dần các chuẩn mực quốc tế trong sản xuất-kinh doanh-quản trị doanh nghiệp đến phân phối, bán hàng-cung ứng dịch vụ là điều kiện đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt cần nghĩ tới, để có thể có vị thế “ăn nói” với các doanh nghiệp, đối tác dù ở ngay sân nhà hay bất cứ thị trường nào.

Không am hiểu luật lệ, nắm chắc các chuẩn mực và làm đúng, tuân thủ các chuẩn mực đó, dĩ nhiên, sự tự ti, kém tự tin, và nguy cơ luôn bị rơi khỏi sân chơi lớn của các doanh nghiệp luôn có thể xảy đến. Trong nhiều trường hợp cần khả năng đáp ứng các điều kiện để nắm bắt những cơ hội, thì doanh nghiệp nếu không đạt cũng phải ngậm ngùi nhường cơ hội cho kẻ khác. Mà việc chuẩn hóa phải xuất phát từ tuân thủ, đáp ứng các chuẩn mực chung của Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam cần quảng bá thông tin, đào tạo và tái đào tạo chuyên sâu về chính sách hội nhập, văn hóa ứng xử kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế .

Chẳng hạn, trong những năm qua, trên chiều đi ra –tức trên thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã vướng đã vụ kiện thương mại chiếu theo hàng rào bảo hộ mậu dịch của nhiều quốc gia. Trong nước, doanh nghiệp có thể đặt vấn đề hợp tác với một tổ chức đầu tư nhưng khi hai bên “cơm không lành canh không ngọt”- giao dịch bất thành thì doanh nghiệp đề nghị Nhà nước lên tiếng can thiệp… Đặc giả định nếu được quản trị chuẩn mực, am hiểu luật lệ kinh tế quốc tế, không thể nói có sự loại trừ bằng 0 các vụ việc như nêu trên, nhưng rõ ràng nhiều doanh nghiệp sẽ vượt qua hàng rào bảo hộ hoặc có các thương vụ hợp tác đầu tư “hay ho” hơn, mà không cần phải cầu viện đến sự can thiệp của Chính phủ.

Tương tự như vụ việc Big C, đặt câu hỏi rằng tại sao 1 số doanh nghiệp dệt may có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhà bán lẻ này? Để thấy, phải chăng các doanh nghiệp đó đã chọn được phân khúc trúng nhu cầu thị trường, sức tiêu thụ tốt, xây dựng được thương hiệu, hoặc đã chủ động đa dạng nguồn ra, bắt tay với một vài đối tác có khả năng tiêu thụ cũng như hợp tác dài hạn hơn?

Có thời gian làm việc cùng một đối tác ngoại vào thị trường Việt Nam, tôi nhận thấy các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ sẵn sàng đầu tư nguồn lực hay mô hình kinh doanh tại thị trường, còn sẵn sàng đầu tư cho chuyên gia đến để tìm hiểu về luật lệ Việt Nam, bao gồm pháp luật, văn hóa kinh doanh, tâm lý thị trường...

Chúng ta đã có sự đầu tư nhất định ở một số thị trường quốc tế, tại một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế. Nhưng ngay trên thị trường sân nhà, liệu các doanh nghiệp đã chủ động mời chuyên gia ngoại, doanh nghiệp ngoại đến trao đổi, tham vấn thậm chí “phổ cập” các văn hóa kinh doanh, luật lệ kinh doanh của họ?

Cũng phải nói rằng các nhà quản lý và các nhà làm luật ở Việt Nam, sau các đợt ký kết FTAs, đã triển khai thông tin chính sách, cập nhật rất nhiều các khóa đào tạo cho doanh nghiệp. Nhưng thực tế như vậy đã đủ? Không ít luật lệ kinh doanh quốc tế, kinh doanh hội nhập và ứng xử với doanh nghiệp ngoại khi họ vào thị trường VN vẫn chưa được chính các nhà quản lý, đặc biệt cấp địa phương nắm bắt hết. Việc phát triển tràn lan các siêu thị thương mại của doanh nghiệp ngoại tại địa phương, bỏ qua những lợi thế bảo hộ mậu dịch và làm mất chìa khóa chi phối hệ thống phân phối ngay trên sân nhà, là một điển hình.

Đi cùng những người khổng lồ, giữa cơ nguy bị đè bẹp và cơ hội được đi nhanh hơn, thậm chí được đứng trên vai họ - Chọn cơ nguy hay cơ hội, quyền chọn nằm ở phía chúng ta.

Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh – Đoàn Luật sư TP HCM: Chọn “bảo hộ thương mại” đúng luật

Chính sách bảo hộ mậu dịch trên thế giới đã có từ rất lâu nhưng kể từ năm 2017 đang “trỗi dậy” nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và an ninh quốc gia trước xu thế toàn cầu hóa.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách bảo hộ mậu dịch thông qua hệ thống pháp luật của mình như tăng thuế nhập khẩu, gia tăng các mặt hàng xa xỉ để hạn chế nhập khẩu. Nhưng việc ban hành các chính sách như trên còn hạn chế bởi cần phải có thời gian nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật hiện tại, tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và Pháp luật quốc tế.

Trước tình hình đó, chính bản thân mỗi doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập, ngoài việc phải tự mình nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh thì cần phải nắm vững các quy định pháp luật liên quan, các điều ước quốc tế và pháp luật quốc tế để vận dụng vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cho nên, song hành với quá trình phát triển của doanh nghiệp cần sự đồng hành của bộ phận pháp chế doanh nghiệp nhằm giúp loại bỏ/hạn chế các rủi ro trong kinh doanh, không bị “lép vế” khi hợp tác, làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài. Trường hợp phát sinh tranh chấp thì có thể đại diện doanh nghiệp giải quyết tranh chấp; lựa chọn phương thức giải quyết như hòa giải thương mại/trọng tài thương mại/tòa án nhằm mục đích hiệu quả và ít tốn kém nhất.

Trong 1 số tranh chấp, dựa vào các hợp đồng thương mại giữa đôi bên thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự bảo vệ mình nếu Hợp đồng quy định việc ngưng nhập hàng do lỗi của Siêu thị thông qua việc kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại hoặc phạt hợp đồng.

Ngoài ra, trong trường phát sinh các hợp đồng thương mại có giá trị lớn và có nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, doanh nghiệp cũng nên tham vấn ý kiến của các công ty luật, văn phòng luật sư chuyên nghiệp nhằm bảo vệ mình.

TS. Huỳnh Trung Minh