[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đồng bằng và những cái “chết” từ gốc (Bài 2)
Từ mảnh ruộng nhỏ đến đồng bằng châu thổ khổng lồ màu mỡ nhất thế giới đang xuất hiện những vết nứt ngày một lớn...
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa xong, tuyến giao thông huyết mạch nối TP HCM với 13 tỉnh thành miền Tây chật cứng như nêm, cao tốc Trung Lương trở nên quá nhỏ bé với nhu cầu đi lại của hàng triệu người cấp tập trở về thành phố cho kịp giờ vào ca.
Nguyên nhân có một phần xuất phát từ hệ thống hạ tầng giao thông kém cỏi, nhưng điều cốt lõi hơn nằm ở kết cấu dân số, lao động và những chuyện chưa từng có bây giờ đang hiện hữu ở vùng đồng bằng màu mỡ nhất thế giới này.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao, ĐBSCL - nơi chiếm tới 90% sản lượng lúa gạo, 60% khối lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, vựa cây ăn quả lớn nhất cả nước, khí hậu thuận lợi lại không còn hấp dẫn người dân? Một bài toán rất lớn đặt ra.
Cách đây nhiều năm, Bộ Nông nghiệp đã có một báo cáo về tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL, theo đó do ảnh hưởng của Elnino mùa mưa kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông Mekong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.
Cảnh báo này nhanh chóng chìm vào quên lãng, không một ai thấy đó là mối nguy thực sự, cho đến khi người ta thống kê được con số trực tiếp trên nhiều cánh đồng, như sau:
Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân đang sản xuất tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. Trong đó, 104.000 ha lúa bị thiệt hại nặng nề, hàng chục nghìn ha bị chết.
Tỉnh Vĩnh Long nằm rất xa biển nhưng lần đầu bị nước mặn tấn công. Tỉnh Kiên Giang công bố tình trạng thiên tai hơn 40.000 ha lúa bị chết, đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Nhiều khả năng, các địa phương Bến Tre, Trà Vinh, Vị Thanh, Rạch Giá thiếu nước ngọt sinh hoạt từ 2 tháng trở lên.
Trong hai năm 2015-2016, nông dân lại gặp phải trận hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Nước biển tràn sâu vào đất liền đến 80km và phá hủy ít nhất 160.000 hecta nông sản. Ở Kiên Giang, một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất, tỉ lệ di cư thuần tăng vọt, và trong năm tiếp theo, cứ 100 cư dân thì có 1 người bỏ xứ ra đi.
Đến giữa năm 2019, Hội nghị Toàn thể Uỷ ban sông Mekong được tổ chức tại Tiền Giang đã xuất hiện vài kết luận buồn bã “Xâm nhập mặn đang lấn rất sâu vào ĐBSCL”, “Nước thượng nguồn giảm, ĐBSCL không còn lũ lớn”…
Lần này, điều mà nhà chức trách phát hiện ra không phải là “thiên tai” mà đó là “nhân tai” - rất nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong dọc các nước Lào, Campuchia, Thái Lan đi vào vận hành, đỉnh lũ ở Tân Châu từ mức 4,5m giảm xuống còn 2,5m!
Ngay chính trên đồng ruộng sát biên giới Campuchia, khi nước rút đi, nông dân thấy cảnh tượng bất ngờ xảy ra, mặt ruộng toàn cát như…sa mạc! Cát từ đâu đến? Nông dân có thể làm gì với “ruộng cát” phủ dày hàng chục centimet?
Một gọng kìm khác siết dần vào nông dân, đó là giá lúa rớt tự nhiên qua các năm, cách đây 10 năm ĐBSCL “sốt” giá lúa thời điểm đó đạt mức 6.500đ/kg, nhưng thời điểm đầu năm nay giá lúa vẫn xoay vòng quanh mức 5.500đ/kg!
Chưa bao giờ lúa gạo làm ra từ ĐBSCL được an tâm ổn định về giá cả, nó lên xuống tùy thuộc vào thái độ của thương lái và thị trường Trung Quốc.
Từ năm 2019, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc gặp rất nhiều thách thức do các chính sách tăng thuế đối với mặt hàng gạo, thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh chính ngạch và những thay đổi về tổ chức quản lý.
Bỏ đồng bằng ra đi là thực trạng đã có 10 năm nay ở miền Tây, một thống kê uy tín cho hay cùng khoảng thời gian này đã có 1,7 triệu người ly hương, trong khi đó chỉ có 700.000 người chuyển đến.
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất và ít ai phản biện được vì nó là một môn khoa học vô cùng phức tạp, và cũng có thể cái tặc lưỡi mấy thập kỷ nay đã vô tình giết chết miền Tây trù phú.
Sau cái hạn kỷ lục năm 2015, năm 2016, xuất hiện một bài báo với cái tựa lạ kỳ “Trung Quốc sẽ xả nước giúp Việt Nam chống hạn”. Bộ Nông nghiệp phối hợp với nhiều Bộ khác về việc “thúc đẩy nhanh phía Trung Quốc phối hợp xả nước hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn sông Mêkông và đã nhận được phản hồi tích cực từ phía nước này”.
Hóa ra, phía Trung Quốc đang nắm phần lớn sinh mệnh của 18 triệu dân và vùng nông nghiệp đặc hữu của nước ta? Nó hoàn toàn có cơ sở từ giải pháp của Bộ Nông nghiệp.
Tổ chức Mekong Freedom Network của Thái Lan nhận định: 8 đập thủy điện nằm trên lãnh thổ Trung Quốc là thủ phạm chính khiến mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục.
Hơn thế nữa, toàn dòng Mekong dài 4.350km có tổng cộng 467 thủy điện, trong đó 1/4 đang trong quá trình xây dựng. Đây mới là thủ phạm đáng ngại nhất. Bây giờ, cứ thêm một thủy điện nào trên dòng sông này đều đẩy thêm một mối lo cho ĐBSCL.
Trong một báo cáo của Ủy ban Sông Mekong, nếu cả 3 công trình thủy điện của Lào: Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng đi vào hoạt động, thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm 6,2%/tháng, xâm nhập trên sông xâm nhập mặn trên sông Tiền, sông Hậu lấn sâu vào từ 2,8-3,8 km.
Và với viễn cảnh không xa, khi cả chuỗi 11 đập thủy điện hoạt động thì tổng lượng dòng chảy sẽ giảm hơn 27%/tháng, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trên sông Tiền, sông Hậu khoảng từ 10-18 km.
Đồng bằng này sẽ tuyệt chủng nếu không còn phù sa đổ về, sanh mạng của 18 triệu người bị đe dọa, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương có chứa nổi lượng người này nếu họ di cư về? Lực lượng nào sẽ bám đất, bám làng, hậu họa bất ổn xã hội, đứt gãy kết cấu cộng đồng đã lường hết…?
Tạm chưa bàn đến tương lai, trước mắt hàng triệu nông dân Miền Tây bỗng dưng mất hết tư liệu sản xuất sẽ đổ dồn về thành phố mưu sinh, đây lại là một ẩn họa về trật tự an toàn xã hội khi việc làm khan hiếm, cạnh tranh sinh tồn trở nên khắc nghiệt, rồi đây tội phạm sẽ gia tăng, các vấn đề an sinh xã hội sẽ là gánh nặng cho nhà nước.
Cái thuận lợi của Việt Nam là nằm ở hạ nguồn Mekong, nên đặc hưởng vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn, nhưng cái khó cũng phát xuất từ đó - nhất là khi người ta ấp ủ tính toán chính trị ở thượng nguồn.
Liệu chúng ta có yên ổn khi mạng sống của chính mình đang nằm trong tay kẻ khác? Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời nhưng chắc chắn một điều rằng nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu thì câu trả lời của thời gian sẽ vô cùng đau đớn!
Không trách ai được, mà trách chính mình, phải chăng chúng ta xoay trở quá chậm khi vùng đất này bắt đầu có dấu hiệu bất ổn? Liệu ĐBSCL chỉ mỗi lợi thế trồng lúa và lúa?
Còn tiếp…