[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đồng bằng và những cái “chết” từ gốc (Bài 3)
Gần một thập kỷ say sưa trong danh xưng quyến rũ ấy, chúng ta vẫn cứ tiếp tục trồng lúa, cố gắng giữ vị thế bằng sản lượng, nhưng sai lầm cũng bắt đầu từ đây.
Ngày xưa, bất kể giàu nghèo, người Việt vẫn có tâm lý tích trữ lương thực, nhà càng giàu kho thóc càng lớn, nhà nghèo nhất cũng cố gắng để dành vài hũ gạo chống đói mùa giáp hạt, lúc thiên tai dịch họa.
Tâm lý đó sản sinh trong bối cảnh trường tồn đặc biệt của người Việt, đó là câu chuyện rất dài. Song, điều đó tạo ra một tư duy làm nông nghiệp “tất cả vì an ninh lương thực” nhiệm vụ này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đáng nói, nó tồn tại quá lâu.
Từ chỗ thiếu ăn, chúng ta dư dả thóc lúa, đem bán khắp thế giới và trở thành “cường quốc lúa gạo”, gần một thập kỷ say sưa trong danh xưng quyến rũ ấy, chúng ta vẫn cứ tiếp tục trồng lúa, cố gắng giữ vị thế bằng sản lượng, nhưng sai lầm cũng bắt đầu từ đây.
Cùng một diện tích nhưng người Thái, Nhật, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan tạo ra sản lượng không thua kém, cộng với đột phá công nghệ canh tác nên gạo Việt ngày càng mất chỗ đứng.
Có thể bạn quan tâm
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đồng bằng và những cái "chết" từ gốc (Bài 1)
10:50, 31/07/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đồng bằng và những cái “chết” từ gốc (Bài 2)
06:34, 01/08/2019
Với kinh nghiệm 4.000 năm làm nông nghiệp, và tồn tại ngay trung tâm ĐBSCL nhưng năm 2016, tỉnh Sóc Trăng cử đoàn cán bộ sang Campuchia học... trồng lúa!
Vậy phải chăng, ĐBSCL chỉ có mỗi việc trồng lúa, không có lúa là chết? Không hẳn, minh chứng là rất nhiều quốc gia không làm lương thực vẫn ăn ngon mặc đẹp và giàu có.
Không có lý do gì gần 18 triệu người ở ĐBSCL trên một diện tích hơn 40 ngàn km2, ít lụt bão nhưng chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ 14 triệu tấn gạo mỗi năm, trong đó khoảng 90% dành cho xuất khẩu.
Nhìn sang những quốc gia tiến bộ ở châu Âu, Mỹ hoặc Úc, thí dụ như ở Hà Lan, Đan Mạch…, nông dân nào không có học và không có chứng chỉ nông nghiệp đều không được nhà nước cho phép làm ruộng.
Nằm bên bờ Biển Bắc, 2/3 diện tích đất nước Hà Lan thấp hơn mực nước biển trung bình 6,7m, từ xa xưa người Hà Lan đã chiến đấu với nước bằng cối xay gió, đến nay họ có 2 công trình trị thủy được xếp vào kỳ quan thế giới hiện đại, đó là các tuyến đê biển Zuiderzee Work và Delta Work.
Rạng sáng 1/2/1953, Hà Lan đón nhận một siêu bão từ biển Đại Tây Dương khiến 1.365km2 vùng Tây Nam đất nước bị ngập lụt nghiêm trọng, 100.000 người phải sơ tán khẩn cấp trong đêm, 1.836 người chết, gây thiệt hại lớn chưa từng có về kinh tế.
Chưa đầy 20 ngày sau thảm họa, Ủy ban châu thổ (Delta Committee) được gấp rút thành lập nhằm đánh giá thiệt hại và đưa ra những giải pháp phòng ngừa thảm họa tương lai.
Dự án Delta Work gấp rút được chỉnh sửa và trình Chính phủ phê duyệt, họ không thể đóng cửa các cửa biển vì sẽ giết chết ngành thủy sản. Một ý tưởng táo bạo được đưa ra, xây dựng các cửa ngăn nước tự động. Miền Nam Hà Lan có tổng cộng 65 đê chắn sóng với 62 cửa van trên chiều dài 6,8km, các công trình này được xây dựng trong vòng nửa thế kỷ.
Từ thảm kịch mang tính lịch sử đã khiến người Hà Lan nhận ra những yếu kém của mình trong hệ thống các công trình phòng vệ chống nước biển và lấy đó làm bài học đau thương để luôn ghi nhớ rằng, vấn đề phòng chống nước biển xâm thực phải luôn được đặt lên hàng đầu.
Sống với lũ, người Hà Lan trở nên xuất sắc nhất thế giới về trị thủy bằng một kế hoạch xuyên suốt dưới nỗ lực của Chính phủ chỉ bằng hành động và hành động. Từ khắc nghiệt, nền nông nghiệp Hà Lan được mệnh danh “nuôi được cả thế giới”.
Cũng giống như Hà Lan, năm 1997 bão Linda quét vào miền Tây gây ra thảm họa kinh hoàng, ảnh hướng đến 21 tỉnh thành, 136.334 ha nuôi trồng thủy sản mất trắng, 323.050 ha lúa trôi ra biển, 787 người chết, 2.123 người mất tích…
Ở ĐBSCL nhiều cái chết còn diễn ra âm thầm lặng lẽ hơn và đã tác động rất sâu sắc tới kết cấu dân số, lao động, an ninh đến các đô thị lớn ở miền Nam, đó là di họa không nhỏ.
Thật ra, Việt Nam đã có rất nhiều toan tính trị thủy ở miền Tây, từ cuối thế kỷ 20 đến nay hàng chục công trình nghiên cứu quy hoạch thủy lợi ra lò. Nhưng chưa hề thấy công trình nào được triển khai vào thực tiễn một cách triệt để nhất, đặt nền móng đầu tiên.
Điển hình như “siêu đê” Vũng Tàu - Tiền Giang dài 28km, rộng 30m chi phí 155 ngàn tỷ đồng, được đề xuất từ 2011 nhưng đến nay vẫn mắc mớ vì tranh cãi, đủ mọi lý do quan ngại về môi trường sinh thái, giao thông vận tải biển… cũng giống như Hà Lan, nhưng người Việt vẫn thiếu tính quyết đoán.
Trong khi đó giai đoạn 2017-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ triển khai 24 dự án biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL, trong đó có 9 dự án chuyển tiếp và 15 dự án khởi công mới.
Tuyến đê biển Tây Cà Mau từng được phê duyệt với số vốn gần 1.700 tỷ đồng, nhưng đến nay do thiếu vốn nên chưa thể triển khai.
Theo “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở Việt Nam” của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với vùng Nam bộ (trong đó có ĐBSCL), kịch bản phát thải trung bình, mực nước biển Đông vùng ĐBSCL tiếp tục tăng thêm 12 cm vào năm 2020, 17 cm vào năm 2030 và 30 cm vào năm 2050 (75 cm vào năm 2100).
Thực tế này cho thấy gì? Hầu như chúng ta chưa có một bản quy hoạch thủy lợi nào thật sự hoàn chỉnh, đồng bộ tại ĐBSCL, hàng chục dự án, kèm theo hàng tá lý do cấp thiết nhưng dường như vẫn thiếu động lực quan trọng cuối cùng là quyết tâm.
Quy hoạch manh mún, địa phương nào cũng có dự án đê chắn mặn, nhưng thiếu sự thống nhất bằng một công trình táo bạo thà một lần tốn kém. Chuyện đê điều còn bàn luận tranh cãi đến bao giờ?
Từ câu chuyện sang Campuchia học trồng lúa cho thấy rằng, sản lúa gạo ở ĐBSCL đã tụt hậu nghiêm trọng. “Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp” là cụm từ nghe rất quen, rất dễ nói, đâu đâu cũng thấy dẫn ra như là một giải pháp cuối cùng.
Tuy nhiên, hãy nhìn lại thực tế xem thử có dễ thực hiện như việc người nông dân vác cày dắt trâu ra ruộng? Công nghệ cao ở đâu ra? Nếu hoàn toàn nhập khẩu thì liệu việc sản xuất có mang lại lợi nhuận?
Năm 2018, tại buổi lễ vinh danh 63 nông dân Việt sáng tạo trong sản xuất, nhưng phải thấy rằng những sáng tạo của nông dân chỉ tham gia một khâu rất nhỏ, cải tiến công cụ thay thế sức người.
Đó không phải là “công nghệ nông nghiệp” đúng như nghĩa của từ này. Nhiệm vụ đó phải thuộc về phòng thí nghiệm, trường đại học, các viện nghiên cứu, đội ngũ nhà khoa học thực thụ.
Để “nông dân sáng tạo” là điều hơi trớ trêu, bởi lẽ chức năng phân công lao động phải chăng đảo lộn? Nhất quyết cho thấy đội ngũ làm khoa học nước nhà có vấn đề.
Còn tiếp…