“Thế giới phẳng” của hàng hóa

Trương Khắc Trà 09/08/2019 11:01

Giữa vòng xoáy ngập tràn hàng Trung Quốc - người tiêu dùng trong nước như chia làm hai “phe”, một bên cố tìm kiếm hàng Việt giữa muôn trùng vây, bên còn lại hướng ngoại qua kênh phân phối tốn kém hơn.

Sản phẩm của Asanzo bị đặt dấu hỏi nghi vấn

Song, tìm hàng Việt giữa chợ lúc này khiến nhiều người phải phân vân, có người thì lật xem tấm nhãn “Made in…”, còn lại đa phần phụ thuộc vào lời mời chào của những người bán. Ấy thế mới có chuyện thỉnh thoảng lại tá hỏa vì bị lừa như vụ Khaisilk…

Thế nhưng, xu hướng tiêu dùng “sính ngoại” không phải lúc nào cũng đảm bảo an toàn 100%, hàng Việt Nam kém chất lượng “đột lốt” thương hiệu nước ngoài diễn ra khá phổ biến, thậm chí hàng Trung Quốc sản xuất ở Lào, Thái Lan rồi “tầm gửi” thương hiệu bán về Việt Nam.

Cho đến khi những lùm xùm liên quan đến Công ty điện tử Asanzo nổ ra thời gian qua làm vỡ vạc ra rất nhiều điều. Phải đến tận lúc này cơ quan chức năng mới rốt ráo xây dựng quy chuẩn để trả lời cho câu hỏi vốn rất cấp bách: Thế nào là hàng Việt Nam?

Có thể bạn quan tâm

  • Hiểu cho đúng về “Made in Vietnam”

    11:00, 08/08/2019

  • Tiêu chí xác định hàng "Made in Vietnam" vẫn chưa rõ ràng

    06:06, 07/08/2019

  • ‘Made in Vietnam’ theo tiêu chí dự thảo của Bộ Công Thương

    11:45, 02/08/2019

  • Bộ Công Thương đưa ra tiêu chí xác định hàng "Made in Vietnam"

    21:05, 01/08/2019

  • Mạng xã hội “Made in Vietnam” Gapo có tìm được chỗ đứng?

    11:00, 24/07/2019

Vụ việc của Asanzo khiến nhiều người bất ngờ vì công ty này có thể “trở cờ” phản pháo, rằng xu hướng OEM/VAR hiện nay rất phổ biến, việc sản xuất chiếc tivi, cái điện thoại hay cả xe hơi, máy bay bây giờ không còn gói gọn là nhiệm vụ của một doanh nghiệp, quốc gia riêng lẻ nào.

Vì sao Iphone có 200 nhà sản xuất hợp thành nhưng không ai dám tranh giành quyền sở hữu với người Mỹ; hoặc dòng điện thoại “S” cao cấp của Samsung phụ thuộc hầu hết vào Nhật Bản nhưng nó vẫn là sở hữu của Hàn Quốc? Sự giao thoa của nhiều quốc gia, công nghệ trong một sản phẩm buộc cơ quan chức năng ban hành quy chuẩn để xác định hàng hóa ấy thuộc về nước nào, sở hữu của ai…

Thật trớ trêu, phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức lâu nay, nhưng hình như “hàng Việt Nam” với đầy đủ tính pháp lý vẫn là ý chí chủ quan?

Theo Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm hàng Việt Nam của Bộ Công Thương, hàng hoá “có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa” cũng được xem là hàng Việt Nam.

Quy chuẩn này phù hợp với xu hướng OEM/VAR đang thịnh hành trên toàn cầu, nhưng bản thân nó không khác gì chất dung môi “pha loãng thương hiệu”, đặc biệt với Việt Nam - không có nhiều thương hiệu rường cột có lịch sử đủ lâu để tạo ra bản sắc. Đây cũng là lý do giải thích vì sao Asanzo bị đặt dấu hỏi nghi vấn.

Nếu không muốn nói, quy chuẩn này vô tình tạo ra “kẽ hở” vừa đủ để làm tổn thương chiến lược “Make in Viet Nam”. Việc cho phép nhập khẩu cấu kiện về “gia công”, “chế biến cuối cùng” có thể làm thui chột khả năng sáng tạo, vắt óc tìm kiếm điều mới mẻ hơn đối thủ. 

Trương Khắc Trà