Chuyện lũ trên núi và ngập vùng biển

Sông Hàn 11/08/2019 11:05

Thiên tai cũng có nguyên nhân từ con người. Ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên, bão lũ…  cũng có lỗi của con người.

Lực lượng Công an giúp người dân di chuyển khỏi vùng ngập sâu

Lực lượng Công an giúp người dân Phú Quốc di chuyển khỏi vùng ngập sâu. Ảnh: Kênh 14

Trên núi, vùng biển đều ngập lụt

Những ngày qua, các con đường ở nhiều khu phố thuộc thị trấn Dương Đông, sân bay quốc tế Phú Quốc đều mênh mông nước. Thống kê từ các cơ quan chức năng của huyện Phú Quốc, ngập lụt trong những ngày qua đã làm cho trên 8.400 nhà ở đảo ngọc bị ngập.

Chính quyền địa phương cũng điều động khoảng 1.500 người thuộc các lực lượng gồm: Lữ đoàn 950 (Quân khu 9), quân sự, biên phòng, công an... cùng nhiều ôtô, thuyền, phao bè cứu sinh, thực hiện cứu hộ người dân tại hàng chục điểm ngập lụt nguy hiểm, giúp người dân dọn dẹp, khắc phục hậu quả của mưa ngập, di dời, ổn định tài sản. Còn xã, thị trấn và các ngành đang tập trung khôi phục hạ tầng giao thông, điện, nước...

Ngoài Phú Quốc – Kiên Giang, mưa lũ ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp.

Tại Lâm Đồng, hàng trăm căn nhà cùng nhiều diện tích hoa màu của người dân huyện Bảo Lộc, Lạc Dương bị ngập sâu, giao thông chia cắt. Tại Đăk Lăk, gần 800 căn nhà và hàng nghìn hecta hoa màu ở huyện Ea Sup và Buôn Đôn bị ngập nặng, giao thông chia cắt.

Tại Đăk Nông, nhiều căn nhà sập hoàn toàn do sạt lở đồi ở giữa hồ thủy điện Đăk Sin 1. Đập thủy điện Đăk Kar được cảnh báo có nguy cơ vỡ, 400 hộ dân xung quanh phải sơ tán. Ở Gia Lai, cũng có thiệt hại về người khi bé Rơ Châm Khải (7 tuổi, huyện Chư Prông) đã chết vì bị dòng chảy mạnh cuốn vào cống..v..v.

Tính đến trưa ngày 10/8, mưa lũ ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ đã làm 10 người chết; hàng trăm ngôi nhà bị ngập; nhiều diện tích lúa, hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng… thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Hẳn chúng ta đều cảm thấy bất ngờ khi vùng Tây Nguyên, là khu vực với địa hình cao nguyên, những cánh rừng bạt ngàn, giờ đây người dân lại chới với với dòng nước mỗi khi mưa lũ về. Hẳn ai cũng bất ngờ khi Phú Quốc – một huyện đảo được bao quanh biển mà vẫn bị ngập lụt chỉ vì mưa, bỗng chốc từ “đảo ngọc thành đảo ngập”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nước mắt người vùng lũ Sa Ná - Thanh Hóa

    Nước mắt người vùng lũ Sa Ná - Thanh Hóa

    10:18, 05/08/2019

  • Sau trận lũ kinh hoàng,

    Sau trận lũ kinh hoàng, "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt"...

    16:00, 10/07/2018

Tại con người mà ra

Lý giải nguyên nhân lũ lụt, ông Nguyễn Văn, Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Lâm Đồng nhận định: “Ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, còn do tình trạng gia tăng nhà kính. Nhà kính quá nhiều khiến mực nước mặn càng nhiều hơn, cộng với tình trạng san ủi không đúng quy hoạch khiến mưa lũ càng nghiêm trọng”.

Đồng quan điểm, theo UBND huyện Phú Quốc, trận ngập lịch sử lần này do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Lượng mưa rất lớn đổ xuống trong những ngày qua cùng với tình trạng nước biển dâng cao khiến việc tiêu thoát nước ra biển bị cản trở. Mặt khác, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông đã được xây dựng từ 16 năm trước, chỉ phù hợp với mật độ dân cư ít ỏi lúc đó.

Dư luận cảm thấy “nóng máu” với lý giải nguyên nhân của hai vị lãnh đạo của hai địa phương kia. Bởi các vị ấy đã không dám nhìn thẳng vào sự thật, cố lờ đi chuyện phá rừng, hậu quả nghiêm trọng của việc quản lý bảo vệ rừng  còn yếu kém, khiến cho nhiều cánh rừng bị cạo trọc không thương tiếc.

Liên quan đến chuyện mưa lũ ở địa phương mình, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Đăk Lăk Đặng Văn Chiền thẳng thắn hơn khi đánh giá: “Mưa lũ thì có năm lớn năm nhỏ, nhưng năm nay khác với năm trước là mưa lớn chủ yếu ở phía Tây Bắc của tỉnh, gây ngập lụt ở vùng trũng. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng chủ yếu là do tình trạng phá rừng ở đầu nguồn”.

Thực tế cho thấy, thiên tai cũng có nguyên nhân từ con người. Ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên… có lỗi của con người. Mà cụ thể ở đây chính là việc phá rừng và quy hoạch tồi.

Quy hoạch vô tội vạ đã bê tông hóa bề mặt trên diện rộng trong một thời gian ngắn nên nước mưa không thể thẩm thấu vào lòng đất mà chảy tràn trên mặt với tốc độ cao, ào ạt dồn về chỗ trũng. Khi lập – duyệt các quy hoạch, các cán bộ chuyên trách không nghĩ tới ngập. Khi xảy ra ngập lụt thì chỉ nghĩ tới làm cống trong khi khó có hệ thống cống nào đủ khả năng tiêu thoát một lượng lớn nước trong thời gian ngắn để tránh ngập…

Việc khai thác, chặt phá rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ đã khiến nhiều cánh rừng trở nên trơ trụi. Các kiểu khai thác khoáng sản từ thủ công đến công nghiệp và xây dựng các công trình lấn chiếm lòng suối, làm giảm hoặc thậm chí mất hành lang thoát lũ là nhân tố quan trọng tạo ra nguy cơ nứt núi, lở đất, lũ quét. Xây dựng công trình hồ chứa, đập thủy điện không đủ an toàn tạo ra nguy cơ vỡ đập, gây ra dòng lũ quét nhân tạo, đe dọa cuộc sống của cư dân xung quanh.

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018, tổng diện tích có rừng ở Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha. Từ năm 2010 - 2015, Tây Nguyên là khu vực có tốc độ suy giảm rừng nhanh nhất cả nước. Tổng diện tích rừng giảm trong thời gian này là hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 5,8%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m3, tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng. Trong năm 2018, hơn 4.100 vụ vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng được phát hiện

Có thể nói,  môi trường sống của con người bị tàn phá chính là hệ lụy từ việc con người đã tàn phá môi trường. Phá rừng lấy gỗ, phá rừng làm thủy điện, đồi núi bị mất đi “lá chắn” thì tất lẽ chỉ cần một trận mưa lớn là nước chảy thẳng về xuôi, thành lũ quét, lũ ống “hỏi thăm” các bản, làng.

Liệu rằng, những hình ảnh con người chới với giữa dòng nước lũ, bị tử nạn do mưa lũ có khiến những kẻ phá rừng “rửa tay, gác cưa” hay không? Câu hỏi này khó có lời giải vì chừng nào còn lợi ích quá lớn sẽ vẫn còn những kẻ nhẫn tâm tàn phá. Vấn đề là Nhà nước quyết tâm và có giải pháp mạnh đến đâu với “quốc nạn” này, để bảo vệ rừng, cũng như hạn chế những tai họa mà thôi.

Sông Hàn