Nếu Bộ trưởng giao thông đi xe buýt…
Nếu trải nghiệm thực tế, Bộ trưởng sẽ thấy được nỗi bức xúc, cấp bách mà người dân, xã hội đang phải đối mặt, từ đó tìm hướng giải quyết vấn đề nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Tắc đường là chuyện thường ngày ở Hà Nội.
Trong chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành trọn 1 ngày 15/8 để tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành. Đây là lần đầu tiên UBTVQH tiến hành giám sát lại tình hình thực hiện “lời hứa” của các bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Đáng chú ý, tại phiên chất vấn Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đặt vấn đề, để tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, dư luận cho rằng nên thực hiện mô hình Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Giám đốc sở, ngành đi xe đạp, Nộ trưởng đi xe buýt.
“Đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết có nên thực hiện theo mô hình này không? Nếu thực hiện thì có giảm được ách tắc giao thông không? Giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay”. - Đại biểu Thuỷ đặt câu hỏi.
Có thể bạn quan tâm
Giảm thiểu ách tắc giao thông: Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Bộ trưởng đi xe buýt?
16:49, 15/08/2019
Đà Nẵng giải quyết kẹt xe, tắc đường ra sao?
16:33, 11/07/2018
TP HCM: Vận chuyển hành khách bằng phà biển để giảm kẹt xe
13:00, 22/07/2019
Kỳ vọng giảm kẹt xe tại TP HCM
05:00, 14/02/2019
Tàu cao tốc trên không chống kẹt xe: Chưa đúng thời điểm!
06:30, 18/07/2018
Vấn đề mà Đại biểu đoàn Hậu Giang đề xuất nhận được khá nhiều sự quan tâm của dư luận, nhất là trong bối cảnh ùn tắc giao thông nghiêm trọng và tình trạng sử dụng xe công bát nháo hiện nay.
Dĩ nhiên, có một số ý kiến phản đối đề xuất của Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy khi cho rằng, đề xuất thực hiện mô hình Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Giám đốc sở, ngành đi xe đạp, Bộ trưởng đi xe buýt là bất khả thi.
“Thí điểm là dành cho cái mới chưa từng có ví dụ như đề xuất ‘cấm phương tiện xe máy trong nội thành’ ở các thành phố lớn vậy. Đề xuất không phù hợp với một số thành phố lớn đang dự kiến cấm xe máy. Hơn nữa chuyện nhỏ này không nên ban hành một quy định cứng nhắc để vận dụng, đành rằng có vị chủ tịch tỉnh đi làm bằng xe máy là hoan nghênh, song không thể xem là gương noi theo cho mọi đối tượng tương tự” – Anh Trọng Duy (chuyên viên tài chính) tại Đà Nẵng nói.
Thực tế, mô hình “Chủ tịch tỉnh đi xe máy” không phải mới, không phải “bất khả thi” như mọi người vẫn nghĩ.
Nếu ai quan tâm, hẵn sẽ biết câu chuyện Bí thư tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều Giám đốc Sở ở Đồng Tháp hàng ngày vẫn đến cơ quan bằng xe máy nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người dân.
Chủ tịch UBND Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương vẫn ngày ngày đến nhiệm sở bằng xe máy của mình. Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Hùng và Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng có thói quen đi xe máy, xe đạp hơn 10 năm nay.
“Đi xe máy giúp chúng tôi quan sát xung quanh, dễ dàng tiếp cận người dân… Ngoài ra, góp phần tiết kiệm cho ngân sách một ít… Có khi gặp rác thải, biển hiệu giao thông bị hư… là chụp hình gửi cho cán bộ quản lý để xử lý ngay. Ngoài ra, tôi có thể dễ dàng vào các khu dân cư, nhìn cuộc sống của bà con; bà con có việc bức xúc, phiền hà về cán bộ, thủ tục hành chính… là gọi ngay mình lại để trình bày…” - Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nói.
Nhân câu chuyện này, người viết nhớ đến phim Trung Quốc có tên ‘Tể tướng Lưu Gù’, trong đó có đoạn diễn với đại ý là: “Các quan muốn thể hiện tính liêm khiết của mình mà tranh nhau tìm mua trang phục quan rách rưới ,vá chằng vá đụp để khi vào triều mặc cho vua thấy cái liêm khiết của quan, cái khổ của quan, trong khi đó các quan nào có thiếu gì”.
Kể ra câu chuyện này để nói cái đề xuất "Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Bộ trưởng đi xe buýt" không phải là không khả thi, cũng không phải để thể hiện cho dân thấy các quan liêm khiết. Mà vấn đề ở đây là trải nghiệm từ chính thực tế của bản thân để thấy được những nỗi bức xúc, cấp bách mà người dân, xã hội đang phải đối mặt, để từ đó tìm hướng giải quyết vấn đề nhanh nhất, hiều quả nhất mà thôi.
Tiếc một chút rằng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không đi vào “từ khoá chính” là “giải pháp hạ tầng giao thông không đồng bộ như hiện nay” mà đặt câu hỏi ngược lại: “Nếu Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong thực hiện, chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm nơi thí điểm”.
Có thể Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã không nhớ mô hình này ở Đồng Tháp các cán bộ đã và đang thực hiện nên nói vậy.
Ở Hà Nội, nếu đi xe buýt tới nhiệm sở hàng ngày, Bộ trưởng sẽ trải qua được đầy đủ cung bậc cảm xúc của người dân Thủ đô, vừa an toàn hơn xe máy, tiết kiệm ngân sách, lại nêu gương của lãnh đạo đầu ngành.
Nếu Bộ trưởng đi xe buýt, biết đâu ông sẽ sốt ruột hơn vì một vụ việc cũ, rất cũ, từng tốn không biết bao nhiêu giấy mực nhưng vẫn không thể không thêm một lần (và có thể còn nhiều lần nữa) lên tiếng. Đó là câu chuyện về tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, một công trình “lịch sử cay đắng” với nhiều lần đội vốn và tính đến thời điểm này, đã 8 lần lỡ hẹn.
Cũng biết đâu Bộ trưởng sẽ thấy nhức nhối vì dự án xe buýt nhanh BRT nghìn tỷ là một thử nghiệm thất bại cỡ nào. Rồi biết đâu ông sẽ quyết liệt hơn trong việc tìm giải pháp “cứu” cầu Thăng Long đầy ổ gà, sống trâu nham nhở mà người lao động vẫn trải nghiệm hàng ngày..v..v.
Nếu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đi xe buýt, chắc chắn đường không thể hết tắc, ngân sách quốc gia không tiết kiệm được bao nhiêu... Nhưng có một điều chắc chắn, những vấn đề còn tồn tại của ngành sẽ được giải quyết nhanh hơn, dứt khoát và triệt để hơn.