Hoàn thiện thể chế thu hút FDI

Quốc Anh 24/08/2019 14:58

Lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn FDI, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết chuyên đề để định hướng cho lĩnh vực này.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Mục tiêu của Nghị quyết nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường…; Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài; Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030…

p/Những mục tiêu cụ thể được Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đặt ra.

Những mục tiêu cụ thể được Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đặt ra.

Ông Bùi ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc tư vấn thuế Deloitte Việt Nam:

Nghị quyết hướng đến mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Điều này đã và đang được Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng tích cực và minh bạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong khu vực.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng:

Quan điểm của nghị quyết về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài là phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hoà với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao. Đặc biệt sau 30 năm thu hút FDI, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư, khái niệm về các hoạt động đầu tư... để thống nhất trong thực hiện và bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam là điều kiện bắt buộc.

Theo tôi, Việt Nam cần có một chiến lược thu hút FDI trong đó tập trung vào ngành công nghệ cao sử dụng trí tuệ nhân tạo, thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.

Bộ phận không thể tách rời của kinh tế Việt Nam

Một lần nữa, Nghị quyết 50 khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Trong giai đoạn từ nay tới 2030, quan điểm chỉ đạo được Bộ Chính trị nhấn mạnh là phải thu hút FDI chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng đó, ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Nghị quyết lưu ý nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng"; không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Chỉ đạo này được nêu ra trong bối cảnh thu hút FDI vừa qua có một số thành tựu nhưng vẫn có hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày vàng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách lao động, tiền lương... làm phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế.

Nghị quyết Bộ Chính trị cũng bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với dự án đầu tư mới, hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Bộ Chính trị yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án. Cùng với các nhiệm vụ đó, các chính sách về quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phải được quan tâm hoàn thiện.

  Mục tiêu tổng quát của Việt Nam là tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.

Bộ Chính trị lưu ý việc chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu; xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm...

Bình đẳng và tăng cường liên kết nội – ngoại

Trở lại với chặng đường 30 năm thu hút FDI, rõ ràng Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật. Đến cuối năm 2018, Việt Nam có gần 27.400 dự án FDI đang hoạt động, đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư cam kết lên tới 340 tỉ USD.

Theo các chuyên gia, mặc dù dư địa thu hút FDI của Việt Nam còn rất lớn, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, trong quá trình phát triển còn tồn tại một số hạn chế.

Chẳng hạn, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dù Việt Nam được xem là điển hình khá thành công trong thu hút FDI, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu thu hút FDI để học hỏi về công nghệ. Sức lan tỏa của khối FDI đến khu vực doanh nghiệp trong nước cũng vẫn còn hạn chế. Hay như câu chuyện phân cấp đầu tư, bà Lan cho rằng, cần xem lại, bởi hiện chúng ta đang thực hiện phân cấp cho các địa phương là chính nhưng không phải địa phương nào cũng đủ trình độ để thẩm định và quyết định dự án.

Còn ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia IFC tại Campuchia, Lào và Việt Nam cho rằng, để tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. “Việt Nam cần cải cách cơ chế hiện hành với các mục tiêu thu hút đầu tư FDI mới với nhận thức rằng ưu đãi “theo lợi nhuận” sẽ ít phù hợp hơn trong việc khuyến khích phát triển nhà cung cấp, công nghệ xanh, gia tăng giá trị và đào tạo nguồn nhân lực, so với ưu đãi theo năng lực “, ông Kyle Kelhofer chia sẻ.

Trở lại với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, rõ ràng đã cho thấy một quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường thu hút FDI có chọn lọc và chất lượng trong giai đoạn tới. Đồng thời, với việc ra đời Nghị quyết, chắc chắn những “điểm nghẽn” trong thu hút FDI đơn cử như trên sẽ sớm được “giải phóng”. Nhất là khi Nghị quyết 50 đã nêu rất rõ là : “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư, khái niệm về các hoạt động đầu tư, về danh mục địa bàn, lĩnh vực, đối tượng được áp dụng ưu đãi đầu tư trong các luật về đầu tư nước ngoài và các luật có liên quan để thống nhất trong thực hiện và bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng khẳng định việc xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế. Ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ…

Nhưng cũng cần phải nói thêm, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, không chỉ cần những hành động cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương mà ngay bản thân các doanh nghiệp cũng cần những thay đổi cả nhận thức và tư duy hành động.

Quốc Anh