Cắt “cơn nghiện” bao cấp cho đường sắt
Công ty đường sắt Hà Nội đã ngỏ ý đề nghị nhà nước trợ giá do quá trình vận hành mấy tuyến đường sắt gây lỗ 60 tỷ đồng! Đó là 3 tuyến Hà Nội - Đồng Đăng; Long Biên - Quán Triều và Hà Nội - Yên Viên.
Thoạt nghe tưởng như đây là chuyện của 30 năm về trước - khi cơ chế bao cấp “xin - cho” đang là chân lý của mọi ngành, mọi lĩnh vực. Ai khiến ngành đường sắt Hà Nội ra cơ sự này?
Đường sắt tại Việt Nam đã có có tuổi đời 138 năm. Nguồn ảnh: Internet.
Mới năm ngoái, trong báo cáo tài chính 2018 của VNR, Công ty đường sắt Hà Nội là “ngọn cờ đầu” làm ăn có lãi, đạt tới 8.252 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 18%; còn lợi nhuận trước thuế đạt 225 tỉ đồng, tăng trưởng 92%.
Câu hỏi đặt ra là Công ty này lãi thật hay “vẽ lãi khống” để xin thêm dự án? Tại sao lại có nghịch lý trên cùng một cung đường vận chuyển, tình trạng thua lỗ “bất ngờ”, lượng khách sụt giảm mà vẫn có tuyến mới mọc thêm? Nếu lãi thật thì con số này từ đâu ra, rất khó hiểu chỉ sau một năm biên độ lỗ lãi từ dương 225 tỷ đồng xuống âm 60 tỷ đồng xin thêm!
Có thể bạn quan tâm
Hãy mạnh dạn kiểm toán ngành đường sắt
05:10, 23/08/2019
Hãy để tư nhân “đánh thức” ngành đường sắt
14:00, 11/05/2019
“Điểm nghẽn” của ngành đường sắt
10:17, 04/01/2018
Ngành đường sắt và những chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi!”
05:08, 11/10/2017
Ngành đường sắt trì trệ vì tư duy “bao cấp”
13:02, 14/08/2017
Chuyện lỗ lãi có nguyên nhân từ sự khác biệt giữa hai thành phần kinh tế tư nhân và nhà nước. So sánh xem thử, vận tải đường bộ và hàng không - hai lĩnh vực có sự tham gia ào ạt của dòng vốn tư nhân đã đem lại cú hích rất lớn. Hàng không bùng nổ còn đường bộ vô cùng đa dạng loại hình phục vụ.
Nhìn ra đường sẽ thấy ngay, chất lượng phương tiện thay đổi chóng mặt, xe giường nằm, xe trung chuyển, đưa đón tận nhà và bây giờ là dòng xe limousine sạch sẽ, lịch sự. Hàng không tung ra vô vàn khuyến mãi, tiếp thị đến tận tài khoản mạng cá nhân của khách hàng.
Trong khi đó đường sắt có tuổi đời 138 năm, vẫn như thế, dựa trên hai thanh ray cũ mèm, hoen rỉ, không chịu đổi mới, ỉ lại, ngồi thụ động đợi khách đến mua vé. Ngân sách không thể nuôi mãi bộ máy thiếu hiệu quả, không còn cơ chế nào đủ sức “chống lưng” cho đường sắt ngoài việc cho tự thân vận động theo cơ chế thị trường.
Hành khách không chọn đi tàu hỏa đồng nghĩa với việc nếu không có loại hình đường sắt lạc hậu như hiện tại cũng không ảnh hưởng mấy đến cơ cấu ngành giao thông vận tải.
Nói như GS Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội “yêu cầu ngành đường sắt phải chấm dứt tư duy bao cấp, chờ đợi sự hỗ trợ từ nhà nước”. Không có giải pháp gì triệt để bằng để cho ngành đường sắt “nếm mùi” thị trường, cạnh tranh, cung cầu, muốn làm được điều đó phải cổ phần hóa mạnh mẽ, thu hút động lực tư nhân, tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm.
Thảm cảnh tại Công ty đường sắt Hà Nội là hình ảnh tham chiếu hết sức quan trọng cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đầu tư bao nhiêu tỷ USD, mức độ hiện đại như thế nào không quan trọng bằng đáp án cho câu hỏi: Làm sao để kinh doanh có lãi?