Cách nào chặn “vấn nạn” thuốc giả, thuốc lậu?
Việc buôn bán thuốc giả với lợi nhuận khổng lồ đã khiến một số đối tượng bất chấp, nhập thuốc lậu, “phù phép” nguồn gốc thuốc cho hợp lệ.
Mới đây, Cơ quan chức năng gồm Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC03) Công an TP HCM phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 26, Cục QLTT TP HCM đã ập vào căn nhà trên đường Quân Sự, quận 11 quả tang trong căn nhà chứa khoảng 20 loại thuốc tân dược khác nhau, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Được biết, tất cả thuốc trên là thuốc đặc trị các loại bệnh như: Tim, xương khớp, đái tháo đường ở trẻ em, người lớn, hạ đường huyết,… được chủ hàng khai là nhập các loại thuốc này về sau đó bỏ sỉ cho các tiệm thuốc tây ở TP HCM để kiếm lời. Ước tính ban đầu, tổng giá trị lô hàng này trên 2 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
TP HCM: Triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc giả
11:05, 30/07/2019
Hải Phòng: Xét xử vụ án dùng than tre làm thuốc giả
03:02, 20/04/2019
Kiểm soát thuốc giả, thuốc kém chất lượng cách nào?
15:19, 31/10/2018
“Chặn” thuốc giả, “truy” nguồn gốc thuốc theo xu hướng “4.0”
01:12, 22/05/2018
“Thuốc mồ côi”: Miếng mồi mới cho "quái vật” thuốc giả
17:18, 07/09/2017
Thuốc giả và “thuốc độc”
05:21, 31/08/2017
Phải nói rằng, hàng loạt vụ sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng quy mô lớn được phát hiện thời gian qua thực sự là nỗi ám ảnh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Chẳng hạn, sau vụ án VN Pharma là một ví dụ điển hình. Một đường dây sản xuất thuốc giả gần đây lại được Công an TP.HCM lật tẩy. Cầm đầu “liên minh” sản xuất thuốc giả này là Nguyễn Đình Lạc Thư - phó Giám đốc Công ty TNHH TM Asia Pharmacy (Q.7) và Lê Văn Khối - Giám đốc Công ty TNHH dược phẩm Đông Dược Việt (Bình Chánh).
Như lời khai thì từ khoảng một năm nay, hai đối tượng này bắt tay với nhau nhằm thiết lập quy trình sản xuất khép kín cùng một mạng lưới phân phối thuốc giả, thực phẩm chức năng rộng khắp các nhà thuốc quận, huyện và "vươn vòi" tận các tỉnh miền Tây.
Theo báo cáo từ hệ thống kiểm nghiệm thuốc, năm 2018, cả nước phát hiện 21 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo (giảm 11 mẫu so với năm 2017) và 14 loại thuốc nghi ngờ bị làm giả, trong đó có 13 loại tân dược và 1 loại đông dược. So với số lượng mẫu lấy để kiểm nghiệm, tỉ lệ thuốc giả chỉ khoảng 0,1%, thuốc kém chất lượng dưới 2%. Đây là một tỉ lệ được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khẳng định là thấp. Tuy nhiên thực tế có phải như con số báo cáo?
Một số liệu cho thấy, đối với các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Australia, Canada, New Zealand và các nước EU..., thuốc giả chiếm tỷ lệ thấp, chưa đến 1%. Còn ở các nước đang phát triển như nước ta, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng từ 10-30% thuốc bán trên thị trường có thể là thuốc giả; một số nghiên cứu khác cho rằng tỷ lệ này còn cao hơn.
Từ thực tế trên, có thể nói, vẫn còn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng cho rằng, việc quản lý bán thuốc tại Việt Nam thuộc dạng lỏng lẻo hàng bậc nhất trên thế giới. Ở bất cứ đâu người dân cũng tự mua được kháng sinh mà không cần đơn của bác sĩ. Tình trạng này không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân, mà còn làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh nguy hiểm.
Nói gì thì nói, cũng khó trách được người dân tự đi mua thuốc. Không thể đòi hỏi người bệnh “thông minh” phát hiện và tự mình tránh dùng thuốc lậu, thuốc giả. Trong khi, việc buôn bán thuốc giả với lợi nhuận khổng lồ đã khiến một số đối tượng bất chấp, nhập thuốc giả, “phù phép” nguồn gốc thuốc cho hợp lệ rồi chi “hoa hồng” khủng để thuốc được tuồn vào bán tại các nhà thuốc, bệnh viện.
Với cái gọi là “hoa hồng” nó càng minh chứng cho lòng tham trong mỗi con người cũng là bản năng, rất khó nhìn thấy giới hạn. Nhưng mỗi cá nhân vẫn có thể chế ngự bản thân bằng sự tri túc, tri chỉ. Mỗi xã hội vẫn có thể dựng lên những bức tường vô hình chặn con người vượt khỏi giới hạn của lòng tham bằng pháp luật - công cụ được sinh ra để điều chỉnh hành vi con người và các mối quan hệ xã hội.
Trong trường hợp này, thuốc chữa bệnh liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Do vậy, những ai kinh doanh thuốc lậu, thuốc giả, thuốc kém chất lượng là một tội ác lớn vì hành vi đó không chỉ giết một người mà còn giết hàng triệu con người.
Việc phát hiện, ngăn ngừa chỉ có thể thực hiện từ việc khắc chế được lòng tham từ mỗi con người, từ tấm lòng, đạo đức của các nhà chuyên môn là dược sĩ, bác sĩ và nhất là cơ quan nhà nước là Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y Tế mà thôi.