Công nghiệp ô tô: Có nên ưu đãi?

Hải Đăng 10/09/2019 05:00

Việt Nam đã tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, nên bảo hộ trong bối cảnh hội nhập xem như là chấp nhận thua

Chỉ những người tâm huyết và có trí tuệ mới làm được ô tô

Việc xin thêm chính sách ưu đãi chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, ngắn hạn.

Trước lượng xe nhập khẩu cũng tăng kỷ lục, mới đây Bộ Công thương đề xuất hàng loạt chính sách thuế để “tiếp sức” cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Thế nhưng, những đề xuất của Bộ Công thương lại đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong giới chuyên gia và dư luận.

Theo đó, một trong những đề xuất đó là: Đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng trong 3 tháng; Không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ôtô (để giảm giá thành xe); Nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe..v..v.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất loạt chính sách thuế 'tiếp sức' cho ngành công nghiệp ôtô trong nước

    Đề xuất loạt chính sách thuế 'tiếp sức' cho ngành công nghiệp ôtô trong nước

    00:00, 09/09/2019

Thực tế, vấn đề phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được đặt ra cách đây hơn 20 năm. Cũng đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu, nhưng chất lượng xe mặc dù có cải tiến nhưng không bằng xe nhập khẩu. Ví như, Vinaxuki từng rất hăng hái làm xe ô tô nhưng vì cách làm không hợp lý nên đổ bể.

Nói cách khác, ô tô Việt Nam vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ lắp ráp chưa đạt đến mức chúng ta mong muốn. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành ô tô vẫn thấp, chỉ đạt từ 7-10%. 

Tức là, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020, đặt mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 50%. Cho tới thời điểm này Bộ Công thương đã thừa nhận thất bại.

Khách quan mà nói, Nhà nước điều tiết nền kinh tế bằng công cụ là thuế. Hiện tại các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam còn yếu, bị các doanh nghiệp nước ngoài chi phối. Vậy muốn đưa ngành này lên thì nhà nước tạo ưu đãi bằng cách giảm miễn thuế hoặc cho vay ưu đãi lãi suất thấp đó là điều bình thường của mỗi quốc gia.

Vấn đề ở đây là, doanh nghiệp/ngành được ưu đãi phải có công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế thì mới cho thông qua và hậu kiểm khi giải ngân.

Trong khi, sự thất bại của ngành ô tô Việt Nam như nói ở trên được xem là  từ “trong trứng nước”, khiến cho việc đề xuất ưu đãi thêm chính sách thuế nhận được sự phản đối của dư luận âu cũng là lẽ đương nhiên.

Bởi, ngành công nghiệp ô tô hoàn toàn khác hẳn so với các ngành khai thác khoáng sản hay đầu tư bất động sản. Ngành công nghiệp ô tô không phát triển được là do sự non, yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như thiếu vắng một chiến lược phát triển bài bản, cụ thể.

Muốn phát triển công nghiệp ô tô phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ những người tâm huyết và có trí tuệ mới làm được ô tô. Nếu chỉ tâm huyết hay chỉ có tài chính không cũng không thể đi được. Song song, cần xác định rõ vai trò của doanh nghiệp thế nào, vai trò cơ quan quản lý nhà nước như thế nào.

Vì thế, việc xin thêm chính sách ưu đãi chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, ngắn hạn, không mang tầm chiến lược lâu dài, bền vững cho ngành công nghiệp ô tô, không khuyến khích được các doanh nghiệp thực sự muốn đi vào sản xuất ô tô thực sự..v..v.

Liên quan đến vấn đề này,  PGS.TS Nguyễn Khắc Trai - nguyên giảng viên Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng (ĐH Bách khoa Hà Nội) nói: “Việt Nam đã tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, phải tuân thủ các luật chơi chung, tránh tuyệt đối việc đặt ra các quy định nhằm bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Bảo hộ trong bối cảnh hội nhập xem như là chấp nhận thua”.

Hơn nữa, đã sinh ra doanh nghiệp là để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người dân với giá trị sử dụng tối đa và giá thành tối thiểu thì mới có cơ may tồn tại. Mục đích cuối cùng là phục vụ người tiêu dùng, chứ không phải bắt người tiêu dùng phục vụ các ngành. Một khi cá nhân ngành không phục vụ được thì không có lý do để tồn tại nữa.

Chính vì vậy, ngành công nghiệp ô tô trong nước hãy thôi xin ưu đãi và hãy chấm dứt cái kiểu đề ra chiến lược, song lại không có mục tiêu, giải pháp cụ thể để hiện thực hóa giấc mơ chiến lược.

Hải Đăng