Dự án "tàu 67": Kiện hay không kiện?
Kiện hay không kiện? Đó là bài toán rất khó đối với người vay vốn và bên cho vay để thực hiện dự án “tàu 67” tại Quảng Trị - nhưng không phải không có lời giải.
Một ngày mưa bão, tôi thấp thỏm đi tìm một vài ngư dân mà trong tay không có chút thông tin gì về họ, chỉ biết họ là chủ nhân những con tàu tiền tỷ, đang neo đậu ở đâu đó trong hàng trăm phương tiện lớn bé đang trú tránh cơ bão trên biển Đông.
Cơ may, rồi cũng gặp được vài người. Nhưng không hiểu sao, họ không mấy mặn mà với cánh báo chí. Tôi cũng bối rối không biết mở đầu câu chuyện thế nào khi người đối diện nằm trong danh sách mười chủ tàu có nguy cơ bị Ngân hàng kiện ra tòa.
Nhưng chợt trấn an lại, tôi không đến đây để thông báo hung tin cho ngư dân. Nhưng có phải quá tham vọng khi mong muốn số tiền nợ xấu hàng trăm tỷ đồng và vận mạng sinh kế có thể tìm được tiếng nói chung qua một vài nỗ lực bé nhỏ của tôi?
Nghị định 67/2014/NĐ-CP về “một số chính sách thủy sản” thực sự mở ra nhiều cơ hội cho hàng vạn ngư dân; Góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế biển và giữ vững chủ quyền lãnh thổ.
Nhưng ở Quảng Trị, những sai số của chính sách này ngày một hiện ra rõ rệt. Tàu công suất lớn được vận hành bởi hàng chục lao động lênh đênh trên biển hàng chục ngày trời, chi phí hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến mà kết quả thu lại không có dư để trả món nợ gốc, lãi mẹ đẻ lãi con trong Ngân hàng. Do ngư trường cạn kiệt, thế lực ngoại bang quấy phá…
Có thể bạn quan tâm
Lênh đênh phận “tàu 67” (Kỳ II): “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
11:30, 12/09/2019
Lênh đênh phận “tàu 67” (Kỳ I): Ngư dân có thể vướng lao lý
11:05, 07/09/2019
Quảng Trị: Chủ tàu dự án 67 có thể vướng vòng lao lý?
12:41, 29/08/2019
Về đâu khát vọng những "con tàu 67"? (Kỳ II): Gỡ vướng từ bảo dưỡng
11:04, 06/08/2019
Về đâu khát vọng những "con tàu 67"? (Kỳ I): “Chòng chành” những con tàu 67
15:30, 01/08/2019
Ba trong số mười chủ tàu đã nói với tôi bằng hơi thở bất lực, họ chấp nhận ra tòa vì lúc này không còn cách nào khác, họ muốn giải quyết sớm vì không muốn để lại món nợ quá lớn cho con cháu sau này.
Tôi bất giác rùng mình, vì những gì đã cam kết trong hợp đồng vay vốn - ngư dân/bị đơn ở Quảng Trị không một chút cơ may chiến thắng trước Ngân hàng vốn được tổ chức rất chặt chẽ về mặt pháp lý.
Nhưng chiến thắng của Ngân hàng trong trường hợp này liệu có ý nghĩa gì khi ngư dân - ngọn cờ sống nơi biên ải hiểm nguy bỗng chốc bị thu hồi phương tiện, mất sinh kế, thậm chí đi tù. Lúc ấy tính nhân văn của chính sách liệu có còn phát huy tác dụng?
Nhưng nếu không có cách gì thu hồi đống tiền khổng lồ đã giải ngân, hóa ra lại ép Ngân hàng vào thế khó. Liệu rằng họ có “giơ cao đánh khẽ” với ngư dân? Bởi lẽ, kinh doanh để mất vốn là nỗi kinh hoàng của không biết bao nhiêu doanh nghiệp có cổ phần nhà nước. Tội làm thất thoát công sản không hề nhẹ chút nào.
Kiện hay không kiện? Đó là bài toán rất khó đối với người vay vốn và bên cho vay để thực hiện dự án “tàu 67” tại Quảng Trị - nhưng không phải không có lời giải.
Những khó khăn phát sinh mang tính khách quan luôn cần có cái nhìn khách quan nhất, để giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý, kể cả phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình mới.