Thách thức lớn đối với Bí thư Đà Nẵng!

Sông Hàn 16/09/2019 02:35

Thách thức với Bí thư Đà Nẵng nói riêng và chính quyền TP nói chung trong vấn đề quản lý đất đai đó là “việc chung thì mấy ai nghĩ đến được của để dành” cho thế hệ mai sau.

Quỹ đất để dành của Đà Nẵng càng ngày càng ít.

Mới đây, trong buổi làm việc của TP Đà Nẵng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đã có những phát biểu nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận, đó là: “Đà Nẵng đang chủ trương dìm bằng được giá xuống, không để nổi phình phình chỉ nuôi mấy ông mua đi bán lại, người dân không được gì. Đà Nẵng còn quỹ đất bao nhiêu để dành lại, làm của để dành...”.

Phải nói rằng, thị trường bất động sản là thị trường hàng hóa khá đặc thù, chịu nhiều tác động từ các chính sách pháp luật, quy định của Nhà nước. Song, nó vẫn tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định của quy luật kinh tế thị trường. 

Giá trị thực chất của mỗi lô đất được đánh giá khi nó nằm ở khu vực, khu dân cư nào, đường sá, các tiện ích xung quanh. Không có chuyện đất sáng một giá chiều một giá trong khi không có gì thay đổi. Rõ ràng là cơn sốt ảo là do chủ yếu các sàn, dân môi giới hoặc những người có tiền đổ vào mua qua bán lại kiếm lời tạo nên.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao loạt ngân hàng tại Đà Nẵng “dính” nợ xấu?

    00:00, 31/08/2019

  • Vietnam ICT Index 2019: Đà Nẵng dẫn đầu, Hà Nội và TPHCM bất ngờ tụt hạng

    03:57, 25/08/2019

  • Xu hướng chia lô bán nền thu tiền tại Đà Nẵng không hợp lý

    16:15, 23/08/2019

  • The Sunrise Bay Đà Nẵng chậm tiến độ: Gần 2 năm chưa xong kết luận thanh tra

    05:00, 23/08/2019

Thực tế ở Đà Nẵng, hiện tại đi bất cứ đâu cũng gặp người môi giới bất động sản. Họ có đầu mối tiếp cận thông tin, nắm bắt và làm chủ thị trường. Trong khi người cần đất thực sự cực kỳ ít, lại hiểu biết đất đai mập mờ nên tạo ra sự mất cân bằng, dẫn đến nhiều rủi ro.

Đây là hiện tượng không lành mạnh của thị trường bất động sản không chỉ ở Đà Nẵng mà đang diễn ra tại nhiều nơi trong cả nước gây tác động tiêu cực, làm méo mó thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư nhẹ dạ. Về lâu dài, hoạt động đầu cơ tạo sốt đất ảo nếu không được kiểm soát sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. 

Thế nên, người dân rất đồng tình với việc Đà Nẵng ra chủ trương dìm bằng được giá đất xuống, như ông Bí thư nói “không để nổi phình phình chỉ nuôi mấy ông mua đi bán lại, người dân không được gì”. Nhưng, các vị lãnh đạo cấp cơ sở (cấp dưới) có dám nhìn thẳng sự thật để hành động hay không lại là chuyện khác.

Tín hiệu vui ở chỗ, một trong những việc làm rất quyết liệt của thành phố để chống đầu cơ, ổn định thị trường thời gian qua đó là chủ trương xóa số các kiot môi giới bất động sản trái phép; Truyền thông kịp thời những thông tin không chính xác, những văn bản giả mạo về quy hoạch để nhằm lũng đoạn thị trường, kích thích tăng giá ảo hay như việc giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị..v..v.

Tuy nhiên, có lẽ vấn đề căn cơ nhất là chính quyền nên công khai sớm, kịp thời các đồ án quy hoạch, định hướng quy hoạch cho mọi người dân được biết để từ đó hạn chế, chống lại đầu cơ do không minh bạch thông tin, lệch pha thông tin. Đồng thời, quản lý chặt vùng giải toả để tránh chạy sổ, xây nhà, tách thửa trái phép làm tăng tổng mức đầu tư, từ đó làm tăng giá bất động sản..v..v

Mặt khác, theo đánh giá của các nhà tư vấn bất động sản, hiện Đà Nẵng chỉ còn khoảng 14% diện tích để phát triển đô thị nhưng thực tế đó là các diện tích đất xây dựng tương đối khó do gần sông nước, hay ngập lụt.

Hoặc, tại một hội thảo về quy hoạch Đà Nẵng gần đây, nhiều chuyên gia cũng cho biết, quỹ đất của Đà Nẵng phần lớn đã có chủ. Cần phải đánh giá lại cách sử dụng đất của Đà Nẵng, bởi nếu thực hiện đúng theo quy hoạch hiện nay thì đến 2045 thành phố sẽ hết đất.

Tức là, xét kỹ ra, nguồn quỹ đất của Đà Nẵng không còn nhiều, nếu quản lý, quy hoạch không tốt sẽ dẫn đến cạn kiệt, quá tải hạ tầng, đô thị… ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề kinh tế - xã hội – dân sinh kiểu như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang “gồng mình” để phát triển bây giờ.

Có thể nói, TP Đà Nẵng trước tới giờ luôn được biết đến là địa phương có những cách làm độc đáo, được lòng dân. Có điều, thách thức với Bí thư Đà Nẵng nói riêng và chính quyền thành phố nói chung trong vấn đề quản lý đất đai là ở hệ tuy duy - Đó là “việc chung thì mấy ai nghĩ đến được của để dành” cho thế hệ mai sau.

Dẫu sao đi nữa, câu chuyện Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tuyên bố “còn quỹ đất bao nhiêu để dành lại, làm của để dành” không chỉ là chuyện lạ, mà còn rất đáng trân trọng.

Sông Hàn