Thu hồi tài sản tham nhũng nhìn từ các quốc gia
Việc thu hồi triệt để tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp dẫu là vấn đề khó với Việt Nam, nhưng đây là sự chờ đợi của người dân trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN).
Mới đây, Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả PCTN năm 2019, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã nhấn mạnh giải pháp tăng cường các biện pháp dẫn độ, truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn và thu hồi triệt để tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài trong thời gian tới.
Khó thu hồi tài sản tham nhũng
Thật ra, chủ trương thu hồi triệt để tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài đã được Đảng, Nhà nước quán triệt từ lâu: Chống tham nhũng phải chống đến cùng, không có vùng cấm, không nể nang, né tránh; bắt được kẻ tham nhũng và bỏ tù thôi chưa đủ, quan trọng là phải thu hồi được tài sản tham nhũng.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cũng cho hay, trong năm 2019, công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Tuy nhiên, điểm một loạt vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, khởi tố, điều tra, điển hình như: Vụ án Nguyễn Thành Tài; vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm); Vụ án Mai Văn Tinh… cho thấy rằng khi một ai đó tham nhũng thì họ đã tẩu tán tài sản như chuyển cho người này người nọ trong gia đình. Còn tài sản của người tham nhũng thì rất ít. Việc này không phải là tình trạng mới có mà diễn ra từ lâu. Đây là hành vi tẩu tán tài sản lấy tiền nhà nước, rất nguy hiểm
Thực tế, việc khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng là rất ít. Chẳng hạn như: vụ MobiFone mua cổ phần AVG. Việc thu hồi tài sản trong vụ việc này đã từng bước được thực hiện. Tuy nhận hối lộ lên tới 3 triệu USD nhưng mới chỉ nộp lại có 500 triệu đồng và không biết đến bao giờ mới thu hồi được số tài sản này.
Hoặc, trước đó, đã có nhiều vụ án tham nhũng khác, tài sản tham nhũng thì rất lớn nhưng không dễ dàng thu hồi nếu như không muốn nói là dường như không thực hiện được. Ví như hai bị cáo Phan Thanh Bình, Trần Văn Liêm trong vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại tập đoàn Vinasin, phải bồi thường thiệt hại cho Vinasin gần 1000 tỷ đồng, tuy nhiên theo báo cáo của cơ quan chức năng đến thời điểm tháng 7.2017, Phạm Thanh Bình vẫn chưa nộp một đồng nào tiền bồi thường, tính từ lúc có bản án hình sự phúc thẩm (năm 2012) đến tháng 7.2017 đã hơn 5 năm.
Rồi, vụ Huỳnh Thị Huyền Như số tiền thu hồi chưa được 10% so với hàng chục tỷ đồng đã thất thoát phải thi hành án…v..v.
Có thể bạn quan tâm
Phòng chống tham nhũng: Không dừng, không nghỉ, không chùng xuống
18:07, 12/09/2019
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Tội phạm tham nhũng rất phức tạp và tinh vi
11:17, 12/09/2019
Chống tham nhũng không phải là cuộc thanh trừng nội bộ
05:00, 06/09/2019
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng
17:33, 12/07/2019
10 giải pháp ngăn chặn “tham nhũng vặt”
00:01, 28/06/2019
Cần linh hoạt trong thu hồi tài sản tham nhũng
Có thể nói, thu hồi tài sản tham ô tham nhũng được ví là thước đo hiệu quả của PCTN, là vấn đề trọng tâm trong đấu tranh chống tội phạm, là chính sách hình sự quan trọng được thể hiện rõ trong Bộ luật hình sự, là quan điểm thống nhất trong luật PCTN.
Thậm chí, nó còn được cụ thể hóa bằng các biện pháp như: Kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, quy trách nhiệm của người đứng đầu khi để xẩy ra tham nhũng, yêu cầu các cấp, đoàn thể và người dân tham gia giám sát tài sản của cán bộ, đảng viên. Các biện pháp này được đưa ra và nhắc nhiều lần trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, trong các văn bản quy phạm pháp luật, trên nghị trường Quốc hội.
Theo đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng vẫn chỉ là yêu cầu, vẫn chỉ là tin tưởng vào sự tự giác, trung thực của mỗi người, vẫn đang loay hoay với việc xử lý như thế nào, có đánh thuế cao đối với tài sản bất minh, tài sản không rõ nguồn gốc của người kê khai tài sản hay không.
Vậy, vì sao đến giờ “nó” vẫn là vấn đề khiến các cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải đau đầu khi xây dựng thực hiện? Phải chăng điểm nghẽn nằm ở công tác quản lý kinh tế, quản lý giám sát những người ở vị trí dễ có khả năng vi phạm? Phải chăng còn thiếu chế tài để nhận diện tham nhũng, tài sản tham nhũng?
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) từng phát biểu: “Thực tế hiện nay, hầu hết các tài sản tham nhũng được cất giấu, gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố mẹ, anh chị em, con cháu ruột thịt đứng tên, đến khi về hưu được gom lại, hợp thức hoá”.
Thực tình, về lý rất khó bởi ví dụ như có ông chú, bà bác nào đó làm quan lại bắt mình phải kê khai tài sản thì quả cũng khó chấp nhận. Mà người Việt ta vốn nặng tình họ hàng, máu mủ nên việc đứng tên nhận hộ nhau một vài chục tỉ đồng hay hai ba cái vila biệt thự chả khó khăn gì.
Rõ ràng, chúng ta đang thiếu vắng những chế tài cụ thể, thiếu vắng quy định, cơ chế quản lý kinh tế, quản lý con người ở những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, cộng với thu nhập tài sản của người có chức quyền chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có cơ chế giám sát hiệu quả..v..v.
Nói ra những điều đó có thể chúng ta ai cũng buồn, thậm chí là xót xa cho tài sản công. Nhưng phải khách quan mà nhìn nhận rằng nhiều quốc gia có mô hình PCTN hiệu quả cũng không hy vọng thu hồi 100% tài sản tham nhũng. Vì vậy trách nhiệm giải trình và chế tài áp dụng khi không giải trình được các nước đặt ra để sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản.
Việt Nam học gì từ các quốc gia khác?
Có điều, Việt Nam có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng từ nhiều quốc gia.
Chúng ta từng biết về Trung Quốc ra quy định nêu trên là đặt mục tiêu bằng mọi giá người có hành vi tham nhũng phải trả lại tất cả những gì mà họ đã chiếm đoạt. Việc thu hồi rất triệt để, thu cả đồng hồ, bút đắt tiền, thu theo giá trị thực tế của tài sản.
Hay, Singapore còn có luật riêng về thu hồi tài sản tham nhũng với căn cứ, điều kiện, trình tự, thẩm quyền rõ ràng.
Tương tự, Malaysia dưới thời Thủ tướng Mahathir đã nỗ lực chống tham nhũng và về cơ bản, ông Mahathir đã loại được tham nhũng trong bộ máy chính quyền.
Đối với Hà Lan, đất nước này nằm trong nhóm những quốc gia có mức độ tham nhũng thấp nhất thế giới là do nước này đã xây dựng và thực hiện hiệu quả hệ thống các biện pháp cảnh báo và phòng chống tham nhũng khá hoàn chỉnh.
Hà Lan đã tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý những lĩnh vực có thể phát sinh hành vi tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những công chức làm việc trong các lĩnh vực đó; đồng thời tổ chức các cuộc tuyển chọn chặt chẽ và nghiêm khắc công chức vào những chức vụ có điều kiện dẫn đến hành vi tham nhũng.
Tại Đức, để phòng ngừa và hạn chế hành vi tham nhũng, Chính phủ nước này quy định rất rõ ràng rằng công chức nhà nước hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành động và hành vi của họ khi thực hiện các chức trách công vụ.
Theo quy định, một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong chống tham nhũng là giữ gìn bí mật công vụ. Công chức khi hết thời hạn công tác trong cơ quan nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn những thông tin và số liệu mà họ được biết trong quá trình công tác.
Công chức nhà nước không được phép hoạt động kinh doanh tư nhân hoặc hoạt động kinh doanh thông qua những người được ủy quyền, cũng như người thân trong gia đình. Những quy định này được chính phủ ban hành kèm theo các nghị định có giá trị pháp lý.
Chính vì vậy, Việt Nam cần phải linh hoạt áp dụng mọi biện pháp trong công tác PCTN, không ngần ngại học hỏi kinh nghiệm các nước miễn sao nó phù hợp với thực tiễn nước nhà.
Cùng với đó là việc đẩy mạnh ký kết các hiệp ước dẫn độ tội phạm với các nước để hạn chế tội phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài.
Nếu chúng ta không kiên quyết gạt bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm để xây dựng những chế tài, giải pháp đủ mạnh để triệt để thu hồi tài sản thì tham nhũng sẽ không thiếu thủ đoạn, không thiếu những cái dễ ngấm ngầm bám chặt hủy hoại ngân khố quốc gia.