Ô nhiễm không khí: Thay vì hoài nghi AirVisual, cần bắt tay vào hành động
Ngồi nghi ngờ AirVisual và tìm cách đầu tư một hệ thống đo lường ‘tốt hơn’ nghe có xa vời không?
Hôm qua lại thêm một ngày bầu trời Sài Gòn mịt mù. Rất may trời có nắng, con nắng cố chen chân quyết liệt xuyên qua lớp không khí dày u ám đang phủ đặc Sài Gòn. Hà Nội đã không được may mắn như vậy.
Tiết trời cuối thu vốn trong xanh đầy lãng mạn giờ đây mang một sắc màu nhờ nhờ bệnh bạo. Lúc 10h sáng hôm qua, chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội trên trang AirVisual là 186, cao thứ 2 thế giới, và Sài Gòn cũng là 164, ‘trụ’ ở vị trí thứ 4 thế giới. Cả hai chỉ số đều ở mức đỏ đậm - là mức rất có hại cho sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm
Không khí TP. HCM ô nhiễm nặng vì "mù quang hóa"
18:45, 09/10/2019
Nhìn lại sự việc "AirVisual và Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới"
21:34, 08/10/2019
Cần một “chương trình quốc gia” về xóa bỏ ô nhiễm không khí
05:19, 04/10/2019
Thứ trưởng Bộ TN&MT: "Không khí ô nhiễm phụ thuộc nơi lắp thiết bị đo”
19:10, 02/10/2019
Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội giải trình tình trạng ô nhiễm ở ngưỡng đỉnh
16:01, 02/10/2019
Ô nhiễm không khí và trách nhiệm bị... lãng quên!
05:35, 02/10/2019
Lần đầu tiên Hà Nội công bố cụ thể 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
05:05, 02/10/2019
Ô nhiễm không khí - “Kẻ giết người” thầm lặng!
00:05, 02/10/2019
Màu bầu trời và màu chỉ số ô nhiễm khiến người ta không khỏi lo âu. Nhưng thực ra, không cần phải quan sát bầu trời hay xem chỉ số ô nhiễm, tự cơ thể con người cũng ‘phản ứng tức thời’ trước những tác động xấu của ô nhiễm không khí. Số người mắc bệnh đường hô hấp tăng lên. Ai cũng thấy khó thở hơn thường ngày, nhiều người cay mắt và đau họng.
Nhưng đâu đó râm ran người ta vẫn còn ngồi bàn về tính chính xác của AirVisual, bàn về việc AirVisual có đáng tin cậy không, có ‘đối xử công bằng’ với Việt Nam không. Một số luận bàn về việc Việt Nam phải xây dựng được một hệ thống quan trắc đầy đủ và đáng tin cậy để người dân không phải dựa trên các chỉ số của một tổ chức nước ngoài cung cấp.
Ừ thì việc xây dựng một hệ thống đo chuẩn mực của Việt Nam cũng là việc nên làm nếu có thể. Nhưng, công việc ít khả thi ấy không phải là việc cấp bách trong lúc này.
Trong lúc này, cái cấp thiết nhất phải là giải pháp và hành động để môi trường bớt ô nhiễm, trước tiên là giải pháp ngắn hạn, sau là giải pháp dài hạn – chứ không phải tìm cách xây dựng lại thước đo ‘theo chuẩn của mình’ hay kiểm định lại tính xác thực của AirVisual và của các ứng dụng đo lường không khí hiện hữu khác.
Ngồi phán xét và đặt những nghi vấn quanh tính chính xác của AirVisual quả là cách ứng xử kì lạ. Chẳng thành phố nào hay quốc gia nào bị ‘điểm danh’ trong nhóm ô nhiễm nhất hành xử như vậy. Cả những quốc gia giàu tiềm lực tài chính như Trung Quốc, Singapore… người ta cũng không phản đối hay đặt vấn đề nghi ngờ AirVisual rồi tìm phương tiện thay thế.
Nếu họ cũng xây dựng thêm công cụ đo lường, thì đó là hành động về lâu dài nhằm hoàn thiện hệ thống quan trắc, nhưng phản ứng tức thời của các nước đều phải là tập trung tìm giải pháp để có lại bầu trời trong xanh.
Đặt vấn đề nghi ngờ AirVisual làm gì khi mắt thấy, mũi thở và da thịt cảm nhận rõ được ô nhiễm? Khi người dân, thương nhân khắp thế giới cũng đang lấy các chỉ số này làm tiêu chuẩn?
Khi người ta sẽ đến du lịch, đầu tư, làm ăn ở một quốc gia có môi trường không khí tốt theo tiêu chuẩn đa số quốc tế đang sử dụng, chứ không phải tặc lưỡi chấp nhận số liệu từ hệ thống quan trắc do quốc gia đó tự dựng nên.
Huống chi với một quốc gia còn thiếu tiềm lực tài chính như chúng ta, nơi nguồn kinh phí cho bảo vệ môi trường còn ít ỏi, công nghệ còn lạc hậu. Ngồi nghi ngờ AirVisual và tìm cách đầu tư một hệ thống đo lường ‘tốt hơn’ nghe có xa vời không? Có đủ lực để làm không? Thậm chí làm xong rồi, người ta cũng có tin không?
Một vài người, thèm khát sự nổi tiếng kêu gọi tẩy chay, báo cáo xấu ứng dụng AirVisual, đó là vài cá nhân thiếu tri thức và thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
Nhưng nếu chính quyền và những người chịu trách nhiệm cho môi trường cũng ngồi bảo nhau không khẳng định được chỉ số của trang web đó có đáng tin hay không và chờ đợi xây dựng được hệ thống của Việt Nam rồi mới kết luận, mới hành động thì sẽ rất đáng ngại.
Xắn tay hành động ngay lập tức, có chiến lược tổng thể, đồng bộ như Bắc Kinh, Singapore… còn mất nhiều chục năm mới có kết quả khả dĩ chút và họ vẫn đang thực hiện kế hoạch dài hơi hàng chục năm nữa.
Vậy nếu Việt Nam ta cứ ngồi khắc khoải hoài nghi, chần chờ đợi xác minh và hoàn thiện dữ liệu, bầu không khí ô nhiễm nước nhà liệu sẽ ‘ở lại’ đến mấy trăm năm?