[Ký sự miền biển] Kỳ II: Im ắng trước “trận đánh” lớn

Trương Khắc Trà 25/10/2019 05:00

Từ nông nghiệp, chuyển mình sang công nghiệp không khác gì "cuộc cách mạng", thành công không ít, thất bại cũng nhiều.

Trước những thay đổi lớn, thường có bước đệm chuẩn bị, sự lặng im của làng biển Mỹ Thủy (Hải An, Hải Lăng, Quảng Trị) có lẽ vì lý do đó.

Đại dự án “đổ bộ”

Trong ngôi làng bé nhỏ này dường như chia ra hai khu vực, mạn giáp biển vẫn là những hoạt động ngư nghiệp nhưng đã thưa dần, mạn phía Tây tấp nập hơn nhờ các đại công trường xây dựng hạ tầng phục vụ cho một bản quy hoạch kinh tế - kỹ thuật hoành tráng.

Là Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, quy hoạch đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 11/10/2016.

Đây là dự án đồ sộ có tầm ảnh hưởng đến 17 xã, thị trấn, thuộc 3 huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh tọa lạc trên tổng diện tích 23.792 ha, trong đó xã Hải An là một trong những trung tâm của dự án.

Có mặt trên tuyến đường trục dọc khu kinh tế Đông Nam những ngày này là nhiều tốp công nhân, máy xúc, máy ủi hối hả hoàn thiện nốt phần việc còn lại. Một công trình mới toanh, vắt qua vùng cát trắng cằn cỗi, mang đến thật nhiều hứa hẹn!

Tuyến đường trục dọc khang trang sắp hoàn thành (Ảnh: Khắc Trà)

Tuyến đường trục dọc khang trang sắp hoàn thành (Ảnh: Khắc Trà)

Cảng nước sâu Quốc tế Mỹ Thủy tuy vẫn nằm trên…ngiấy nhưng thật sự choáng ngợp với quy mô của nó, số vốn xấp xỉ 16 ngàn tỷ đồng, diện tích 134 ha, 85 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu sẽ di dời đến nơi ở mới.

Lão ngư Phan Thanh Phúng nói với vẻ hồ hởi rằng: “Chúng tôi sẵn sàng di dời để chấp hành chủ trương của nhà nước”, song cũng không khỏi cảm giác chênh vênh “lên đó rồi không biết có còn được làm nghề biển, có thuận lợi làm ăn như bao đời nay trên mảnh đất cha ông hay không?”.

Có thể bạn quan tâm

  • [Ký sự miền biển] Kỳ I: Tự tình nơi vùng biển bãi ngang

    [Ký sự miền biển] Kỳ I: Tự tình nơi vùng biển bãi ngang

    06:00, 24/10/2019

Cách dự án cảng nước sâu Mỹ thủy hơn 20 cây số theo hướng Bắc là cảng Cửa Việt (thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị) quy mô cảng này không lớn, nếu không muốn nói là quá nhỏ.

Nhưng quang cảnh ở đây có vẻ đìu hiu, hàng ít, chủ yếu là vận chuyển dăm gỗ xuất khẩu, đá thạch cao, nhiều phu khuân vác bám cảng xưa nay giờ thất sủng, hết việc đi kiếm sinh kế mới.

Cũng tại con cảng này tỉnh Quảng Trị đã quy hoạch mở rộng nhưng “treo” hơn 15 năm nay, 68 hộ gia đình điêu đứng vì không được xây nhà, không được cơi nới nơi ăn chốn ở, kể cả con đường huyết mạch nội khu cũng chẳng ai dám động vào để mở mang sửa chữa dù đã xuống cấp trầm trọng.

Nhìn vào đây, lại lo cho Mỹ Thủy, cảng nước sâu nhóm 3, tầm cỡ quốc tế, nhưng hàng đâu để vận chuyển trong khi dải đất hẹp nhất Miền Trung tìm đỏ mắt không ra doanh nghiệp lớn, chưa kể cách đó không xa về hướng Nam là cảng Chân Mây (Huế) và Tiên Sa (Đà Nẵng) được ví như “ngôi sao cô đơn” vì thiếu kết nối vùng.

Càng lo hơn vì đã “phát tín hiệu” di dời cách đây nhiều năm, đương nhiên người dân bị cấm không được xây nhà, chia tách đất ở, mà đến nay vẫn bặt vô âm tính. Lòng dân rạo rực, thấp thỏm đợi chờ mông lung.

Khoảnh đất lớn dự định đặt Nhà máy Nhiệt điện (Ảnh: Khắc Trà)

Khoảnh đất lớn dự định đặt Nhà máy Nhiệt điện (Ảnh: Khắc Trà)

Rồi khu Trung tâm nhiệt điện 650 ha đã có mặt bằng, nhưng chỉ cách mép nước biển vài ngàn mét. Không biết người ta tính sử dụng công nghệ gì, nguyên liệu gì để vận hành nhà máy. Trong khi đó bài học Vĩnh Tân (Bình Thuận) là nhãn tiền.

Lao động trẻ “ly hương”

Mang một mẫu số chung với nhiều vùng nông thôn Miền Trung, xã Hải An là một trong những địa phương bắt đầu có hiện tượng xuất khẩu lao động. Theo số liệu từ UBND xã này từ 2018 đến nay có 44 lao động trẻ “xuất ngoại”.

Tổng số người trong độ tuổi lao động của xã tính đến năm 2019 là 2.092 người, ngoại trừ số ra nước ngoài lao động, có hơn phần nửa tha hương về các tỉnh phía Nam.

Ông Lê Bá Phước - Chủ tịch UBND xã Hải An (Ảnh: Khắc Trà)

Ông Lê Bá Phước -
Chủ tịch UBND
xã Hải An
(Ảnh: Khắc Trà)

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Bá Phước - Chủ tịch UBND xã Hải An không khỏi lo lắng: “Xu hướng xuất khẩu lao động có chiều hướng gia tăng, tuy mang lại nguồn thu nhập trước mắt nhưng về dài chưa biết tạo dựng sinh kế ổn định như thế nào”.

Ông Phước nói thêm: “…vẫn không gì tốt hơn là có công ăn việc làm ngay tại quê hương mình, các bạn trẻ phải học nghề “đi tắt đón đầu” để nắm bắt cơ hội sau khi các nhà máy trên địa bàn đi vào hoạt động”.

Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là ý tưởng, chính quyền địa phương chưa có hành động nào cụ thể để chuẩn bị sẵn đội ngũ lao động cho tương lai gần.

Từ nông nghiệp, chuyển mình sang công nghiệp không khác gì “cơn đau đẻ” kéo dài, thành công không ít, thất bại cũng nhiều. Nhưng nếu công nghiệp không mang lại ích lợi vững bền cho người bản địa thì nguy cơ hứng chịu “tàn dư” của nó là không hề nhỏ.

Không riêng gì Quảng Trị mà khắp các địa phương trong cả nước, quy hoạch, thu hồi đất đai thường đi kèm với khiếu kiện dai dẳng do mâu thuẫn lợi ích, động chạm đến các giá trị văn hóa truyền thống.

Kể cả khi nhà máy, kho tàng, bến bãi đã mọc lên thì chính quyền vẫn nhức đầu vì bài toán tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường. Thiết nghĩ phải tính kỹ trước khi “ván đã đóng thuyền”.

Còn tiếp…

Trương Khắc Trà