Chuyện nhân tài nhìn từ các cuộc thi quốc tế

Sông Hàn 29/10/2019 15:29

Câu chuyện phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những học sinh Việt Nam đạt giải cao trong các kỳ thi Quốc tế đang là một vấn đề đáng quan tâm.

ĐOÀN HỌC SINH VIỆT NAM GIÀNH 4 HUY CHƯƠNG VÀNG TẠI KỲ THI KHOA HỌC QUỐC TẾ ISC-2019

Đoàn học sinh Việt Nam giành 4 Huy chương Vàng tại kỳ thi Khoa học Quốc tế ISC-2019

“Vườn ươm” từ các kỳ thi Quốc tế

Mới đây, Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đoàn học sinh quận Hoàn Kiếm là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Kỳ thi Khoa học Quốc tế ISC (International Science Competition) năm 2019 do Tổ chức Giáo dục Klinik Pendidikan Mipa chủ trì, diễn ra tại Bogor, Indonesia đã giành nhiều giải cao với 4 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc, 14 Huy chương Đồng và 11 Giải Khuyến khích.

Huy chương Vàng thuộc về các học sinh: Kiểu Hoàng Yến, Nguyễn Thu Nhật Anh, Hà Quốc Anh (THCS Ngô Sĩ Liên), Đoàn Phúc Đăng Nguyên (THCS Trưng Vương). Đặc biệt, ở lứa tuổi Upper Primary, 4 học sinh Trường THCS Trưng Vương gồm các em Phạm Hoàng Trí Dũng, Ngô Xuân Nam, Phạm Minh Tuấn, Hoàng Anh Thư đã giành Cúp Vàng cho đội thi có phần thể hiện bài trình diễn robot xuất sắc và đạt kết quả cao nhất.

Trước đó, cũng đã có rất nhiều em học sinh đạt giải cao từ các kỳ thi tương tự như thế này ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học tự nhiên.  Rõ ràng nhiều học sinh Việt Nam thuộc dạng triển vọng tài năng hầu hết được hưởng thụ các chương trình giáo dục công lập và tiên tiến, đặc biệt là các em học sinh trường chuyên, lớp chọn, những em đạt các huy chương từ các cuộc thi Olympic quốc tế.

Khách quan mà nhìn nhận các em có năng khiếu là bẩm sinh, nhưng nhân tài, những người tài đức không phải tự nhiên sinh ra là có, mà phải do được phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện mà nên. Trong đó, sự xuất hiện nhân tài của một quốc gia gắn liền với nền giáo dục quốc gia đó. Từ việc coi giáo dục và đào tạo không chỉ là là nơi đào tạo nhân tài mà còn là nơi phát hiện nhân tài cho đất nước.

Một vấn đề được đặt ra ở đây là cá nhân người viết đồng ý với quan điểm của một vị Đại biểu đó là gọi các em đạt giải cao trong các cuộc thi Quốc tế là nhân tài quốc gia, một là hơi sớm, hai là hơi quá. Vì những cuộc thi này chỉ được cho là có bước đệm tốt để phát triển thành nhân tài. Quá trình tu dưỡng, rèn luyện, học tập sau những kỳ thi này ở đâu mới là quan trọng. 

Có thể bạn quan tâm

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Gỡ “rào cản” để thu hút nhân tài

    05:00, 29/10/2019

  • Chuyện người tài, sử dụng nhân tài xưa và nay

    05:00, 28/10/2019

  • Giữ chân nhân tài không chỉ bằng tiền, mà đó là nghệ thuật!

    04:23, 30/08/2019

  • Bài toán giữ chân “nhân tài” trong thời đại 4.0 của doanh nghiệp

    04:05, 22/08/2019

  • Giữ người tài ở start-up làm sao cho đúng?

    06:53, 10/09/2019

  • Giữ người tài cho doanh nghiệp

    00:12, 22/08/2019

Cần tạo ra cơ chế để nhân tài phát triển

Thời đại nào cũng vậy, nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Thời kỳ đầu, nhà Lý đã xây dựng Văn Miếu-Quốc Tử Giám với việc chú trọng đào tạo nhân tài cho đất nước. Đến thời kỳ nhà Lê, ngoài việc đào tạo thì cha ông ta chú trọng đến rèn luyện đạo đức cho con người. Với quan điểm, người có tâm, có đức mà làm lãnh đạo thì đất nước mới thịnh trị. Đến thời nhà Nguyễn nhấn mạnh đến việc, người có tài, có đức phải được trọng dụng. Còn những người bất tài vô học mà tham gia vào bộ máy cai trị thì đất nước sẽ rối loạn.

Ngay từ những ngày đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ Tịch đã khẳng định “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài” và Người đã ký ban hành sắc lệnh tìm người tài đức để sử dụng vào sự nghiệp kiến quốc. 

Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự hội nhập và cạnh tranh kinh tế đang diễn ra nhanh và quyết liệt trên quy mô toàn cầu. Kinh nghiệm cho thấy chìa khóa của sự tăng trưởng vượt bậc của các nước châu Á trong những thập kỷ gần đây như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chính là bởi các nước này đã thành công trong việc phát hiện, đào tạo và sử dụng nhân tài. Nếu không có nguồn lực trí tuệ để tạo ra những bước phát triển đột phá, các nước kém phát triển sẽ ngày càng tụt hậu và chịu sự lệ thuộc vào các nước phát triển.

Để tạo môi trường thu hút và đồng thời giữ chân được nhân tài thì Việt Nam cần có cơ chế khác biệt hơn về quản trị, về lương và một số các cơ chế khác. Trong đó, quản trị được xem là yếu tố quyết định. Cụ thể, để quản lý nhân tài thì phải có những nhà quản lý tài năng, ngược lại thì không thể thu hút và giữ chân ai được. Bởi nhân tài cũng cần mưu sinh và mưu cầu cuộc sống tươi đẹp.

Nói cách khác, nhân tài không phải là người đó làm cái gì, đặt ở chỗ nào cũng được mà nhân tài là có ở từng lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, chúng ta phải biết sử dụng nhân tài phù hợp với từng lĩnh vực, khả năng của họ. Ví dụ như nhân tài trong ngành Y thì chúng ta thường nhắc đến bác sĩ Đặng Văn Ngữ, giáo sư Tôn Thất Tùng. Thế nhưng khi đặt những người này vào làm việc ở lĩnh vực khác thì có khi lại không phát huy được khả năng phát triển và sự cống hiến của họ.

Chúng ta hay có câu là “trải thảm đỏ để mời nhân tài” nhưng đến nay vẫn chưa ai biết thảm đỏ như thế nào? Chuyện này là thực tế vì đã từng có một vị Bộ trưởng từng nói rằng “Nhà nước Việt Nam sẵn sàng bỏ ra hơn 100.000 USD để cho một người Việt Nam ra nước ngoài học tiến sĩ. Đến khi họ về không dám bỏ ra 50.000 USD để sử dụng họ có hiệu quả trong vòng 5 năm. Đấy chỉ tính đơn giản với mức lương là 1.000 USD/tháng nhưng vẫn chưa làm được điều đó. Thực ra họ đã có ý tưởng, đề xuất nhưng vẫn chưa thực hiện được. Lãng phí nằm ở chỗ đó”.

Điều này cũng có nghĩa, nhiều nơi bên dưới thảm đỏ lại có đầy đinh và các thủ tục hành chính không cần thiết cũng chính là những “cây đinh” khiến người tài lo sợ. Đây là lý do tại sao trí thức phần đông khi du học không về nước, hoặc vào làm cho doanh nghiệp, kế đến là trường Đại học, và gần như không ai vào cơ quan Nhà nước.

Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận tri thức cần được coi là tài nguyên lớn nhất, quan trọng nhất, không có bất kì tài nguyên nào có thể so sánh được trong thời đại ngày nay. Khi ta nhận thức được rằng tài nguyên thiên nhiên dù phong phú đến đâu cũng không phải là vô hạn, trong khi đó nguồn lực về nhân tài lại là nguồn lực không giới hạn.

Và những kỳ thi lớn trong nước lẫn kỳ thi Quốc tế chính là một trong những “vườn ươm” cho những nhân tài cho đất nước. Quan trọng nhất là chúng ta phải có cơ chế hợp lý để phát hiện, đào tạo và tạo môi trường làm việc tốt để những tài năng “vươn mầm” phát triển, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của nước nhà.

Sông Hàn