[Ký sự miền biển] Kỳ III: Đại công trường và những lãnh đạo… kiệm lời!
Bắt đầu chuyển mình - công nghiệp hóa, nên miền biển bãi ngang giờ có những điều nằm mơ cũng không thấy...
Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục tìm hiểu “những điều chưa từng thấy” đang diễn ra ở miền biển bãi ngang thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Những điều chưa từng thấy
Cứ đi dọc con đường nhựa bé xíu nham nhở, hết xã Hải An là đến xã Hải Khê - vùng đất giáp ranh với tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nếu không để ý kỹ, không ai biết đây từng là một làng biển sầm uất vào loại bậc nhất tỉnh Quảng Trị.
Đúng với những gì mà nhiều bộ phim miền Bắc khắc họa nét thay đổi ở làng quê khi nền móng công nghiệp lan tới. Chòi quán liêu xiêu hai bên đường, thấp thoáng từng tốp công nhân với máy xúc, máy ủi ngùng ngoằng làm lộ ra một vùng trắng xóa ẩn náu hàng trăm năm dưới các loại cây lá kim kiên cường.
Đến thăm một khu tái định cư phải xuyên qua con đường đất bết bát dưới cơn mưa đầu mùa. Cách bờ biển vài km về hướng đối diện - trong tương lai vùng đất mênh mông bát ngát này sẽ là bến đỗ mới của hàng trăm hộ gia đình.
Họ phải di dời lên đây để nhường dải đất “đắc địa” ven biển cho Nhà máy Nhiệt điện có vốn đầu tư 2,5 tỷ USD do Công ty Điện lực Quốc Tế Thái Lan Egati làm chủ đầu tư. Cùng với đó, cảng biển Quốc tế nước sâu sẽ khoét một khoảng lớn vào đất liền cả ngàn mét.
Để giao mặt bằng cho nhà đầu tư, địa phương phải giải tỏa gần hết 1 trong 2 thôn của xã để lấy phần đất gần 200 ha. Thời điểm khởi công dự kiến trong năm nay, nhưng đến nay dân chúng vẫn chưa biết được cơ ngơi hiện tại được đền bù bao nhiêu tiền!
Đáng nói, theo mô tả trên trang hailang.quangtri.gov.vn, thông tin về dự án Nhà máy nhiệt điện này có một hạng mục đó là bãi xỉ 1 có diện tích 40,6ha, đường vào bãi này là 3,2 ha. Phải chăng đây là một nhà máy Nhiệt điện chạy bằng than, tọa lạc sát mép nước biển và cách khu tái định cư không xa?
Có thể bạn quan tâm
[Ký sự miền biển] Kỳ I: Tự tình nơi vùng biển bãi ngang
06:00, 24/10/2019
[Ký sự miền biển] Kỳ II: Im ắng trước “trận đánh” lớn
05:00, 25/10/2019
Từ một nguồn tin riêng còn cho hay, đền bù được tính bằng “giá thị trường”, còn khu tái định cư không cấp đất miễn phí, mà dân phải mua lại theo “giá nhà nước”.
Trong khu tái định cư này, những con đường đan thành ô bàn cờ vẫn còn dở dang, hàng cột điện thẳng tắp, hệ thống thoát nước, nhà máy nước sắp mọc lên - tất cả đều mang dáng dấp của “đô thị hóa”.
Điều mà có nằm mơ người dân miền biển này cũng không thấy và không ai nghĩ đến một ngày nào đó tất cả phải bỏ lại ngôi nhà, mảnh vườn, giếng nước quá đỗi thân thuộc… để dọn chỗ cho tương lai mới.
Để có được kết quả này, chính quyền địa phương đã trải qua nhiều năm ròng rã làm công tác tư tưởng cho dân chúng, đến nay hầu hết đã đồng thuận với chủ trương của Nhà nước. Song, vẫn còn đôi điều lấn cấn.
Nói như anh Lê Công Thành, Trưởng thôn Thâm Khê (xã Hải Khê): “Tái định cư phải sống cách biển vài km, lại là biển bãi ngang không có chỗ neo đậu thuyền bè, cất giữ ngư cụ, sợ rằng bà con không kịp trở tay khi trái gió trở trời. Con đường xuống biển lại bị ngăn cách với khu nuôi tôm công nghiệp, không biết có làm biển được không…”.
“Giá như tái định cư xong rồi, có nhà máy, người dân có việc làm mới, ổn định thì tốt biết mấy…”, anh Thành bày tỏ mong muốn.
Vị Trưởng thôn còn kể một câu chuyện như ngụ ý: Cách đây khá lâu, ngay trên khu tái định cư bây giờ, một doanh nghiệp có ý định khai thác quặng titan. Nhưng dân làng quyết liệt phản đối. Sự việc trầm trọng khi xảy ra bạo lực giữa dân và chính quyền.
Cuối cùng, chiến thắng thuộc về người dân, vùng cát mênh mông được bảo vệ nhưng một vài người phải vướng vòng lao lý, tù tội. Thời gian cũng phôi phai mọi thứ nhưng nó càng chứng minh chân lý “nghe” dân mới là “bản tham luận” tốt nhất.
Hãy đặt lại vấn đề. Nếu khai thác titan, khoét lòng đất, hút nước ngầm, tạo núi cát thì bây giờ liệu có dễ dàng san ủi làm khu tái định cư? Nhìn bài học titan tàn phá môi sinh ở Bình Định, Bình Thuận và phía Bắc Quảng Trị thì mới thấy sợ!
Mặc dù đại dự án chưa ra hình hài cụ thể, nhưng dấu hiệu của cơn "sốt" bất động sản đã bắt đầu manh nha trên Internet. Đây là hiện tượng không mới và thường "ăn" theo công nghiệp hóa. Nhưng không thể không cẩn trọng vì hệ quả sâu nặng của nó đối với kinh tế, xã hội và an ninh trật tự
Nhưng lãnh đạo… kiệm lời khó hiểu!
Như thường lệ, mọi bài phóng sự chúng tôi phải tìm đến chính quyền cơ sở để tìm số liệu, tiến độ thực hiện và biết thêm về tình hình tâm tư, nguyện vọng của dân chúng đang đứng trước cuộc đổi thay lớn.
Gần 10h sáng ngày 30/10, có mặt tại UBND xã Hải Khê, một lúc lòng vòng liên hệ, được biết vị Chủ tịch bận họp. Tôi đánh một cuộc điện thoại, vị này tiếp tục hẹn đến hôm sau. Nhưng phóng viên chỉ cần phỏng vấn vài phút, nên ông này nói “lát nữa gọi lại”. Tuy nhiên cuộc gọi sau đó chỉ có “tút, tút…” mà không ai trả lời!
Đành phải tìm đến nhà bà Bí thư Chi bộ thôn Trung An (xã Hải Khê) - Nguyễn Thị Huệ, bà cũng không dám… trả lời phỏng vấn vì chưa được Bí thư Đảng ủy xã cho phép phát ngôn. Rất nguyên tắc, bà gọi điện thoại “xin ý kiến” cấp trên.
Nhưng ngài Bí thư tắt máy cái rụp khi nghe nói có phóng viên liên hệ xin một vài thông tin về tình hình các dự án trên địa bàn. “Muối mặt” gọi lại cũng chẳng thấy trả lời! Vì sao lãnh đạo xã này lại “kiệm lời” một cách khó hiểu với truyền thông?
Mà mới cách đây mấy tháng, ông Chủ tịch xã này còn được dẫn lời trên trang hailang.quangtri.gov.vn: “Mong muốn của người dân ở đây là công tác đền bù làm sao cho minh bạch, thỏa đáng để người dân có điều kiện xây dựng lại nhà cửa ở khu tái định cư, hiện nay chúng tôi đang tiếp tục vận động”.
“Minh bạch”, “thỏa đáng” và “vận động, tuyên truyền” thế nào nếu như người lãnh đạo có thái độ xem thường công tác thông tin, tuyên truyền? Nhất là trách nhiệm cung cấp thông tin chính đáng cho báo chí theo Luật.
Không ít trường hợp giải tỏa, đền bù thực hiện dự án xảy ra chuyện lớn vì thiếu minh bạch, công khai khi thực hiện. Cái giá phải trả không hề nhỏ!
Còn tiếp…