“Đường lưỡi bò” liên tiếp xuất hiện: Đừng chủ quan, hãy hành động ngay!

An Nhiên (Phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) 11/11/2019 02:02

Cần phải có một cuộc tổng rà soát các thiết bị, hàng hóa Trung Quốc đang lưu hành trên thị trường.

Chúng ta cần cảnh giác cao độ với ‘đường lưỡi bò’.

Cần cảnh giác cao độ với "đường lưỡi bò"

“Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” là khái niệm mà Trung Quốc dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Khi vấp phải phán quyết của PCA bác bỏ tính pháp lý của yêu sách “đường 9 đoạn” đồng thời lên án các hành vi trái phép của Trung Quốc trong việc cải tạo đảo và ngăn cản việc thực thi quyền đánh cá trên Biển Đông thì Trung Quốc đã buộc phải thay đổi chiến lược của mình. Theo đó, Trung Quốc đã không còn công khai nhắc đến yêu sách “đường 9 đoạn” trên truyền thông quốc tế như trước đây.

Thay vào đó, việc tuyên truyền về “đường 9 đoạn” và những tuyên bố chủ quyền sai trái khác của Trung Quốc được nước này thực hiện một cách tinh vi hơn thông qua các hình thức kín đáo hơn như lồng ghép trong các tác phẩm văn hóa mà nước này truyền bá ra thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • CGV, trách nhiệm xã hội & đường lưỡi bò

    09:21, 10/11/2019

  • GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 30: "Đường lưỡi bò" và đường ra biển

    05:45, 09/11/2019

  • Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về vụ xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò”  

    17:06, 06/11/2019

  • Rút giấy phép nhập khẩu ôtô nếu không khắc phục vụ xe có "đường lưỡi bò"

    19:18, 05/11/2019

  • Cục Đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận các loại xe có hình đường lưỡi bò

    16:36, 04/11/2019

  • Giáo trình in “đường lưỡi bò” và câu hỏi trách nhiệm

    06:20, 04/11/2019

  • Đừng tiếp tay cho “đường lưỡi bò”

    05:37, 30/10/2019

  • Luật sư nói gì về việc Shopee bán đồ chơi có hình "đường lưỡi bò" của Trung Quốc?

    11:30, 07/08/2018

  • Thái độ nào với “đường lưỡi bò” trên tấm hộ chiếu Trung Quốc?

    18:55, 01/07/2018

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố, không chấp nhận Trung Quốc dùng đường lưỡi bò để xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định: "đường lưỡi bò" ở Biển Đông của Trung Quốc vô lý và phi pháp. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn âm thầm thực hiện ý đồ của mình qua nhiều hành động, cài cắm hình ảnh rất tinh vi vào các sản phẩm, ấn phẩm, hàng hoá... 

Cài cắm quá tinh vi

Nhìn lại thời gian qua có thể thấy, “đường lưỡi bò” xuất hiện từ sách giáo khoa cho đến các tạp chí khoa học, dù là trong những lĩnh vực có vẻ không liên quan như môi trường, cả trong nước lẫn trên thế giới.

Điệp vụ Biển Đỏ

Một cảnh trong phim "Điệp vụ Biển Đỏ"

Cụ thể, tháng 3/2018, phim Operation Red Sea - Điệp vụ Biển Đỏ đã từng khiến dư luận bức xúc bởi trong phim có cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài, liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển mà họ gọi là "South China Sea". Sau khi gây bức xúc trong dư luận, bộ phim này vẫn được phê duyệt và công chiếu rộng rãi.

Tháng 10/2019, chúng ta liên tục phát hiện các ấn phẩm văn hóa chứa bản đồ  “đường lưỡi bò”. 

Tấm bản đồ có in

Tấm bản đồ có in "đường lưỡi bò" xuất hiện trong một phân cảnh của bộ phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ".

Điển hình như phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" (Abominable), có lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, là một sản phẩm do Công ty Pearl của Trung Quốc hợp tác sản xuất cùng DreamWorks của Hollywood.

Hay khi vụ Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist (Saigontourist) phát cho khách những ấn phẩm du lịch có in hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp chưa lắng, thì ban tổ chức chương trình Triển lãm Ôtô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show 2019 - VMS 2019) lại hâm nóng dư luận khi biết có bản đồ “đường lưỡi bò” nhưng vẫn mang xe Volkswagen Touareg trưng bày.

Cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1

Cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" in hình bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”

Nghiêm trọng hơn, “đường lưỡi bò” còn xuất hiện cả trong cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” được sử dụng cho giảng viên, sinh viên Khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ (Hà Nội).

Đáng chú ý, cuốn giáo trình này đã được dùng làm tài liệu học tập và giảng dạy vài ba năm nay, gần đây khi sinh viên nghiên cứu mới phát hiện ra.

Bản đồ

Bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp trên ứng dụng theo dõi vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

Mới đây nhất, ngày 8/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông báo đến các đơn vị thành viên về việc phát hiện bản đồ 'đường lưỡi bò' trong phần mềm theo dõi vận hành điện mặt trời ở phía Nam.

Theo EVN, sự việc trên là một thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc của nước ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

Xin đừng chủ quan

Trở lại với sự việc năm 2018 liên quan tới bộ phim Operation Red Sea - Điệp vụ Biển Đỏ, thật đáng buồn bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho rằng “Điệp vụ Biển Đỏ” không mang ý nghĩa tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, và quyết định dừng chiếu phim hoàn toàn đến từ nhà phát hành.

Theo kết luận, 36 giây cuối phim có hình ảnh thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và phát hiện ra một vài chiếc tàu từ xa, hình dáng không rõ nét. Loa từ tàu của Trung Quốc phát ra thông điệp rằng: “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hài Trung Quốc, xin hãy đi ngay”.

Bộ cho rằng toàn bộ phần hình ảnh, âm thanh và lời thoại kể trên không có căn cứ để kết luận rằng Điệp vụ Biển Đỏ có liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, Bộ cho biết quy trình thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim dành cho Điệp vụ Biển Đỏ cũng hoàn toàn diễn ra đúng quy trình. [1]

Trước đó, Đạo diễn -  NSND Vũ Xuân Hưng – Chủ tịch Hội đồng Trung ương Thẩm định và Phân loại phim (Bộ VHTTDL) cũng cho rằng: Cảnh cuối trong phim "Điệp vụ Biển Đỏ" chỉ nói đây là hải phận của Trung Quốc và yêu cầu con tàu trên rời khỏi vùng biển đó, chứ không nói đến hải phận của biển Việt Nam.

Trong khi đó, trên website chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 18/2 có bài viết ca ngợi bộ phim "Điệp vụ Biển Đỏ", nói về sức mạnh của hải quân nước này. Trong đó, nêu ra nhiều loại vũ khí, khí tài mới, mạnh mẽ của lực lượng Hải quân Trung Quốc.

Bài viết nêu rõ, trong đoạn cuối phim, tàu tuần tra hải quân ở biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) trục xuất tàu lạ nước ngoài khỏi vùng biển xung quanh cái gọi là "quần đảo Nam Sa" bằng mệnh lệnh: "Hãy lập tức rời khỏi đây".

Trước sự khẳng định trắng trợn này, tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã phân tích những cạm bẫy Trung Quốc giăng ra trong bộ phim "Điệp vụ Biển Đỏ" vừa bị dừng chiếu ở Việt Nam.

"Chúng ta phải nghiên cứu xem xét các vấn đề một cách khách quan khoa học và cầu thị, đặc biệt là phải cảnh giác đừng để rơi vào "cạm bẫy" bất lợi cho cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta.'' - ông Trần Công Trục nói. [2]

Đối với “sự cố” đường lưỡi bò trong phim “Everest - người tuyết bé nhỏ”, mặc dù thừa nhận sai sót nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia lại có phát ngôn gây sốc dư luận khi cho rằng, hình ảnh "đường lưỡi bò" bị cài cắm trong phim chỉ có mấy giây thôi" và mọi người “cứ làm quá lên". [3]

Đáng buồn hơn, ở vai trò của nhà giáo, khia sẻ với phóng viên về giáo trình chứa “đường lưỡi bò”, Chủ nhiệm khoa tiếng Trung - tiếng Nhật Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng, trang 32 giáo trình Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese" có hình ảnh "đường lưỡi bò" rất nhỏ, nhìn bằng mắt thường khó phát hiện.

Ông Thanh cho biết khi mang cuốn giáo trình này về thấy "bé tí, mờ mờ" nên không ai nghĩ đó là "đường lưỡi bò", phía khoa cũng chỉ dạy về mặt nội dung, ngữ pháp nên rất khó.

"Có cái này thôi, chỉ chấm chấm thế này, ngay giáo viên không hiểu chấm chấm là "đường lưỡi bò", sinh viên không hiểu đây là gì vì không học bản đồ, chủ yếu học ngữ pháp. Trong giáo trình này không nói về đường biên giới, tranh chấp Trường Sa, Hoàng Sa hay "đường lưỡi bò", chỉ vẽ thế này nhưng nhiều người không biết chấm chấm là gì" - ông Thanh thông tin.[4]

Cần hành động kịp thời

Ths. Hoàng Việt - thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông nhấn mạnh, sự xuất hiện của "đường lưỡi bò" phi pháp trên các thiết bị, ấn phẩm, hàng hóa không phải là ngẫu nhiên. Đó là chiến lược của Trung Quốc nhằm tuyên truyền sai trái về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng xâm chiếm Biển Đông, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế.

"Tôi cho rằng, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng tuyên truyền về "đường lưỡi bò" phi pháp trên nhiều sản phẩm, nhiều lĩnh vực khác nhau", vị chuyên gia cảnh báo.

"Cơ quan quản lý nên có một hướng dẫn, quy định rõ ràng trong vấn đề này. Khuyến khích người dân rà soát, nhanh chóng phát hiện và thông báo đến cơ quan chức năng, sớm ngăn chặn hoạt động tuyên truyền sai trái về chủ quyền của Trung Quốc", ông Việt nói.

Thực tế, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều máy móc, thiết bị, hàng hóa của Trung Quốc. Không chỉ người dân, thậm chí nhiều cơ quan Nhà nước cũng sử dụng thiết bị, hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, nguy cơ xuất hiện "đường lưỡi bò" phi pháp cũng vì thế mà tăng lên. Điều này khiến dư luận cảm thấy lo ngại.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, vị chuyên gia cho rằng, cần phải có một cuộc tổng rà soát các thiết bị, hàng hóa Trung Quốc đang lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, nếu về lâu về dài chúng ta rất khó có thể ngăn chặn hết được.

"Theo tôi, cơ quan nhà nước cần nhanh chóng đưa ra những công bố, hướng dẫn người dân cảnh giác đối với sự xuất hiện của "đường lưỡi bò" phi pháp trên các thiết bị, hàng hóa của Trung Quốc.

Sau công bố này, cơ quan nào không thực hiện rà soát, kiểm tra mà để "đường lưỡi bò" phi pháp xuất hiện sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Ngược lại, cũng có chế độ trao thưởng đối với các cá nhân, tổ chức phát hiện ra thông tin tuyên truyền sai trái về chủ quyền của Trung Quốc.

Tôi cho rằng, cách này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc lập ra một đội ngũ chuyên đi tìm kiếm. Bởi mỗi người dân, mỗi công ty, mỗi cơ quan nhà nước đều là những "chiến sĩ" tham gia vào mặt trận chống lại âm mưu của Trung Quốc", Ths. Hoàng Việt đề xuất. [5]

Từ Trung Quốc, nghệ sĩ Trần Lương cho biết, anh đã yêu cầu ban tổ chức triển lãm nghệ thuật tại thành phố Nam Kinh có nghệ sĩ Việt tham gia phải thay bản đồ có ‘đường lưỡi bò’ và phía Trung Quốc đã phải chấp thuận.

Chuyện "cắt đường lưỡi bò" ngay tại triển lãm ở Trung Quốc, nghệ sĩ Trần Lương cho biết trước khai mạc triển lãm 12 ngày, khi anh còn ở Việt Nam, anh đã phát hiện hình minh họa khu vực Đông Nam Á được vẽ trên một bản đồ cách điệu trong poster của triển lãm có hình lưỡi bò.

Ngay lập tức Trần Lương đã thông báo cho các nghệ sĩ chủ chốt ở các nước Đông Nam Á tham gia triển lãm lần này để kêu gọi họ sẽ cùng tẩy chay triển lãm nếu ban tổ chức để poster có hình "đường lưỡi bò". Lời kêu gọi của Trần Lương nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nghệ sĩ Đông Nam Á.

Sau đó anh đã ra điều kiện một cách cứng rắn với phía Trung Quốc rằng nếu không bỏ "đường lưỡi bò" và khỏi các poster và mọi tài liệu của triển lãm thì đoàn Việt Nam sẽ không tham gia và các nghệ sĩ Trung Quốc đã chấp thuận.

Trần Lương chia sẻ thêm các nghệ sĩ của Trung Quốc đã rất nhanh chóng chấp thuận và lập tức cho thiết kế lại các poster, tài liệu khác để kịp khai mạc triển lãm này.

Thông tin nghệ sĩ Trần Lương đòi chính phía Trung Quốc phải "cắt đường lưỡi bò" ngay trên lãnh thổ Trung Quốc đang khiến nhiều người dân Việt Nam, cộng đồng mạng rất nức lòng. [6]

------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

[1] https://news.zing.vn/bo-van-hoa-diep-vu-bien-do-khong-lien-quan-toi-chu-quyen-bien-dao-post829337.html

[2] https://vtc.vn/phim-ca-ngoi-hai-quan-trung-quoc-diep-vu-bien-do-bi-rut-khoi-rap-bo-van-hoa-len-tieng-d389080.html

[3] https://baomoi.com/dung-ho-hung-voi-chu-quyen/c/32771376.epi

[4] https://tuoitre.vn/be-ti-mo-mo-khong-ai-nghi-duong-luoi-bo-20191103202742002.htm

[5] https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-luoi-bo-lien-tiep-xuat-hien-can-hanh-dong-ngay-3391132/

[6] https://tuoitre.vn/nghe-si-tran-luong-yeu-cau-trung-quoc-cat-duong-luoi-bo-ngay-tai-nam-kinh-20191110151439624.htm

An Nhiên (Phường Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội)