Chưa thể tự tin khi đất nước còn nghèo
Mỗi khi nói đến vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, không biết mọi người như thế nào, còn cá nhân tôi thích luận điểm về “kinh tế độc lập, tự chủ” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lại một lần nữa trên nghị trường khi đề cập tới những cơ hội và thách thức trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế nước nhà.
Trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, mới là một nước thu nhập trung bình thấp, còn kém so với nhiều nước, thời cơ đến không nhiều, do đó, yêu cầu đặt ra là có khát vọng phát triển.
Vì thế, mỗi khi nói đến vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, không biết mọi người như thế nào, còn cá nhân tôi thích cái luận điểm về “kinh tế độc, lập tự chủ” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng cho rằng: “Độc lập, tự chủ trong nền kinh tế hội nhập không có nghĩa là chúng ta một mình, chúng ta cần phải xây dựng một nền kinh tế tích cực chủ động hội nhập, nền kinh tế ấy có khả năng chống chịu những biến đổi, những cú sốc của nền kinh tế thế giới”.
Có thể bạn quan tâm
Quốc hội “chốt” kế hoạch GDP tăng khoảng 6,8% vào 2020
09:50, 11/11/2019
“Tính toán lại GDP là điều rất cần thiết”
17:25, 08/11/2019
Tăng trưởng kinh tế - mừng và lo!
11:00, 03/10/2019
Lực đẩy mới cho tăng trưởng kinh tế
11:01, 03/07/2019
Nói tới độc lập, tự chủ về kinh tế, trước hết phải nói tới sự độc lập, tự chủ về đường lối, chính sách phát triển. Nói tới một nền kinh tế phát triển bền vững, phải là một nền kinh tế không bị lệ thuộc, phụ thuộc vào nước khác, hoặc phụ thuộc vào tổ chức quốc tế nào đó về đường lối, chính sách định hướng phát triển, vào những điều kiện kinh tế, chính trị mà họ áp đặt cho ta, gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích cơ bản của dân tộc.
Phải xây dựng nhà nước tiêu biểu cho ý chí và khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc Việt Nam, đồng thời quyết tâm mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân. Nhưng muốn duy trì được điều này thì phải có được nền kinh tế thực sự mạnh mẽ, vững vàng, một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Mà độc lập, tự chủ không phải là tự sản xuất mọi thứ, cái chính là đi vào thế mạnh để phát huy hiệu quả.
Thật ra, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là vấn đề không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã rất chú trọng đến “thực lực, binh cường” để yên dân và bảo đảm cho non sông bền vững.
Đảng ta trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và quan điểm về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đã được đề cập đến trong nhiều Nghị quyết quan trọng của Đảng, nhất là từ Đại hội VI đến nay.
Trong thời đại ngày nay, độc lập, tự chủ về kinh tế tuyệt nhiên không phải là nền kinh tế “khép kín”, “tự cung tự cấp”, mà đặt trong mối quan hệ biện chứng với việc chủ động tham gia vào quá trình giao lưu, hợp tác và cạnh tranh quốc tế trên cơ sở phát huy tốt nhất nội lực và lợi thế so sánh của quốc gia.
Song song, với những nỗ lực trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có việc phát triển các thế mạnh của Việt Nam để phát triển kinh tế, mở rộng thị trường và không phụ thuộc bất cứ thị trường nào.
Bằng chứng, Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, vùng lãnh thổ, có 25 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD mỗi năm; thu hút 40.000 dự án FDI với 230 tỷ USD đăng ký đầu tư... Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU là áp lực và cơ hội lớn, bởi khi Việt Nam tiến lên thì các quốc gia khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Trong năm 2020, Việt Nam đồng thời thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020- 2021. Để hoàn thành các trọng trách quốc tế lớn này, rất cần sự tham gia, hợp tác, cùng hành động của cả hệ thống chính trị và người dân.
Và “nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc”. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.
Có thể nói, chưa bao giờ đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thuận lợi lớn như hiện nay. Chúng ta phải tận dụng triệt để những thời cơ lớn đó, phải nỗ lực bằng tất cả trái tim và khối óc, phải hành động bằng ý chí và sức mạnh của cả dân tộc chúng ta.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Dân ta nhớ một chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương. Chứ chúng ta không thể tự tin với bạn bè thế giới nếu cứ mãi nghèo.