Đừng để tam giác "kinh tế - xã hội - môi trường" bị khuyết một điểm
Kinh tế - xã hội - môi trường là tam giác phát triển. Để đất nước lớn mạnh, cần phải đảm bảo phát triển bền vững cả 3 nội dung này.
Vấn đề không khí ở Hà Nội đang khiến người dân thành phố lo lắng, bất an khi Hà Nội luôn trong top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, không khí tại nhiều tỉnh tại lân cận cũng bị cảnh báo và hiện đang bị “nhiễm bẩn”.
Cụ thể, như truyền thông đưa tin sáng 12/11, tại điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ ghi nhận chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên tới 341, ngưỡng tím theo các tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng nguy hại theo cách tính AQI của Việt Nam. Đây là ngưỡng ô nhiễm cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người.
Đáng quan tâm ở chỗ, tại các điểm đo thuộc thành phố xung quanh Hà Nội, tất cả cũng có kết quả quan ngại không kém. Rất nhiều các khu vực lân cận sáng nay như Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên… đều đắm chìm trong màu đỏ và tím tại các điểm đo ô nhiễm không khí.
Sang ngày 13/11, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội tiếp tục tăng.
Lúc 7 giờ ngày 13/11, ghi nhận ở điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại trạm 556 Nguyễn Văn Cừ chỉ số chất lượng không khí AQI vẫn ở mức kém (117), không tốt cho nhóm nhạy cảm, hạn chế thời gian ở ngoài trời.
Đến 11 giờ, chỉ số AQI lên mức 239, là mức xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài. Những người khác nên hạn chế thời gian ở ngoài trời.
Cập nhật lúc 11 giờ ngày 13/11, hệ thống quan trắc không khí PAMAir ghi nhận chỉ số AQI ở hầu hết các khu vực trong Hà Nội đã tăng lên.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trước khi ảnh hưởng tới miền Bắc trong chiều và tối 13/11, không khí lạnh đang nén rãnh áp thấp khiến mây mù dày nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp, tình trạng ô nhiễm bụi mịn PM2.5 (một hỗn hợp phức tạp chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn, có khả năng bay lơ lửng trong không khí) ở Hà Nội vẫn đang xấu, các chỉ số chất lượng không khí tăng lên theo từng giờ.
Do vậy, người dân vẫn nên hạn chế tập thể dục ngoài trời, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp "cứu" đô thị ô nhiễm
05:00, 13/11/2019
Cử tri lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước
11:44, 21/10/2019
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Thực trạng và giải pháp
17:18, 12/10/2019
Ô nhiễm không khí: Thay vì hoài nghi AirVisual, cần bắt tay vào hành động
05:00, 11/10/2019
Cần một “chương trình quốc gia” về xóa bỏ ô nhiễm không khí
05:19, 04/10/2019
Ô nhiễm không khí và trách nhiệm bị... lãng quên!
05:35, 02/10/2019
Ô nhiễm không khí - “Kẻ giết người” thầm lặng!
00:05, 02/10/2019
Ngạt thở vì ô nhiễm không khí
10:00, 16/07/2019
Trang thông tin điện tử Air Visual đưa ra chỉ số AQI ở Hà Nội mức tím - mức rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người. Khuyến nghị người dân chạy máy lọc khí trong nhà, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, tránh tập thể dục ngoài trời và đeo mặt nạ khi ra ngoài.
Dự báo trong 7 ngày tới, chất lượng không khí ở Hà Nội tiếp tục ở mức cảnh báo đỏ (151-200), không tốt cho sức khỏe.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thúy - quyền Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) từng cho biết, “thủ phạm” chính đó là giao thông. 70% tác nhân gây ô nhiễm môi trường ở Hà Nội là do khí thải từ những dòng xe không ngừng lưu thông trên đường.
Theo số liệu thống kê, “hiện Hà Nội hơn 7 triệu xe máy xe máy và trên 700.000 ô tô, con số này sẽ tăng, con số này dự tính sẽ tăng 11% mỗi năm đối với xe máy và 17% đối với ô tô. Người dân Thủ đô đây cho biết, hầu như ai cũng có một chiếc xe máy trong khi phương tiện giao thông công cộng thì hạn chế và cũng không phổ biến lắm. Người dân thì không có thói quen đi bộ. Di chuyển dù chỉ một đoạn ngắn cũng phải xách xe máy ra”- ông Nguyễn Văn Thúy dẫn chứng.
Bên cạnh nguồn khí thải từ giao thông, nguồn thải gây ô nhiễm không khí từ các công trình đang xây dựng như nhà cao tầng, hạ tầng đường xá không đảm bảo các điều kiện được cho phép như che chắn sai quy định, tưới nước giảm bụi,…thực hiện các điều kiện rất nửa vời rồi đến từ các làng nghề sản xuất, tái chế nhôm, giấy,… các nhà máy sản xuất như xi măng, sắt thép, hóa chất,… Đốt rơm, rạ hay đốt than tổ ong, vàng mã trong nhân dân.
Từ những vấn đề to đùng đến những việc tưởng như rất nhỏ hàng ngày đang biến Hà Nội, vào nhiều thời điểm, đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí. Nguyên nhân thì có nhiều vô kể, nhưng dưới con mắt của người dân thì nguồn ô nhiễm đó đến từ thủ phạm mang tên “giao thông và sự thờ ơ của cơ quan, chính quyền”.
Thế mới nói, điều lạ lùng nhất chính là sự ô nhiễm đó diễn ra trong một thời gian tương đối dài, dư luận và nhiều chuyên gia liên tiếp lên tiếng cảnh báo, người dân hoang mang lo lắng, nhưng các cơ quan chức năng liên quan phản ứng rất chậm, thiếu hướng dẫn đầy đủ để người dân biết và thực hiện. Nên dù cho con số không thể thuyết phục nhau, nhưng cuối cùng cần phải tìm ra trách nhiệm thuộc về ai đó – mới là cách ứng xử của một chính quyền văn minh.
Song song, điều người dân cần biết bây giờ không phải là nguyên nhân ô nhiễm, đốt rơm rạ, xây dựng, giao thông, nghịch nhiệt… những thứ mà ai cũng có thể mường tượng ra được. Mà cái cần nhất là trong bầu không khí mờ đục đáng sợ ấy chứa những gì, người dân phải làm sao để giảm thiểu thiệt hại sức khỏe?
Bởi vì, ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh, từ hen suyễn cho đến bệnh tim mạch, ung thư phổi, phì đại tâm thất, bệnh Alzheimer và Parkinson, biến chứng tâm lý, tự kỷ, bệnh võng mạc… Các hạt bụi mịn và siêu mịn – một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm, đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.
Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến vấn đề này để hành động, đừng để môi trường của Thủ đô Hà Nội, “ung thư” giống Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Khi đó mọi biện pháp khắc phục đều rất tốn kém, đè nặng thêm lên vấn đề chi phí, ngân sách quốc gia, còn cuộc sống người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Đồng thời, cần ý thức rõ môi trường là một tam giác cùng với kinh tế, xã hội, chúng ta phải giữ một trụ cột của sự phát triển!