Công trình giao thông: Chất lượng và câu hỏi trách nhiệm

Sông Hàn 19/11/2019 11:00

Việc nhiều công trình giao thông xảy ra sự cố về chất lượng đã làm mất niềm tin từ người dân, làm tăng chi phí của xã hội trong việc khắc phục hậu quả.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã tổ chức khám nghiệm hiện trường tuyến tránh Chư Sê 250 tỷ đồng bị hư hỏng. Và để phục vụ công tác điều tra, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Ban quản lý dự án 6 - Bộ giao thông vận tải (GTVT) tạm dừng việc dỡ tải đoạn đường hư hỏng để cơ quan điều tra khám nghiệm theo quy định.

Động thái này đang nhận được sự đồng tình của dư luận và các chuyên gia.

Con đường được đầu tư 250 tỷ đồng tại Gia Lai gãy đứt, nứt toác sau mưa

Con đường được đầu tư 250 tỷ đồng tại Gia Lai gãy đứt, nứt toác sau mưa

Thời gian qua, dư luận chứng kiến nhiều dự án trọng điểm của ngành GTVT có vấn đề về chất lượng công trình. Ngoài dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh qua thị trấn Chư Sê, trị giá 250 tỷ đồng chưa bàn giao đã sụt lún, đứt gãy “như động đất” khiến nhiều dư luận vô cùng bức xúc, thì vẫn có nhiều dự án giao thông khác khiến cho dư luận không khỏi “nhức mắt”.

Chẳng hạn, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng, đưa vào khai thác từ ngày 2/8/2017, khoảng 2 tháng sau, xuất hiện nứt dọc bê-tông nhựa trên đoạn tường chắn MSE. Gói thầu số 5 từ huyện Duy Xuyên đến Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đầy ổ gà ổ voi, báo chí thông tin vào tháng 10/2018 khiến dư luận bất bình.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngẫm một chút về con đường 250 tỷ đồng bị nứt, lún

    00:00, 08/09/2019

  • Vụ “đường gãy nứt tại Gia Lai”: Hai lãnh đạo bị tạm dừng phân công công tác

    08:37, 15/09/2019

  • Đường gãy nứt tại Gia Lai: Từng vá xi măng tạm bợ để "bịt" vết nứt?

    11:25, 06/09/2019

  • Đường gãy nứt tại Gia Lai: Sở Giao thông Vận tải chỉ có trách nhiệm khuyến cáo?

    09:10, 05/09/2019

  • Gia Lai: Đường đã nứt toác đôi, hở hàm ếch sâu cả mét

    08:23, 05/09/2019

  • Gia Lai: Đường dài 11km xuất hiện 2 “điểm đen tử thần”

    06:03, 31/08/2019

Hoặc, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ dài 1.440 km, với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng. Sau khi đưa vào khai thác, nhiều đoạn hư hỏng mặt đường diện rộng, chỉ riêng 123 km qua tỉnh Phú Yên  đã có tới hơn 5.200 ổ gà (theo thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia).

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, vào tháng 11/2017 xảy ra sự cố nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P28, P29 cầu Vàm Cống, khiến thời gian hoàn thành kéo dài thêm 2 năm so với dự kiến... Trước đây, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở tuyến cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây…v..v.

Có một điểm chung của các công trình, dự án đã được “chỉ mặt điểm tên” như trên đó là đều là những công trình trọng điểm quốc gia, liên quan đến an ninh của đất nước, an toàn của người dân, vì thế nó luôn đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt về chất lượng công trình, nhưng những gì từ thực tế đang để lại cho chúng ta quá nhiều vấn đề để suy nghĩ như: Chất lượng, sự hiệp đồng khi thi công, trách nhiệm của các bên liên quan..v..v.

Dĩ nhiên, là người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã lên tiếng thừa nhận nguyên nhân chủ yếu của những khiếm khuyết là do năng lực thi công và ý thức của nhà thầu, chất lượng một số gói thầu còn hạn chế...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hạn chế lớn nhất là khâu tư vấn thiết kế công trình. Một số công trình thường có nhiều nhà thầu tham gia, kể cả một số nhà thầu nhỏ năng lực kém làm ảnh hưởng chất lượng dự án...

Trên nghị trường Quốc hội vừa qua, đã có một số đại biểu Quốc hội cho rằng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chủ đầu tư công trình. Tức là, nếu không phải lỗi từ khâu thiết kế mà để xảy ra sự cố trong quá trình thi công, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu.

Sau nhà thầu là trách nhiệm của tư vấn giám sát, nếu giám sát tốt thì không có chuyện nhà thầu làm sai thiết kế, thi công gian dối. Dù có lựa chọn được một nhà thầu tốt, nhưng nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì nhà thầu cũng khó mà tự giác thi công đảm bảo chất lượng. Đó là chưa kể đến trường hợp nhà thầu thông đồng với tư vấn giám sát để thi công ẩu, “rút ruột” công trình.

Còn dưới góc nhìn của các chuyên gia xây dựng, để xảy ra các sự cố công trình, chất lượng công trình yếu kém thì các bên liên quan đều phải chịu trách nhiệm.

Vấn đề là phải xác định được chính xác nguyên nhân “lỗi” ở khâu nào mới có thể xử lý trách nhiệm của các bên liên quan. Có 4 chủ thể liên quan trực tiếp đến quá trình thi công công trình gồm: chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu và tư vấn giám sát. 

“Những chủ thể” trên vẫn chưa đủ khi rất nhiều người dân cho rằng chúng ta không thể không đề cập tới trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu. Vì hàng loạt công trình trọng điểm thi công kém chất lượng nhưng vẫn được Hội đồng nghiệm thu là vấn đề cần phải bàn? Vậy sinh ra Hội đồng nghiệm thu để làm gì?

Đáng nói thêm ở chỗ, đó đều là những công trình giao thông lớn được đầu tư hàng tỷ USD, được kỳ vọng là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng, của đất nước nói chung, nhưng lại bị hư hỏng ngay sau khi đưa vào khai thác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng.

Cần phải nhớ, khi một công trình giao thông bị xuống cấp thì nó không chỉ mất an toàn giao thông trước mắt mà có nguy cơ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, tốn phí hàng tỷ đồng để sửa chữa, hiệu quả khai thác sẽ bị giảm sút.

Hơn thế nữa, thực trạng này cho thấy việc quản lý đầu tư của ngành giao thông đang rất lỏng lẻo, gây lãng phí ngân sách của nhà nước và nhân dân, làm mất lòng tin trong xã hội.

Tiếc rằng, chẳng mấy ai đứng ra nhận trách nhiệm về mình!

Sông Hàn