Bài học về việc xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam
Các cơ quan chức năng cần tính đến việc tổng hợp hồ sơ trình các tổ chức quốc tế xem xét, công nhận trang phục áo dài của Việt Nam là di sản văn hóa.
Mới đây, thông tin áo dài Việt Nam đi kèm nón lá lên sàn diễn Trung Quốc đã khiến nhiều người phẫn nộ. Mặc dù bộ sưu tập đến từ thương hiệu Ne Tiger (Trung Quốc) đã được giới thiệu trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Trung Quốc Xuân - Hè 2019 vào tháng 10/2018 song sự việc vẫn thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng.
Có thể dễ dàng nhận thấy, hàng loạt các thiết kế áo dài của Ne Tiger giống hệt với áo dài Việt Nam từ kiểu dáng, họa tiết đến các phụ kiện đi kèm mang đậm dấu ấn văn hóa Việt như nón lá hay mấn đội đầu.
Đáng nói hơn, trang báo kể trên đề cập đến loạt thiết kế này với tiêu đề: Chinese style delights China S/S Fashion Week (tạm dịch: Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn Tuần lễ thời trang Xuân - Hè). Cụm từ “Chinese style” (Phong cách Trung Quốc) khiến không ít người Việt phẫn nộ vì trang báo trên mặc định những trang phục này đều là phong cách của Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Ăn cắp văn hóa
05:00, 24/11/2019
[CẢM XÚC NGÀY XUÂN] Tản mạn về chiếc áo dài
04:27, 13/02/2019
Chiêm ngưỡng áo dài họa tiết Gothic của nhà thiết kế Bảo Bảo
10:45, 06/07/2017
Thời trang áo dài: Vẫn chờ những cuộc cách tân như “Trần Lệ Xuân”!
14:15, 12/02/2017
Áo dài là quốc phục Việt
Trải lòng về tà áo dài Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn (tác giả tập sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn) cho biết, khoảng đầu thế kỷ 17, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã tìm hiểu những sách cổ của nền văn hóa Đông Á về các mẫu mã y phục, cộng với những trang phục của các dân tộc ở Đàng Trong để tạo nên mẫu trang phục chung cho cả đàn ông và đàn bà gọi là áo dài với năm thân cổ đứng, cài vào bên tay phải.
Áo dài của Việt Nam.
Từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, trang phục này phổ biến khắp Đàng Trong và đây là mẫu y phục chung. Từ sông Gianh trở ra có trang phục truyền thống áo tứ thân với nữ, áo giao lĩnh của đàn ông.
Qua thế kỷ 19 khi vua Gia Long thống nhất đất nước, lúc đầu khuyến khích thay đổi y phục giống nhau trên toàn quốc với mẫu áo dài năm thân, chưa bắt buộc bằng luật lệ.
Đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), đã có sự bắt buộc toàn quốc mặc quốc phục áo dài nước Việt với mẫu áo năm thân cổ đứng. Từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, các nước phương Tây đến châu Á nhận ra các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… đều có những bộ trang phục mang đặc trưng của dân tộc và mỗi quốc gia đều có những bộ quốc phục riêng.
Từ đó, thế giới đã công nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam. Từ khi có mẫu y phục áo dài của Đàng Trong này đến cuối thế kỷ 20 và đến bây giờ, hầu như ai cũng công nhận mẫu áo dài này là trang phục của nước Việt, là quốc phục của dân tộc Việt.
Ở Trung Quốc, sau khi nhà Minh chấm dứt, nhà Thanh thay đổi y phục kéo dài khoảng 300 năm thì trang phục của người dân Trung Quốc khác hẳn của người Việt Nam. Cho đến sau này, người dân Trung Quốc đều có những trang phục khác hẳn với trang phục của người Việt.
Với triều Nguyễn, quốc phục chính thống là áo dài, từ quan lại quyền quý, trong các lễ nghi, phong tục và đời sống, người Việt đều mặc áo dài. Đến ngày nay, áo dài vẫn được người dân sử dụng khi có những sự kiện, lễ nghi quan trọng.
“Theo tôi, việc các nước thừa nhận áo dài là quốc phục nước Việt là điều đương nhiên, song Nhà nước cần có quy định để chọn áo dài là mẫu quốc phục Việt. Đồng thời, cần hệ thống lại những bằng chứng từ xa xưa để thế giới thấy được đây là một trang phục có truyền thống lâu đời với sức sống mãnh liệt đối với người dân Việt”. - nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn nói. [1]
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam, cho rằng, áo dài của người Việt có truyền thống, có áo tứ thân tạo nên nhiều màu sắc, một sự hòa sắc không đơn điệu làm cho người con gái trở nên duyên dáng. Nó níu kéo tâm hồn con người. Từ già tới trẻ, người ta đều nhận thấy ở đó một sự đẹp đẽ đầy chất dân tộc.
Theo GS.TS Trần Lâm Biền: “Với người Việt Nam, sự đằm thắm, kín đáo là một điều rất đáng quan tâm. Vì tâm tính của người Việt Nam là đầm ấm, kín đáo. Chiếc áo dài truyền thống tạo nên một vẻ đẹp hòa quyện giữa tâm hồn, tâm linh và hình thức.
Áo dài thướt tha hợp với tâm hồn người Việt, là biểu hiện của sự đứng đắn. Ngày xưa trong gia đình nền nếp, ra khỏi cửa là người ta khoác chiếc áo dài. Cho nên áo dài về cơ bản nó nhằm mục đích thể hiện những người có văn hóa, chứ không phải chỉ có mục đích làm đẹp”.
Chính vì áo dài là hình ảnh đặc trưng của Việt Nam, do người Việt Nam thiết kế đầu tiên nên thông tin về một thương hiệu thời trang Trung Quốc đưa lên sàn diễn thời trang bộ sưu tập được gọi là "cách tân" những kiểu áo dài Việt Nam đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
GS.TS Trần Lâm Biền nhấn mạnh, áo dài, nón lá đã được khẳng định từ lâu là thuộc văn hóa Việt Nam và trong những bước đường phát triển cũng đã được khẳng định.
"Áo dài có đặc trưng là ôm sát lấy cơ thể, cổ cao và có chiều dài chấm gót chân. Dù cho thời gian có thay đổi thế nào, các trang phục khác được du nhập vào nước ngày một đẹp hơn đến mấy thì áo dài vẫn là một biểu tượng đẹp, gắn với hình ảnh dịu dàng, đắm thắm của người phụ nữ Việt, giữ được cái hồn cốt của tâm hồn Việt. Văn hóa của Việt Nam cần một sự độc lập, là chính nó chứ không phải là cái đuôi của bất kể nền văn hóa nào khác", GS. Trần Lâm Biền chia sẻ thêm. [2]
Văn hoá của mình thì mình phải giữ lấy
Còn nhớ trong ngày 22/1/2014 trong buổi lễ khánh thành Bảo tàng Áo dài sau 12 năm xây dựng, phát biểu được vài câu, nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng đã khóc như một đứa trẻ trước hàng trăm quan khách tham dự.
Đó là nước mắt của một người vượt qua giới hạn bản thân để xây dựng được một Bảo tàng Áo dài cho người Việt.
Trong suốt bao năm qua có dịp giao lưu với học sinh, sinh viên các trường, nhà thiết kế này vẫn nhấn mạnh với các em học sinh, sinh viên rằng việc mặc áo dài không phải chỉ là đẹp, mà nó còn là trách nhiệm công dân về ý thức dân tộc, là trách nhiệm khi thế hệ trẻ phải nối tiếp giữ gìn văn hóa.
"Biên giới hải đảo một khi bị chiếm lấy một cách sai quấy, ta còn có thể cậy nhờ quốc tế can thiệp. Văn hóa mất rồi thì ai lấy giúp cho ta”, nhà thiết kế Sỹ Hoàng bày tỏ.
Bởi theo anh, mặc áo dài không chỉ để đẹp mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân.
“Cách đây hơn 10 năm chúng tôi đã lo lắng, và hôm nay càng lo lắng hơn vì họ không chỉ trưng bày thầm lặng ở một bảo tàng mà đã công khai chiếm lấy áo dài ở một Fashion Show.
Người Việt Nam chúng ta khi đi chùa, lễ, tết mà không mặc áo dài là coi như mình từ chối văn hóa của mình. Văn hóa chỉ bảo tồn một cách chắc chắn, phát huy được giá trị chỉ khi được sống trong lòng đời sống hằng ngày.
Tôi nhớ trong hai cuộc thiết kế áo dài cho đội ngũ tiếp viên hàng không Việt Nam, có nhiều giải pháp đưa ra nào là mặc đầm, đồ Tây nhưng tôi và nhà thiết kế Minh Hạnh đều đồng quan điểm gìn giữ chiếc áo dài, đó là biểu tượng văn hóa, hình ảnh Việt Nam với du khách quốc tế.
Văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ cho mình!” – nhà thiết kế Sỹ Hoàng chia sẻ thêm.[3]
Bình luận về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc (Đồng Nai), cho rằng, dù chưa có gì chính thức nhưng lâu nay trang phục áo dài rất quen thuộc với phụ nữ Việt Nam và được xem như quốc phục của Việt Nam.
Hình ảnh áo dài của Việt Nam xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Việc trang phục truyền thống của người Việt Nam được các nước khác tiếp nhận là điều tốt. Tuy nhiên, nếu tiếp nhận trên tinh thần biến trang phục này thành phong cách văn hóa của nước họ là phản văn hóa, không chấp nhận được.
"Vì vậy, chúng ta phải củng cố hơn di sản áo dài. Các cơ quan chức năng cần tính đến việc tổng hợp hồ sơ trình các tổ chức quốc tế xem xét, công nhận trang phục áo dài của Việt Nam là di sản văn hóa". - nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Đưa thêm ý kiến về vấn đề này, Hoa hậu Ngọc Hân cũng cho rằng, để bảo vệ chiếc áo dài của người Việt, mỗi người dân, mỗi cơ quan ai cũng phải làm tốt việc của mình.
Các nhà thiết kế cần đầu tư thời gian và tâm sức để làm chiếc áo dài đẹp hơn, hiện đại, gần gũi hơn với đời sống.
Còn từng người dân cần dấy lên niềm tự hào dân tộc với chiếc áo dài. Mỗi người Việt Nam từ người già đến trẻ nhỏ, từ đàn ông đến phụ nữ đều nên có chiếc áo dài trong tủ quần áo để có thể mặc thường xuyên hơn.
Thực tế vài năm nay, mọi người mặc áo dài nhiều hơn, đặc biệt vào các dịp lễ tết.
Từ phía các cơ quan văn hóa, ngoại giao, có thể tổ chức nhiều hơn các lễ hội quảng bá hình ảnh áo dài, mời đại sứ các nước đến để trực tiếp trải nghiệm, mặc áo dài. Như vậy vừa giúp quảng bá áo dài Việt Nam tới các đại sứ, vừa là cách quảng bá áo dài ra thế giới thông qua các đại sứ, đại biểu quốc tế.
Nhưng những việc kể trên có thể là dã tràng xe cát nếu chúng ta không có giấy tờ hành chính từ Nhà nước để công nhận áo dài là của người Việt. Dù người dân trong nước, cộng đồng kiều bào hay quốc tế có thừa nhận áo dài của người Việt cũng chỉ là truyền miệng với nhau.
"Vì vậy, điều quan trọng nhất cần làm là Nhà nước nên có một động thái, văn bản mang tính pháp lý để làm cơ sở bảo vệ chủ quyền văn hóa với áo dài tại đất nước mình và trên toàn thế giới". - Hoa hậu Ngọc Hân nói [4]
---------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/bao-ve-ta-ao-dai-chinh-la-dang-bao-ve-chu-quyen-van-hoa-viet-nam-20191123222243606.htm
[2] http://baochinhphu.vn/Van-hoa/Ao-dai-la-cua-nguoi-Viet-Nam-mot-su-dep-de-day-chat-dan-toc/380793.vgp
[3] https://tuoitre.vn/van-hoa-cua-minh-ma-minh-khong-tu-giu-lay-thi-chang-ai-giu-cho-minh-201911211743349.htm
[4] https://tuoitre.vn/bao-ve-ta-ao-dai-chinh-la-dang-bao-ve-chu-quyen-van-hoa-viet-nam-20191123222243606.htm