Du lịch Việt Nam có thể tăng trưởng hơn nữa, nếu...

An Nhiên 04/12/2019 03:00

Ngành du lịch việt Nam vừa ghi dấu ấn tăng trưởng mới - tháng 11/2019 đón hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11,8% so với tháng trước và tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ còn gần một tháng nữa là đến năm 2020 và hướng tới mục tiêu mà Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đặt ra: Du lịch đóng góp trên 10% GDP, năm 2030 tăng trưởng gấp đôi năm 2020 và phải có tác động đến một loạt các ngành kinh tế khác, thậm chí là động lực kéo các ngành khác phát triển.

Vì vậy, sự cần thiết lúc này đó là phải gấp rút tháo gỡ những “nút thắt” để du lịch Việt Nam “thăng hoa” và “cất cánh”.

Nhìn lại chặng đường phát triển của du lịch thấy rằng, năm 1994 Việt Nam lần đầu tiên đón 1 triệu lượt khách quốc tế, đến 2015 đón 7,9 triệu và đến 2018 đón 15,5 triệu.

Như vậy, nếu tính tròn số thì để đạt được 8 triệu khách quốc tế đầu tiên Việt Nam đã trải qua 21 năm (1994-2015), nhưng đạt 8 triệu tiếp theo Việt Nam chỉ cần 3 năm (2015-2018).

Có thể nói tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng, có năm lên tới 30% về lượng khách quốc tế; trong 3 năm 2015-2018 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần.

Năm 2018 đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20% so với 2017, cùng với 80 triệu lượt khách nội địa thì quy mô kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế với tổng thu du lịch đạt trên 620.000 tỷ đồng, đóng góp trên 8% GDP.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành du lịch lo lắng khi Chính phủ vẫn chưa công bố chính sách mới về miễn thị thực

    08:00, 30/11/2019

  • Hạ tầng kìm hãm du lịch ĐBSCL

    17:25, 29/11/2019

  • Đâu là lối ra cho nhân sự ngành du lịch?

    06:16, 07/05/2019

  • Du lịch Việt Nam: Không tự mãn về các giải thưởng

    05:00, 16/10/2019

  • Thay đổi thứ hạng cho du lịch Việt Nam, hãy làm như Đà Nẵng

    11:45, 21/08/2019

  • Du lịch Việt Nam: "Kích hoạt" tầm nhìn mới

    02:50, 11/05/2019

  • Du lịch Việt Nam: Những điểm đến chinh phục toàn cầu

    00:00, 25/01/2019

  • Yếu tố nào sẽ "nắn dòng" du lịch Việt Nam?

    02:05, 11/01/2019

Trong tháng cuối của năm 2019, ngành du lịch đón một tin vui - đó là tháng 11, du lịch Việt Nam đã đón hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11,8% so với tháng trước và tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Tổng cục Thống kê, đây là con số cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số khách quốc tế đến nước ta trong 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người.

Cụ thể, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 11 ước tính đạt hơn 1,8 triệu lượt người, tăng 11,8% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không tăng 13%; bằng đường bộ tăng 8,6%, riêng khách đến bằng đường biển trong tháng giảm mạnh 19,2% do ảnh hưởng của Bão số 6 đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ.

Trong tháng này, khách đến từ Châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 81% tổng số khách quốc tế đến nước ta (riêng Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 57,3%) và tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước; từ châu Âu chiếm 12,3% và tăng 13,4%; từ châu Mỹ chiếm 4,7% và tăng 10,2%; từ châu Đại Dương chiếm 1,7% và tăng 0,4%; từ châu Phi chiếm 0,2% và tăng 19,8%.

Tính chung 11 tháng năm 2019, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt hơn 16 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 13 triệu lượt người, chiếm 79,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 14,1%.

Có thể nhận thấy, những nỗ lực của ngành du lịch và của các địa phương đã mang lại kết quả đầy khích lệ trên, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, ngành du lịch vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của đất nước.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã thừa nhận, phát triển du lịch Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều tồn tại, hạn chế như chất lượng du lịch chưa cao, sản phẩm chưa phong phú và còn rất nhiều hạn chế.

Do đó, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng đã đề xuất nhiều giải pháp, như tiếp tục đổi mới nhận thức phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực mang tính xã hội hóa cao; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, phối hợp công – tư, giữa trung ương và địa phương, ứng dụng công nghệ và đặc biệt là tăng nguồn kinh phí cho hai chương trình du lịch hiện đang rất thấp.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực tập trung đào tạo kỹ năng nghề cho lao động du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch và xã hội hóa du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch.

Còn nhớ, khi phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra nhận định: “Chúng ta cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm”.

Như vậy, có thể thấy, để khắc phục nút thắt cố hữu và hiện thực mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc tái cơ cấu ngành du lịch phải bắt đầu bằng việc đổi mới tư duy phát triển du lịch một cách nhất quán, đặc biệt là phải tạo ra bản sắc du lịch, văn hóa riêng.

Theo đó, du lịch Việt Nam cần phát triển theo hướng xác định xây dựng “vùng động lực mới” theo từng vùng kinh tế địa phương. Như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng, tại mỗi vùng du lịch sẽ lựa chọn một số địa phương có lợi thế về sân bay, tài nguyên du lịch điển hình của vùng và có nguồn nhân lực đảm bảo để hình thành trung tâm phát triển du lịch mới, tạo thành các “vùng động lực mới”.

Mặt khác, có thể nhận thấy, “điểm nghẽn” của du lịch Việt Nam không chỉ nằm ở vấn đề sản phẩm mà là cả hạ tầng thiếu đồng bộ của các địa phương. “Các cấp, các ngành chưa coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, bởi vậy mà du lịch mỗi địa phương như những “ốc đảo” biệt lập, chẳng thể nào kết nối với hạ tầng du lịch chung” - ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đưa ý kiến.

Bình luận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, hiện tại, Chính phủ đang chú trọng phát triển về số lượng khách mà chưa thật quan tâm đến chất lượng, tới đóng góp của du lịch cho GDP, cho phát triển kinh tế - xã hội.  Qua đó việc định hướng phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch cũng như đưa ra các chính sách đầu tư cho quảng bá, xúc tiến thiên về tăng nhiều khách đến, bất luận là dòng khách nào, với các con số rất ấn tượng, rất dễ thấy thành tích.

Theo vị đại biểu này, sự tăng trưởng đột biến về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ là nhất thời. Nếu chúng ta ngủ quên trên vòng nguyệt quế, rất dễ rơi vào bẫy tăng trưởng khách. 

Do đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, nếu ngành du lịch không thật quyết liệt, có nỗ lực, quyết tâm cao gấp hai đến ba lần ngay trong năm 2019 là năm bứt phá thì tuy những mục tiêu mà Nghị quyết 08 Bộ Chính trị đề ra đến năm 2020 chúng ta có thể đón được 17 đến 20 triệu khách du lịch có thể đạt được, nhưng mục tiêu du lịch đóng góp trên 10% GDP tạo ra 4 triệu việc làm và cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ khó thực hiện được vào năm 2020.

An Nhiên