CHUYỆN “THẬT NHƯ ĐÙA”: Có tiền sử bệnh tâm thần vẫn được làm trong... ngành công an
Nữ trung tá công an tên Vũ Thùy L. từng có bệnh sử bị tâm thần, bị rối loạn phân liệt cảm xúc cách đây 8 năm vẫn được làm trong ngành công an.
Câu chuyện “thật như đùa” này đang gây “sốt” dư luận.
Thông tin về nữ trung tá công an tên Vũ Thùy L. làm việc tại Công an tỉnh Thái Bình bị một số tài xế taxi làm đơn tố cáo hành vi không chịu trả tiền sau khi thuê chở đi giải quyết công việc đã ngập tràn trên nhiều tờ báo trong những ngày qua.
Thách thức dư luận
Được biết, sau khi nhận được đơn của anh Bùi Đức Hân (28 tuổi, trú thôn Đông An, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình) là tài xế taxi tố cáo việc bị nữ trung tá công an Vũ Thùy L. cố tình "ăn quỵt" số tiền cước taxi 2 triệu đồng, công an tỉnh Thái Bình đã xác minh vụ việc và ngày 5/12 vừa qua đã có thông tin chính thức.
Theo đó, trung tá Vũ Thùy L., cán bộ phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Thái Bình, thuê anh Bùi Đức Hân ngày 7 và 8/11 chở đi một số địa điểm trong tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nội, nhưng không có hợp đồng bằng văn bản. Ngày 8/11, bà L. có trả cho anh Hân 1 triệu đồng, còn 2 triệu đồng bà L. chưa trả vì cho rằng giá thuê xe như vậy là cao.
Câu chuyện được đẩy lên cao trào không chỉ bởi thông tin “quỵt tiền” tài xế mà còn ở cách thể hiện thái độ của không đúng mực của người cán bộ công an nhân dân khi ứng xử trước dư luận.
Đọc những dòng tin nhắn được cả nữ trung tá công an và tài xế đăng tải lên mạng xã hội có thể nhận thấy, việc xưng hô giao tiếp của nữ trung tá công an không bình thường. Trong khi người tài xế xưng hô rất lịch sự và mong muốn đòi lại tiền dịch vụ xe thì nữ trung tá lại xưng hô "mày tao": "Mày đừng láo toét, nhà tao không thiếu 2 triệu đồng". Thậm chí, người phụ nữ này còn thách thức anh tài xế taxi vào trụ sở công an tỉnh để đòi tiền: “Mày vào trụ sở công an tỉnh đi. Có đứa nó đưa cho mày. Phó giám đốc tao đưa cho mày nhé”.
Nực cười hơn, nữ trung tá còn đăng tải dòng trạng thái trên trang cá nhân gọi tài xế bằng “thằng”, thậm chí cho rằng lái xe “láo nháo” và kêu gọi hội lái xe "tẩy chay tài xế".
"Nhân vật nổi tiếng bất đắc dĩ" này còn sẵn sàng đối đáp bất cứ người nào khuyên nên trả tiền cho tài xế với ngôn ngữ nặng nề. Đó là những ngôn ngữ vốn không nên có từ một cán bộ công an đã được qua đào tạo bài bản về nghiệp vụ lẫn đạo đức, am hiểu quy tắc ứng xử của ngành công an và đang giữ hàm trung tá.
Có bệnh tâm thần sao không đi điều trị?
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình, đơn vị này đã làm việc với mẹ đẻ của trung tá Vũ Thùy L. và được biết thời gian gần đây nữ cán bộ này có biểu hiện tái phát bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc, trong cách ăn nói, cư xử, sinh hoạt có nhiều biểu hiện không bình thường.
Mẹ của bà L. đã thay mặt gia đình và con gái xin lỗi, trả tiền cho anh Bùi Đức Hân, đồng thời có đơn xin cho nữ cán bộ này đi chữa bệnh theo quy định.
Công an tỉnh Thái Bình cũng xác định: "Trung tá Vũ Thùy L. có tiền sử bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc, đã điều trị tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình từ 29/3 đến 11/4/2011. Hiện Công an tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng gia đình đưa trung tá L. đi chữa bệnh và xử lý vụ việc theo quy định".
Chưa hết bức xúc bởi câu chuyện nữ trung tá "quỵt tiền" taxi, dư luận lại được phen "tá hoả" bởi thông tin “nữ trung tá công an tên Vũ Thùy L. từng có bệnh sử bị tâm thần, bị rối loạn phân liệt cảm xúc cách đây 8 năm vẫn được làm trong ngành công an”.
Không "lo lắng đến phát sốt" sao được bởi nếu chỉ là một người dân bình thường có tiền sử tâm thần hành xử như vậy có thể… phần nào thông cảm. Nhưng đây lại là một chiến sĩ trong... ngành công an.
Có quá nhiều câu hỏi đặt ra, rằng: “Vì sao có tiền sử tâm thần mà vẫn phục vụ trong ngành công an?”; “Vì sao mắc bệnh tâm thần từ tháng 4/2011 chưa chữa khỏi mà vẫn được làm việc cho đến nay và vẫn lên cấp bậc?”; “Vì sao đã bị tâm thần mà vẫn không được giải quyết cho nghỉ?”
Bạn đọc Hoàng Phong phân tích: “Tâm thần mà quỵt tiền của người khác, rồi còn hỏi phóng viên bằng chứng đâu? Một câu hỏi đầy nghiệp vụ ngành! Tâm thần là "bệnh kỳ quặc" nhất trong thời kinh tế thị trường”.
Tương tự, bạn đọc Kim Liên cũng cho rằng: “Đi điều trị bệnh tâm thần từ năm 2011 không biết khỏi chưa mà đường đường mang quân hàm Trung tá công an đi thuê xe đi nơi này nơi kia như vậy nhỉ? Bệnh tâm thần mà sao khôn vậy, đủ tỉnh táo để không trả tiền người khác?”
Nói thêm về vấn đề này, bạn đọc Thaicongben cho rằng: “Cần xem lại quá trình công tác của trung tá L từ khi phát hiện bệnh cho đến nay. Tại sao công an lại để người đang có bệnh tâm thần làm việc trong ngành mà không buộc điều trị cho hết rồi mới cho làm việc lại?”
Chua chát hơn, bạn đọc Liên Hoa còn nói rằng: “Thái Bình hết người rồi nên phải sử dụng người bị bệnh tâm thần làm Công an. Chỉ khi bị tố quỵt tiền thì cán bộ này mới bị tâm thần thôi, còn khi làm việc chị ấy vẫn giỏi mới có bằng khen, giấy khen đấy thôi”.
Bệnh tâm thần có thể gây rối cho bản thân, gia đình và xã hội
Thẳng thừng mà nói, nếu đã có tiền sử bị bệnh tâm thần, cần phải điều trị khỏi và tái khám thường xuyên. Nếu chưa khỏi đã đi làm, nhất là lại làm ở môi trường của ngành công an thì rất dễ bị phát bệnh bởi công việc không hề đơn giản, nhàn hạ. Như vậy, lẽ thường, khi biết trung tá L. có bệnh, chăng Công an tỉnh Thái Bình cần phải cho L. xuất ngũ để an dưỡng vì khi làm việc căng thẳng sẽ dễ tái phát bệnh nặng hơn.
Thế nhưng, lý lẽ của một cán bộ Phòng thanh tra Công an tỉnh Thái Bình khi trả lời báo chí về lý do vì sao chưa làm thủ tục cho ra khỏi ngành đối với trung tá L. khi có bệnh án tâm thần vì: “Theo quy định trung tá L. phải điều trị liên tục trong khoảng 12 tháng thì mới đủ căn cứ để cho ra khỏi ngành. Chị L. từng phải nhập viện tâm thần nhưng thời gian điều trị ngắn, thỉnh thoảng mới phát bệnh còn lại vẫn tỉnh táo và làm việc bình thường. Quá trình công tác chị L. còn được nhận nhiều bằng khen, giấy khen" chỉ khiến người nghe, người đọc thấy buồn cười.
Hãy nghe người trong ngành y tế - bà Phùng Thị Minh Thuận - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình nói để hiểu hơn về người bệnh tâm thần.
Bà Thuận cho biết, chính bà đã trực tiếp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân Vũ Thùy L. hồi tháng 4/2011. "Khi đó chị L. được người nhà đưa đến viện trong cơn kích động mạnh, la hét, đánh đấm, dọa kiện chúng tôi..., chẩn đoán lâm sàng bị 'rối loạn phân liệt cảm xúc' nên phải nhập viện để điều trị", bà Thuận nhớ lại.
Theo hồ sơ bệnh án do Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình cung cấp, bà Vũ Thùy L. (SN 1980) nhập viện tháng 4/2011, nhưng mới điều trị được hơn một tuần người nhà đã đến làm thủ tục xin cho ra viện dù bệnh nhân khi ấy còn chưa ổn định.
"Chúng tôi dặn dò rất kỹ việc chị L. phải được đưa đến khám theo định kỳ nhưng từ đó đến nay không thấy chị L. quay lại để tái khám", bà Thuận cho biết thêm.
Đáng chú ý, chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc - giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình cho biết, ông rất quan ngại về trường hợp của bà L. "nếu không điều trị tích cực thì có nguy cơ mất khả năng làm việc, có thể gây rối cho bản thân, gia đình và xã hội". - ông Ngọc nói.
Còn nhớ, chỉ mới đây thôi, ngày 13/11, bên hành lang Quốc hội, khi trả lời báo chí về việc Bộ Công an có biện pháp gì nhằm chấn chỉnh đạo đức, tác phong của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng sau vụ một thượng uý công an ở tỉnh Thái Nguyên có hành vi ném xúc xích, tát nhân viên bán hàng cũng như vụ nữ đại úy Công an quận Đống Đa (Hà Nội) gây náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất trước đó, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết "Bộ sẽ có chỉ đạo nhằm chấn chỉnh trong toàn lực lượng".
Hy vọng "lời hứa" của người đứng đầu Bộ Công an sẽ được thực hiện nghiêm minh, đặc biệt khi áp dụng vào vụ việc này để làm gương răn đe những sự việc tương tự.
Qua vụ việc này, dư luận cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm rà soát, siết chặt lại vấn đề quản lý người có tiền sử tâm thần, nếu có vấn đề về tâm thần thì bắt buộc phải vào bệnh viện điều trị, vì thực tế cho thấy sẽ rất nguy hiểm khi để người bệnh tâm thần tự do ở ngoài xã hội mà không có sự quản lý.