Thí điểm “Chính quyền đô thị” ở Hà Nội: Yêu cầu đổi mới là điều tất yếu!
Sự thành công không nằm ở việc có được một nguyên mẫu chính quyền đô thị hoàn hảo, mà ở cách vận hành bộ máy, lối tư duy và cách làm việc mới, gần dân hơn nữa của các “công bộc”.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Đây là cơ hội để cho Hà Nội phát triển, nhưng cũng như “liều thuốc thử” cực mạnh cho quá trình đổi mới công tác quản lý Nhà nước, tinh gọn bộ máy của địa phương này.
Trước khi được Quốc hội thông qua, từ năm 2017, TP Hà Nội đã nghiên cứu đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tháng 4/2019, Bộ Chính trị ban hành kết luận số 46 về đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.
Đích đến quan trọng của Nghị quyết này là làm sao để chính quyền Hà Nội phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn đô thị. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết: “Mục tiêu của Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội vừa được Quốc hội thông qua là xây dựng hệ thống chính quyền hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn, đáp ứng yêu cầu của người dân hơn nữa”.
Có thể bạn quan tâm
Đà Nẵng đề xuất 2 phương án xây dựng mô hình chính quyền đô thị
17:36, 11/10/2019
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Hạnh: Xây dựng mô hình chính quyền đô thị là vấn đề tất yếu
14:59, 11/10/2019
Xây dựng mô hình chính quyền đô thị mang đặc trưng của Hà Nội
17:24, 09/08/2018
Dĩ nhiên, tính từ thời gian thí điểm mô hình này (2017), so với yêu cầu và đòi hỏi của người dân thì những chuyển động về một chính quyền gần dân đó dường như còn rất chậm, thậm chí có những thời điểm thụt lùi, khiến dư luận bức xúc.
Đơn cử như chỉ trong vài tháng gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra hàng loạt các sự cố nghiêm trọng, như vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông; vụ nước sinh hoạt sông Đà bị nhiễm bẩn; và tình trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn liên tục tăng cao..v..v.
Phải nói rằng, chưa bao giờ những người dân đang sinh sống ở Thủ đô Hà Nội lại phải đối mặt với rất nhiều sự cố về môi trường như vậy. Điều đáng nói là khi các sự cố xảy ra, người dân cảm thấy bị bỏ mặc, tự tìm cách xoay xở, còn chính quyền và các cơ quan chức năng dường như đứng ngoài cuộc. Cho đến khi báo chí lên tiếng mới thấy sự xuất hiện của chính quyền và các cơ quan chức năng.
Thế là, dư luận lại đặt câu hỏi về tính hiệu quả của cái gọi là “Chính phủ vì dân”, “Chính quyền phục vụ”. Bởi trước đó, người dân còn khá hân hoan, đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, rằng: “Chúng ta đi sát dân hơn, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân nhiều hơn trong giải quyết các công việc của đất nước… Một Chính phủ vì dân thì phải biết cách tổ chức lắng nghe tiếng nói của nhân dân, các đoàn thể. Nếu hành động chủ quan, duy ý chí thì xa dân, mất niềm tin của người dân và hậu quả sẽ rất lớn”.
Có lẽ vì thế mà khoảng lặng của các cấp chính quyền trong các sự cố thời gian qua không chỉ khiến người dân hoang mang, lo lắng, vất vả xoay xở để bảo vệ cuộc sống của mình, mà còn khiến khủng hoảng niềm tin, đồng thời nó cho thấy cái gọi là “chính quyền phục vụ” vẫn đang mờ nhạt.
Theo đó, bên cạnh thể chế, điều quan trọng mà Hà Nội cần đạt được là làm sao có được một đội ngũ cán bộ “bước” vào bộ máy với tâm thế phục vụ, chứ không phải tâm thế làm quan. Đây chính là tư tưởng trọng dân, phong cách gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra rằng, đã là cán bộ lãnh đạo thì “một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng. Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”. Giữ mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng khi nhìn nhận những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã chỉ ra những biểu hiện trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đó là: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân… Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”
Có thể nói, chưa bao giờ Hà Nội có cơ ngơi lớn, phạm vi rộng, quy mô lớn như hiện nay. Song vẫn còn khá nhiều vấn đề bất cập, nhất là trong công tác quản lý hành chính nhà nước. Nên việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị là yêu cầu tất yếu, giúp tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lặp về chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan.
Dẫu vậy, để thay chiếc áo quá chật cần phải tìm ra chiếc áo phù hợp hơn là mặc vội vàng một chiếc áo mới rồi chỉnh sửa, thêm bớt cho vừa vặn. Vì sự thành công không nằm ở việc có được một nguyên mẫu chính quyền đô thị hoàn hảo mà ở cách vận hành bộ máy, lối tư duy và cách làm việc mới, gần dân hơn nữa của các “công bộc”.