Nghịch lí thức ăn chăn nuôi
Hầu hết các nguyên liệu đầu vào cho ngành TĂCN trong nước có thể sản xuất được như ngô, khô dầu, bột thịt xương..., nhưng ngành này đang phải nhập khẩu đến 75% nguyên liệu.
Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) Việt Nam cho biết, doanh nghiệp của ông cũng như các doanh nghiệp trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi rất bị động trong việc nhập khẩu nguyên liệu.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam khi nhập khẩu nguyên liệu phải phụ thuộc rất lớn vào các đối tác cung cấp - chủ yếu là những tập đoàn đang cung cấp đậu nành trên toàn thế giới. Việc cung cấp đậu nành có xuất xứ ở đâu lại do các tập đoàn này quyết định, các doanh nghiệp muốn mua đậu nành từ Mỹ cũng không được.
Có thể bạn quan tâm
VCCI đề nghị điều chỉnh quy định về người lấy thức ăn chăn nuôi
05:00, 07/11/2019
Cách tiếp cận trong Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi không phù hợp
15:00, 01/04/2019
Bổ sung quy định về kiểm tra nhà nước đối với chất lượng thức ăn chăn nuôi
17:35, 07/11/2018
Rút gọn đầu mối kiểm tra chuyên ngành nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và thủy sản
15:35, 04/10/2018
Theo Hiệp hội, hiện nay, sản lượng ngô và đậu tương trong nước chỉ đáp ứng được 50 - 55% nhu cầu sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Do đó, nguồn thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu lúa mỳ, các loại dầu mỡ động thực vật để pha trộn sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 2018, ước tính 70% tổng nguồn nguyên liệu thô làm thức ăn chăn nuôi, bao gồm thức ăn chăn nuôi công nghiệp, là từ nguồn nhập khẩu, với kim ngạch 3,91 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2017.
Theo đánh giá của Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, gia công và buôn bán TĂCN của Việt Nam đang… quá nhiều. Nếu với tốc độ đầu tư như thời gian vừa qua thì đến năm 2020, công suất thiết kế của các nhà máy TĂCN trong nước sẽ vượt con số 40 triệu tấn/năm. So với nhu cầu tiêu thụ trong nước, sản lượng trên dư thừa nhiều triệu tấn/năm.
Một số doanh nghiệp lớn trong nước như Massan, Hòa Phát, Hùng Vương, Vingroup cũng đang từng bước đầu tư lớn vào ngành sản xuất TĂCN. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp ngoại vẫn đang làm chủ “cuộc chơi” với hơn 60% thị phần. Bởi vì, họ đang nắm ưu thế do đã gia nhập thị trường Việt Nam cách đây 10-20 năm, cộng thêm những ưu thế vượt trội về vốn đầu tư, sản phẩm công nghệ hiện đại, chiến lược xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường bài bản…
Ngoài ra, khi mất thế chủ động sẽ không tận dụng hết các nguồn thức ăn trong nước, tỷ trọng nhập khẩu lớn khiến chi phí sản xuất TĂCN tăng cao. Cùng với hệ thống phân phối qua nhiều đại lý trung gian, việc quản trị và sản xuất theo chuỗi giá trị chưa phát triển dẫn đến giá TĂCN đến tay người chăn nuôi chưa thật sự phù hợp. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các cơ sở có quy mô nhỏ và vừa.