Giá thịt lợn liên tục "lập đỉnh", tết này gói bánh chưng nhân gì?

An Nhiên 25/12/2019 11:00

Không ai gói bánh chưng bằng thịt gà, dê, cá... do vậy, trong tình hình thịt lợn liên tục "lập đỉnh" và thiếu trầm trọng như hiện nay thì câu hỏi về nhân bánh chưng Tết cần sớm có đáp án.

Cách đây hơn 1 tháng, khi chủ trì cuộc họp về tình hình giá cả và bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2019 với các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã bày tỏ lo ngại trước khả năng thiếu tới 300.000 tấn thịt lợn vào thời điểm cuối năm.

Thời điểm đó, Tổng cục Thống kê báo cáo, đàn heo cả nước tháng 10 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt heo hơi trên thị trường gia tăng.

Cũng tại thời điểm đó, Bộ Công Thương cho biết đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo. Trong đó bao gồm giám sát chặt chẽ nguồn cung, mua bán thịt heo qua biên giới, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm; có phương án chuẩn bị nguồn hàng, nhập khẩu thịt…

Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề xuất tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt heo sang nước láng giềng nhằm giữ được nguồn cung trong nước. Đồng thời tăng cường tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng các thực phẩm thay thế thịt heo và sử dụng sản phẩm thịt heo đông lạnh thay cho thịt nóng nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong nước.

Theo dự báo của Bộ Công thương, lượng thịt thiếu hụt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ quanh mức 300.000 tấn, cao hơn con số Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đưa ra cuối tháng 11. 

Cũng tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải thốt lên: “Có ai đi gói bánh chưng bằng thịt gà và thịt dê đâu”.

Đến thời điểm này, có thể thấy, sự lo ngại rất thực tế này của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có thể trở thành... hiện thực bởi nguy cơ thiếu thịt lợn những tháng cuối năm 2019 hoàn toàn có thể xảy ra. Và khả năng bánh chưng nhân cá, thịt gà, thịt dê, hay thậm chí… không nhân đều có thể xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành nông nghiệp hoàn toàn thụ động trước cơn khủng hoảng thịt lợn!

    03:24, 23/12/2019

  • Thịt lợn và bức tranh của kinh tế nông nghiệp

    05:13, 19/12/2019

  • Nhiều giải pháp bình ổn mặt hàng thịt lợn

    16:23, 17/12/2019

  • Có hay không việc “găm hàng” để tăng giá thịt lợn?

    11:00, 17/12/2019

  • Bộ Công Thương nêu giải pháp bình ổn thịt lợn

    18:47, 12/12/2019

  • Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, thịt gà

    09:00, 10/12/2019

  • Thiếu hụt 200.000 tấn thịt lợn, sẽ nhập khẩu từ các nước Việt Nam có ký kết FTA

    16:03, 02/12/2019

  • Giá thịt lợn kéo CPI Hà Nội tăng

    11:15, 28/11/2019

  • Thịt lợn tăng giá do đầu nậu và trung gian “bắt tay nhau” 

    11:32, 23/11/2019

Nhìn lại thời gian qua có thể thấy, nếu tháng 6/2019, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, thì từ cuối tháng 10 đến nay giá đã tăng mạnh, thịt lợn thành phẩm leo lên mức 160.000 – 200.000 đồng/kg, sườn non có thời điểm 240.000 đồng, và không có dấu hiệu dừng lại.

Hiện tại, thịt lợn đang "mỗi ngày một giá", "mỗi hàng một giá". Đáng nói, không chỉ giá thịt lợn tăng cao, các thực phẩm khác có nguyên liệu chế biến từ thịt lợn cũng tăng giá theo. Bên cạnh đó, thịt bò, thịt gà, thịt ngan, thịt vịt, cá, tôm… cũng rục rịch tăng giá theo.

Thịt lợn chiếm tới 70% nhu cầu tiêu dùng, do đó việc tăng giá chóng mặt này thực sự khiến người tiêu dùng lao đao.

Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra.

Thứ nhất, tăng giá do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, kiểm soát dịch nên hạn chế lưu chuyển thịt giữa các địa phương. Điều này gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt heo tăng cục bộ, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Thứ hai, công tác kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế luân chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Thứ ba, trong bối cảnh dịch, lợn giống tăng giá cùng các chi phí phòng dịch, kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh cũng tăng cao, khiến chi phí sản xuất kinh doanh thịt lợn tăng.

Thứ tư, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn cuối năm của người Việt, đồng thời có khả năng  một bộ phận người chăn nuôi, nhà sản xuất “găm hàng” chờ giá lên cao nữa.

Thứ năm, cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, đó chính là sự thiếu thống nhất là hiệu quả trong điều hành vĩ mô của các bộ ngành liên quan, mà trực tiếp là Bộ Công Thương và Bộ NN&PT Nông thôn.

Ngay tại cuộc họp về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao chỉ đạo ngành Công Thương và các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Nguyên đán 2020.

Theo đó, để kiểm soát thị trường thịt lợn, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.

Bên cạnh đó, các phương án nhập khẩu thịt lợn cũng được Bộ Công Thương và Bộ NN&PT Nông thôn này thống nhất sơ bộ để triển khai.

Thế nhưng, đã hơn 1 tháng trôi qua, Tết Nguyên đán hiện chỉ còn tính theo tuần, nhưng giá thịt lợn vẫn tăng vùn vụt, nguồn cung vẫn thiếu, người tiêu dùng hoang mang.

Cần phải nhắc lại, Việt Nam là một nước có thế mạnh về ngành nông nghiệp, chăn nuôi có vài thủ phủ được mệnh danh nhưng từ đây đến Tết nguyên đán không biết kiếm đâu ra hàng trăm ngàn tấn thịt lợn phục vụ nhu cầu.

Tìm nguồn cung thịt lợn cho phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân chỉ là giải pháp trong ngắn hạn.

Về lâu dài, để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, Bộ NN&PT Nông thôn cần khuyến khích người chăn nuôi tái đàn khi đủ điều kiện, để giúp bù đắp một phần thiếu hụt trong thời gian tới. Đặc biệt, ngành chăn nuôi phải đưa ra được các giải pháp để ứng phó tốt nhất với biến động như ở thời điểm hiện tại.

Có thể từ nay đến tết Nguyên đán, những lực của các cơ quan chức năng sẽ không xoay chuyển được tình hình thiếu thịt lợn cục bộ, bởi theo quy luật, cận tết chính là thời điểm cao điểm về nhu cầu thịt lợn. Mặt khác, ăn thịt lợn đã trở thành thói quen của người Việt, giờ chuyển qua gà, tôm, cá,... thường xuyên chắc chắn sẽ chưa thể thích nghi ngay được.

Câu hỏi Tết này gói bánh chưng bằng nhân gì nghe ra tưởng bình thường nhưng trong bối cảnh hiện tại, đây thực sự là một câu hỏi khó đối với hai Bộ chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm nhu cầu thực phẩm tiêu dùng cho người dân.

Nếu quả thật, nếu năm nay có bánh chưng nhân gà, cá, bò… thì đây chính là sự thất bại của các cơ quan quản lý.

Xin đừng để lâm vào cảnh lợn đã mất sạch mới loay hoay lo làm chuồng!

An Nhiên