Đường còn dài, lắm chông gai cần vượt

ĐẠI DƯƠNG 14/01/2020 10:56

Trong hai năm gần đây, năm nào Thủ tướng cũng chủ trì một hội nghị về doanh nghiệp nhà nước nhằm mục đích đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của chủ thể quan trọng này.

Tầm quan trọng của doanh nghiệp nhà nước hiện nay đối với kinh tế quốc gia đã được tái khẳng định tại Nghị quyết số 12/NQ-TW năm 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN.

Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Nâng chất

Định nghĩa mới về doanh nghiệp nhà nước có thể khác so với định nghĩa trong Luật doanh nghiệp, nhưng nó nói lên rằng: Đảng và Nhà nước đang thay đổi quan niệm và định hướng về quản lý tài sản nhà nước mà các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ. Là hệ quả của một thời kỳ mà kinh tế chủ yếu do nhà nước nắm giữ, doanh nghiệp nhà nước các loại, theo báo cáo đến hết năm 2018, hiện đang đầu tư tại 855 doanh nghiệp với số vốn trên 1.533.001 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn vẫn chiếm đa số và số vốn mà các doanh nghiệp này nắm giữ đạt trên 1.368.867 tỷ đồng. Tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 3.715.187 tỷ đồng.

Tuy vậy, vì là doanh nghiệp nhà nước, phải tuân theo những quy định khắt khe, nên ở một góc độ nào đó doanh nghiệp nhà nước trong khi vừa phải thực hiện những “nhiệm vụ chính trị”, nên có thể vì thế doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự năng động và có động lực để đổi mới theo cơ chế thị trường. Đã từng có những tiếng nói cho rằng: doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ nên tập trung kinh doanh. Tiếng nói tiêu biểu ấy phải kể đến TS. Nguyễn Đình Cung. Hồi tháng 9/2019, trong một hội nghị về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, ông Cung nói rằng: “Cần phải xem xét lại chức năng, vai trò và nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế. Chẳng hạn nói doanh nghiệp nhà nước có vai trò ổn định kinh tế vĩ mô là chưa hợp lý. Vì nó chỉ làm cho thị trường trở nên méo mó, doanh nghiệp nhà nước trở nên kém năng động”.

Thậm chí, trích dẫn ý kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, TS. Cung còn khuyến nghị: “Hãy giao cho doanh nghiệp nhà nước những nhiệm vụ đủ cao để chỉ người tài mới làm được. Đừng giao những nhiệm vụ đủ thấp để ai cũng có thể hoàn thành. Bởi chỉ giao những nhiệm vụ đủ thấp thì chỉ có con ông cháu cha mới vào được doanh nghiệp nhà nước thôi. Và chúng ta đã nhìn thấy thực trạng ấy”.

TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, nói thực chất doanh nghiệp nhà nước chưa bao giờ kinh doanh theo cơ chế thị trường. “Nếu tới đây, chúng ta buộc tất cả doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động, kinh doanh theo cơ chế thị trường thì tất cả các vấn đề đều được giải quyết”, ông Bá nói.

Để tiến kịp thị trường

Những điều các chuyên gia đề cập có lẽ cũng là nguyên nhân của vấn đề chậm cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Yêu cầu về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là rất rõ ràng, nhất là theo công văn 991/ 2017 và Quyết định số 26/2019 của Thủ tướng. Tuy nhiên, báo cáo mới đây nhất từ Bộ Tài chính cho thấy: trong năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên trong đó chỉ có 03 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn và quyết định nói trên của Thủ tướng.

Công nhân dầu khí vận hành thiết bị năng lượng.

Công nhân dầu khí vận hành thiết bị năng lượng.

Còn trong giai đoạn 2016 – 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/168 doanh nghiệp cổ phần hóa công văn 991/2017 và Quyết định số 26/2019, chỉ đạt 28% kế hoạch. Bộ Tài chính nhận định rằng: “Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, không đạt được kế hoạch đề ra”.

Sơ qua vài con số như vậy để thấy rằng: dư địa để cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn rất lớn. Đương nhiên, thay đổi một chủ thể đã giữ vai trò lớn đối với nền kinh tế trong một thời gian rất dài không phải là dễ dàng. Các quan hệ kinh tế - xã hội đan xen, quy luật thị trường thì khắc nghiệt, pháp luật thì nghiêm minh… là những vấn đề mà nếu khéo léo sẽ trở thành động lực, còn nếu không sẽ trở thành áp lực cho doanh nghiệp nhà nước trong quá trình đổi mới và hội nhập. Có lẽ cũng vì vậy mà “biên độ” để doanh nghiệp nhà nước tự đổi mới chính mình được Nghị quyết 12/2017 của Trung ương nới rộng hơn.

Theo đó, đến năm 2030 “hầu hết các doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần”.

Mới đây nhất, hồi tháng 10-2019, Thủ tướng chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước rằng: Phải chủ động hơn nữa trong hội nhập, vươn ra cạnh tranh quốc tế, vai trò chủ đạo của các tập đoàn là lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, làm bàn đạp để vươn mình hội nhập kết nối với chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Một cách rất “thân tình”, Thủ tướng đã ủng hộ quan điểm “trao quyền tự chủ cho anh em điều hành, tin anh em nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực”, “không để cái gì cũng chạy đi xin”.

Làm được điều đó, không có lý do gì mà doanh nghiệp nhà nước không bứt phá, tiến xa, tiến mạnh vào thị trường.

ĐẠI DƯƠNG