Dịch chồng dịch: Bài học cho sự thô bạo của con người

Trương Khắc Trà 03/02/2020 06:00

Tự nhiên là một thể thống nhất hoàn hảo, khi bị phá vỡ chúng sẽ tái thiết trật tự vốn có, hệ quả là xuất hiện những hiện tượng khiến con người hoảng sợ.

Chị Ba nhìn chằm chằm vào mấy cân gạo hạt trắng bóng, dài thon vừa mua về từ cửa hàng thực phẩm bằng con mắt e ngại, chẳng biết người nông dân bây giờ mỗi năm tiêu thụ hết bao nhiêu lượng thuốc trừ sâu, chỉ biết con số nhập về từ Trung Quốc nghe thấy mà hoang mang.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu của Việt Nam trong tháng 4/2019 đạt 81,86 triệu USD, tăng 28,9% so với tháng trước đó và là tháng tăng thứ hai liên tiếp đạt mức tăng trưởng dương.

Đi một vòng quanh cánh đồng lúa mới sạ gieo trước tết Nguyên đán - dưới chân bờ ruộng, dọc con mương nhỏ phía cuối dòng chảy là nơi tập kết hàng chục chai lọ vuông tròn, đủ màu sắc - đó là “vết tích” còn sót lại khi sử dụng hóa chất công nghiệp để bảo vệ thực vật.

Tại Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng tràn lan

Tại Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng tràn lan

Trồng 2 mẫu lúa (20 sào Miền Trung) anh Tân năm nào cũng sử dụng tầm 10 lọ thuốc diệt cỏ Cantanil 500EC, tầm đó bao FU-ARMY 300WP, Chlorferan 240SC để trừ bệnh đạo ôn, rầy nâu, đục thân tùy theo mùa vụ.

Không chỉ mỗi anh Tân sử dụng hóa chất mà đồng loạt cả cánh đồng đều phải phun theo nếu như có một mảnh ruộng bị bệnh - nếu không sâu bọ sẽ tập trung về nơi không có thuốc.

Sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ như một “cơn nghiện” không thể bỏ được, cả khi lúa làm đồng sắp trổ bông, bất kể dư lượng sau khi thu hoạch. Ai cũng biết độc hại nhưng không còn cách nào khác, nếu mất mùa lấy gì ăn cả năm?

Có thể bạn quan tâm

  • Nông sản lao đao vì đại dịch corona

    Nông sản lao đao vì đại dịch corona

    21:46, 02/02/2020

  • Bộ Công Thương phun khử khuẩn phòng chống dịch corona

    Bộ Công Thương phun khử khuẩn phòng chống dịch corona

    17:22, 02/02/2020

  • Thủ tướng tiếp tục chỉ thị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Corona

    Thủ tướng tiếp tục chỉ thị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Corona

    17:00, 31/01/2020

Đặt lại vấn đề, ngày xưa tiền nhân làm nông nghiệp tuy năng suất không cao nhưng chẳng phải can thiệp bằng hóa chất, dịch họa hầu như không có? Vậy sâu bệnh từ đâu đến?

Câu trả lời là sâu bệnh xuất hiện do tập tính của con người. Bản thân vạn vật luôn có kháng thể, tư trị bệnh mỗi khi mắc bệnh, nhưng do sự nôn nóng của con người (can thiệp bằng hóa chất) nên dần dà sức đề kháng bị triệt tiêu từ cây giống.

Nhà tôi từng nuôi rất nhiều chó, loài chó cỏ rất lỳ lợm với bệnh tật, nhưng cứ lớn là mắc bệnh, bỏ ăn và chết, đó là loại bệnh đường ruột “tử thần” với chó. Những lần chó bị bệnh đường ruột nó thường ra bờ ao, bờ ruộng chổ mát mẻ nằm sấp và ăn cỏ, đá, sỏi.

Hóa ra đó cũng là phương pháp chữa bệnh của loài chó, nếu vội vàng tiêm kháng sinh nó sẽ chết ngay sau khi liều kháng sinh “lạ” vào cơ thể. Ai đủ kiên nhẫn để “thuận thiên” trong sản xuất, kinh doanh?

Khổ nỗi, do áp lực năng suất, áp lực kinh tế nên hóa chất là một trong những điều kiện bắt buộc trong sản xuất nông nghiệp. Từ đây, có một câu hỏi: Vì sao loài người không khuyên nhau sống chậm lại, chấp nhận hạ tốc độ phát triển để bảo tồn bản nguyên muôn loài?

Xu hướng sản xuất Organic (tự nhiên), nguyên tắc đầu tư “xanh” EGS là kết quả đương nhiên sau khi con người phải hứng chịu vô vàn căn bệnh quái ác không thuốc chữa. Nhưng rút cuộc “ai đó”, “đâu đó” vẫn đốc thúc đẩy nhanh, rút ngắn quá trình sinh trưởng để có thể thu lợi một cách nhiều nhất.

Thực phẩm biến đổi gen là một trong những ví dụ khi con người can thiệp quá sâu vào quá trình “sinh trụ dị diệt” của muôn loài. Kết quả là loài người có những thứ chỉ để ngắm, không dám sờ, chẳng dám ăn!

Ngành công nghiệp hóa chất phát triển rất nhanh, nhưng mức độ chịu đựng của vi khuẩn, virus cũng tăng lên để chống lại, thậm chí chúng còn tự sửa chữa bản thân để sinh ra những “đồng vị” thách thức hiểu biết của con người, Ebola, SARS và Corona lần này là những ví dụ.

Sau con “quái vật” Corona, dịch cúm gà H5N1 cũng xuất hiện tại Trung Quốc, điều đó tuy gây ra một ảo giác đáng sợ nhưng nếu bình tĩnh suy xét thì chẳng có gì bất ngờ!

Trung Quốc đang đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Trung Quốc đang đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Trung Quốc là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong thế kỷ 21. Họ lấy gì để dựng xây một đất nước đồ sộ như ngày nay? Đó là khai thác, tận diệt, biến đổi tự nhiên một cách triệt để.

Đập thủy điện Tam Hiệp lớn khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng của não trạng con người, nó có thể làm chậm vòng quay của trái đất! Trung Quốc sản xuất được mọi thứ trên đời, quả trứng giả, củ bắp cải không thể phân biệt, linh kiện công nghệ rẻ...hơn bèo...

Cách đây 12 năm, Trung Quốc chỉ có 16 tỷ phú nhưng giờ đây gần 1/5 tỷ phú trên toàn thế giới là người Trung Quốc. Chỉ trong hơn 10 năm, số lượng tỷ phú mới của Trung Quốc đã tăng gấp 20 lần, mỗi tuần tạo ra 2 tỷ phú!

Mặt trái của sự phát triển ở Trung Quốc là hủy hoại tự nhiên, tạo ra một tầng lớp người không nhỏ mang thế giới quan dị biệt, sinh ra những loại bệnh không thuốc thang nào cứu nổi.

Dưới con mắt biện chứng, mỗi đợt dịch họa là khi tự nhiên cố gắng sắp xếp lại trật tự vốn có, vá lỗ hổng do con người phá hoại. Nếu không sớm tỉnh ngộ rồi đây loài người còn hứng chịu nhiều hơn những kiếp nạn.

Trương Khắc Trà