Đổi trục sản xuất

Lê Mỹ 26/02/2020 17:24

Nông nghiệp, với các trang trại, hộ nông dân đang là những đối tương chịu tổn thương lớn nhất trong dịch COVID-19.

Cũng là những đối tượng còn khó khăn trong quá trình đổi trục sản xuất để đón FTAs, đặc biệt EVFTA vừa được Nghị viện EU phê chuẩn.

Anh Nguyễn Đình Hồng, một chủ trang trại dưa hấu ở Gia Lai cho biết trong những ngày qua, nhờ hoạt động “giải cứu nông sản” của bà con các đô thị, đặc biệt TP HCM, mà nhiều nhà vườn như anh đã được giải tỏa phần nào mối nguy phá sản vụ mùa dưa do dịch “cô Vy”. Tuy nhiên, anh Hồng nói, điều anh lo nhất vẫn là vụ tới, và vụ tới nữa, dân trồng dưa vẫn có nguy cơ “màn trời chiếu đất”, dưa úng ùn ứ bởi đây là trái cây ngắn ngày, khó bảo quản, lại chưa xuất hiện các chủ doanh nghiệp nào có năng lực bao tiêu lớn, sẵn sàng nhận tiêu thụ để gia công chế biến thành các sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng chế biến sâu hơn…

Bên cạnh đó, trường hợp nông dân làm ăn gian dối, chèn trứng loại thấp vào loại 1 khi cung cấp cho Big C khiến tỉnh phải “muối mặt năn nỉ lần nữa” để giữ được chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ mà Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan kể trong dịp gặp Cty Ba Huân đầu năm 2020, chỉ là 1 ví dụ của nhiều ví dụ. Điều này cho thấy nỗ lực “trám” lỗ thực sự không thể chỉ chờ một phía các doanh nghiệp đơn phương nhìn ra tiềm năng các mặt hàng chế biến.

Nông nghiệp Việt đã có những bước tái cơ cấu mạnh các năm qua và đạt được kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng trưởng, ổn định. Sự chuyển trục sản xuất của một số địa phương cũng đã khá nhanh nhạy và phù hợp. Điển hình như Đồng Bằng Sông Cửu Long đã được định hướng chuyển đổi trục sản xuất từ cây lúa, thu hẹp dần để chuyển sang thủy sản và trái cây nhằm thích ứng biến đổi khí hậu cũng như hướng giá trị xuất khẩu cao hơn. Song ngay chính địa phương này hiện cũng đang có một số mặt hàng cần “giải cứu”. Và hiện diện là những cây trái phục thuộc lớn ở 1 thị trường đầu ra, ở thời tiết thất thường, ở mặt hàng khó chế biến sâu sau thu hoạch...

Đó là do người nông dân vẫn cố thủ tập tính “thấy người ăn khoai vác mai đi đào”, ít tự giác chuyển đổi, hoặc chưa được đào tạo để nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận thương mại. Do chưa có nhiều cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu. Hay đó còn là do định hướng đổi trục sản xuất trong nông nghiệp chưa hoàn toàn chú trọng tính đến từng loại cây, loai con…

Sau nhiều bài học đã phải trả giá, người nông dân cần nhận ra rằng, liên kết với doanh nghiệp, thực hiện đúng hợp đồng có lợi hơn vì họ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, cây con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật. Còn đối với doanh nghiệp, EVFTA chính là cơ hội để doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp thắt chặt mối liên kết, tái cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hàm lượng chế biến sâu.

Lê Mỹ