[COVID-19] Chuỗi cung ứng toàn cầu - Bài I: Sự đứt vỡ đã được tiên lượng
Hệ quả đầu tiên của nền kinh tế dịch vụ - toàn cầu hóa là hứng trọn mọi tác động nhỏ nhất dù khoảng cách địa lý xa đến mấy!
Chúng ta đã nói về toàn cầu hóa cách đây vài chục năm, mặt phải cũng có, mặt trái cũng nhiều, nhưng nếu đem ra cân đo kỹ lưỡng, chưa chắc cái được nhiều hơn cái mất.
Phát triển, bang giao, học hỏi, xích lại gần nhau, đoàn kết hòa bình... chưa chắc nổi trội hơn hiểm họa bệnh tật, chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, thù địch...
Đừng phiền lòng vì mọi thứ chưa quá tồi tệ! Đó là liệu pháp tinh thần tốt nhất vào lúc này để vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Song, “đêm trước” của mọi cuộc khủng hoảng thường im ắng đáng sợ!
Trước tới nay không ít quan điểm cho rằng, Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng trong thời gian ngắn, nhưng ít ai nghĩ rằng nguyên nhân lại đến từ con virus siêu nhỏ chỉ nhìn thấy dưới kính hiển vi.
“Ngưng trệ” là từ thông dụng nhất hiện nay để nói về tình trạng kinh tế toàn cầu, do Trung Quốc nắm phần lớn khâu sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, thành phẩm cho nhân loại.
Apple sẽ chết ngay tức khắc nếu chuyển về Mỹ - khi nó bị đội lên khoảng 15% chi phí. Bởi vì, người Mỹ không có thói quen để làm việc 3 ca mỗi ngày, ăn, ở, sinh hoạt và làm việc như thiêu thân trong những nhà máy khổng lồ, tạo ra 350 sản phẩm trong một phút, với thù lao 400 - 600 USD/ tháng. Quá hấp dẫn ở Trung Quốc nhưng rất bèo bọt ở Mỹ!
Daimler, nhà sản xuất ô tô Mercedes của Đức, bắt đầu tăng cường sản xuất tại Trung Quốc khi hoạt động trở lại hôm 7/2. Tuy nhiên, rất nhiều công ty khác nói rằng các nhà máy của họ vẫn đóng cửa hoặc hoạt động sản xuất diễn ra chậm hơn bình thường.
Trong khi đó Ford Motor tiết lộ, liên doanh của họ với một số công ty nhà nước đã tái khởi động một số hoạt động sản xuất, nhưng sẽ phải tăng công suất trong vài tuần tới.
Hàng chục nền kinh tế nhỏ tại châu Á không biết xuất khẩu hàng hóa đi đâu, cũng không tìm đâu ra nguồn hàng mới; hàng triệu người nghỉ chơi không lương, chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe "ăn" dần vào thu nhập...đó là bức họa chung của mọi cuộc bể dâu.
Có thể bạn quan tâm
Đông Nam Á và tham vọng "công xưởng thế giới"
06:45, 20/11/2019
“Công xưởng thế giới” hay bãi rác toàn cầu?
05:35, 15/07/2018
Công xưởng thế giới mới ở Ấn Độ, đừng vội mừng!
12:49, 16/04/2016
“Công xưởng thế giới” bị đóng cửa hàng loạt, hàng triệu người mất việc
09:36, 01/02/2016
Việt Nam là “hàn thử biểu” nhạy bén nhất để đo đếm sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu cả nước tháng Hai chỉ đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng Một. Cộng dồn 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 36,92 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chỉ đem về 25,51 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu không tính dầu thô, mức tăng chỉ còn 0,5%.
Tới giữa tháng 2/2020, tại Việt Nam có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh; 25 hợp tác xã đã tạm dừng hoạt động, 5 hợp tác xã giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp sẽ hết nguyên liệu dự trữ trong tháng 3 này.
Dịch bệnh không giống như mọi cuộc khủng hoảng trực diện khác - trước tiên nó tác động vào con người - với tư cách là chủ thể của mọi quá trình, công đoạn.
Từ nửa cuối thế kỷ XIX, các nhà kinh tế học đã nói về sự xuất hiện của nền kinh tế dịch vụ ở Mỹ. Ngày nay, cả thế giới đang bước sang một nền kinh tế mới: nền kinh tế dịch vụ.
Hàng loạt quốc gia bắt đầu chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo xu hướng công nghiệp - dịch vụ, ngày nay dịch vụ đã lấn át công nghiệp để trở thành xu hướng tương lai.
Ngành dịch vụ hiện đóng góp 60% GDP của thế giới, tại các nước OECD, tỷ trọng này lên đến 70%. Ở một số nền kinh tế tỷ lệ này còn cao bất thường, 90% GDP của Hồng Kông, 80% GDP của Mỹ, 74% GDP của Nhật Bản, 73% GDP của Pháp, 73% GDP của Anh và 71% GDP của Canada...
Tuy nhiên, chẳng ai tính toán hết mặt trái của xu hướng này, đó là khi thế giới đối mặt với chiến tranh, dịch họa, thiên tai. Dịch COVID-19 lần này là một ví dụ.
Nói thế là bởi, một trong những đặc tính của kinh tế dịch vụ là “tính không thể tách rời”. Hay nói cách khác sản xuất và tiêu dùng luôn như hình với bóng. Đây là mối quan hệ biện chứng, tác động bổ trợ song trùng với mâu thuẫn.
Thêm một đặc trưng nữa là “tính đồng thời”, tức là khi anh sản xuất hàng hóa cũng đồng thời sản xuất ra dịch vụ, và ngược lại, khi cung cấp dịch vụ thì cũng được hiểu là một thứ hàng hóa phi vật chất.
Mặt trái ở chổ, nền kinh tế dịch vụ gắn chặt nhiều quốc gia, nhiều châu lục với nhau, điều này cũng lý giải tại sao “toàn cầu hóa” là một xu hướng tất yếu, đơn phương hóa là vi phạm quy luật khách quan.
Do đặc điểm, tài nguyên, thế mạnh yếu của mỗi quốc gia là khác nhau nên nhất định phải có sự hiệp đồng sản xuất để tạo ra những thứ hàng hóa mà không bất kỳ quốc gia riêng biệt nào làm được. Ví dụ như ngành vũ trụ hàng không...
Trong mối tương quan đó, quốc gia nào có thế mạnh vượt trội hơn (dân số, tài nguyên, mức độ phát triển...), kèm theo chính sách đúng đắn sẽ trở thành trung tâm sản xuất nhộn nhịp, thu hút mọi nguồn lực đổ về - Trung Quốc trong 30 năm trở lại đây là một minh chứng.
Bất luận thế nào, Trung Quốc hiện tại đóng vai trò quan trọng hơn Mỹ xét trên bình diện chung toàn thế giới. Một thống kê rất đơn giản, số lượng nền kinh tế cần (phải cần) Trung Quốc nhiều hơn cần Mỹ.
Ngay cả Mỹ, nếu Trung Quốc ngưng trệ tiến độ cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất theo đơn đặt hàng thì cũng “khó sống”. Điều này cũng gián tiếp lý giải tại sao Mỹ không thể “tốc chiến tốc thắng” trong chiến tranh thương mại.
Bài III: Việt Nam sẽ là “công xưởng toàn cầu”?