[COVID-19] Niềm tin - vaccin trong đại dịch
Chính trong thời đại dịch những người lãnh đạo mới phát huy được hết tấm lòng, tâm huyết và khả năng của họ dành cho nhân dân.
Nhưng không chỉ "quyết chiến" với dịch, cộng đồng doanh nghiệp đã vô cùng hồ hởi trước thông tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị 11 với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... với khách hàng gặp khó khăn vì COVID-19. Trước hết, các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng cho giải pháp này.
Thủ tướng cũng yêu cầu chưa điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong quý I và II.
Bộ Tài chính cũng cần trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... báo cáo Thủ tướng trong tháng 3. Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Với ngành giao thông, Thủ tướng giao Bộ Giao thông chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics, hàng không, đường bộ, đường sắt...
Rõ ràng Thủ tướng không chỉ lo cái lo trước mắt, Thủ tướng đang hướng tới tương lai.
Tối qua, một đoạn video ngắn hơn một phút trong phát biểu của ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng như một cam kết với nhân dân Hải Phòng về quyết tâm đối với công tác phòng chống dịch giống như một liều vắc xin đối với người dân đất Cảng trong lúc hoang mang.
Với người dân thành phố Hải Phòng, Bí thư Thành là một cái tên chắc chắn để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lòng người dân. Không phải bởi những công trình xã hội, công trình văn hóa mà ông đã tạo dựng cho thành phố mà còn là những câu chuyện bên lề khi ông xử lý tình huống về đắc nhân tâm đối với người dân.
Bí thư thành uỷ kêu gọi nhân dân bình tĩnh và cố gắng cách ly tốt, nơi nào phải cách ly thành phố sẽ quyết định lo lương thực miễn phí “một cuộc điện thoại là 10 tàu gạo cập bến, một cuộc điện thoại là 10 tàu lương thực cập bến”. Phương án ông đưa ra rất gần gũi nhưng lại trấn an được lòng dân về mối lo thực sự này.
Đây thực sự là một bản lĩnh của người lãnh đạo có tầm và có tâm. Ngoài một quyết định cứng rắn và kiên quyết ra thì còn cho chúng ta thấy đó là người có một trái tim ấm áp, nhân hậu lấy dân làm gốc.
Cổ nhân có câu: “lương ngôn nhất cú tam đông noãn” ý chỉ một câu nói tử tế, tốt bụng có thể làm ấm lòng người suốt ba mùa đông. Trong hoàn cảnh này chúng ta đã cảm nhận được điều đó một cách rõ nét nhất. Chỉ một lời khẳng định, một lời cam kết, đã có thể khiến cho tinh thần hoảng loạn của đại đa số người dân Hải Phòng được nguôi ngoai. Những vùng bị cách ly như: Tân Thành (Dương Kinh), Thủy Đường (Thủy Nguyên), Cát Bi (Hải An)… sẽ không cảm thấy bị cô lập, lạnh lẽo và hoang mang.
Khi sức mạnh niềm tin cả ở hai phía nội lực và ngoại cảnh mang lại con người ta sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ và lạc quan. Điều này là một liều thuốc rất tốt để đẩy lùi dịch bệnh. Chỉ trong những lúc hoạn nạn như này chúng ta mới nhận ra rằng những người lãnh đạo họ luôn phải gánh trên vai những trọng trách và áp lực rất lớn. Họ cũng có người thân, có gia đình và cũng chỉ có từng ấy thời gian và sức khỏe nhưng họ phải lo toan và chịu trách nhiệm cho hàng nghìn hộ dân.
Tuy nhiên, cũng chính trong thời kỳ đại dịch này những người lãnh đạo mới phát huy được hết tấm lòng, tâm huyết và khả năng của họ dành cho nhân dân. Vậy là công cuộc chống dịch như chống giặc của Việt Nam bước đầu đã thành công về mặt tâm lý.